Hội An nghĩ cách ứng phó ăn mặc hở hang

Nếu du khách lỡ mặc trang phục không lịch sự thì sẽ được yêu cầu thay trang phục trang nghiêm do thành phố may sẵn.

Ngày 9-3, bài viết “Cởi đồ ở di tích: Kiến nghị sửa luật để xử lý” nêu tình trạng cơ quan chức năng gặp khó trong xử lý một phụ nữ cởi đồ ở đền Cuông (xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An), một ngôi đền thờ An Dương Vương thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Nguyên do là hiện nay không có quy định nào xử phạt đối với hành vi ăn mặc phản cảm ở cơ sở tôn giáo, di tích lịch sử.

Ông Lê Khắc Hoàng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT tỉnh Nghệ An, cũng cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, bổ sung để có chế tài đối với hành vi ăn mặc phản cảm tại các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng”.

Không phải chuyện hiếm gặp

Nhiều bạn đọc mong muốn việc phơi bày hình ảnh phản cảm phải được xử lý. Vấn đề này gây bức xúc dư luận vì không chỉ vụ việc ở đền Cuông mà trước đó từng có trường hợp ăn mặc phản cảm nơi di tích lịch sử nhưng không xử lý được.

Giữa tháng 2, Facebook LLBC đăng tải hình ảnh cô gái ăn mặc hở hang, thả rông vòng một với chiếc áo bên ngoài mỏng manh tạo dáng cùng một bé trai ở di tích chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam). Kèm theo đó là dòng trạng thái: “Ai qua phố hội chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu”.

Ngay lập tức dòng trạng thái kèm hình ảnh đón nhận sự phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Các bình luận phản đối gay gắt hành động của cô gái, hình ảnh còn được chia sẻ vào các nhóm kín, nhóm công khai. Hầu hết đều không ủng hộ cách ăn mặc của cô gái này, đặc biệt ở những nơi tôn nghiêm như chùa Cầu.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Quốc Hưng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Hội An, cho biết trường hợp này vì cô gái cư trú ở TP.HCM nên cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã có văn bản gửi cơ quan chức năng TP.HCM phối hợp xử lý.

“Nhưng rất khó xử lý vì trong luật không quy định phụ nữ ăn mặc có mặc y phục nhưng không mặc nội y đâu” - ông Hưng nói.

Yêu cầu du khách thay trang phục

Theo ông Hưng, vì hành vi ăn mặc phản cảm của cô gái không có chế tài nên rất khó xử lý. Vì vậy, cơ quan chức năng chỉ dừng lại ở việc mời người có hành vi không phù hợp đến nhắc nhở, răn đe để tránh những trường hợp sau tiếp tục tái phạm.

Trước đó, tháng 9-2019, mạng xã hội Quảng Nam cũng một phen xôn xao hình ảnh cô gái khoe thân thể mặc như không mặc trên nóc một quán cà phê ở phố cổ Hội An.

Với trường hợp này, ông Hưng cho hay cơ quan chức năng trong đó có cả cơ quan công an đã làm việc với cô gái nhưng việc xử lý rất khó, không có chế tài, quy định cụ thể. Phía TP chỉ liên lạc, đề nghị người này gỡ hình ảnh, clip khỏi Facebook cá nhân.

“Chúng tôi không xử lý được vì hành vi ăn mặc phản cảm, hở hang không nằm trong bất kỳ quy định pháp luật nào. Các trường hợp này là vấn đề liên quan đến thuần phong mỹ tục. Nhiều cơ quan của TP đã vào cuộc, tham vấn nhiều nhưng không có quy định cụ thể để xử lý” - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, để tránh những trường hợp tương tự xảy ra, trong khi chờ pháp luật có bổ sung chế tài cho hành vi này, TP Hội An sẽ giao nhân viên kiểm soát vé nhắc nhở người mua vé vào phố cổ ăn mặc trang phục lịch sự.

“Tại các di tích tín ngưỡng, TP tính đặt may trang phục nghiêm trang. Nếu du khách lỡ đến nhưng mặc trang phục không lịch sự thì sẽ được yêu cầu thay trang phục trang nghiêm đó. Các nước bạn đã làm nhiều rồi” - ông Hưng nêu giải pháp riêng của TP.

Sẽ bổ sung quy định để xử phạt

Trước đây, tại Điều 10 Nghị định 73/2010 có quy định xử phạt liên quan đến nếp sống văn minh có quy định cá nhân vi phạm về nếp sống văn minh. Theo đó sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng…

Tuy nhiên, khi Nghị định 167/2013 (thay thế Nghị định 70/2010) có hiệu lực thi hành đã bãi bỏ quy định này.

Ngày 9-3, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, cho biết: “Các quy định hiện hành chưa bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi ăn mặc phản cảm ở nơi di tích, tín ngưỡng. Vì vậy, các địa phương cần tuyên truyền, nhắc nhở người dân, những hành vi đó thuộc về liêm sỉ của cá nhân. Sắp tới, khi sửa đổi nghị định liên quan sẽ phải bổ sung điều khoản này”.

VIẾT THỊNH

THANH NHẬT

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/hoi-an-nghi-cach-ung-pho-an-mac-ho-hang-971382.html