Hội An thu phí tham quan dưới góc nhìn của HTX du lịch
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều nhưng dưới góc độ của những người làm du lịch, không ít HTX cho rằng việc mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An (Quảng Nam) cần có lịch trình rõ ràng. Địa phương cũng cần có phương án phù hợp để du khách cảm thấy hài lòng khi đến tham quan thay vì cảm thấy như không được tôn trọng, từ đó quay lưng với Di sản văn hóa thế giới.
UBND TP. Hội An vừa có quy định, từ ngày 15/5, Hội An sẽ thu phí khách tham quan phố cổ, giá vé 80.000 đồng với khách trong nước và 120.000 đồng với khách quốc tế.
Còn nhiều băn khoăn
Cho dù lãnh đạo địa phương giải thích việc “trả phí” tham quan chỉ nhằm tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp lữ hành với nhau và giữa khách du lịch và địa phương nhằm thực hiện chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, vậy nhưng kế hoạch này vẫn tạo ra nhiều ý kiến trái chiều.
Một số ý kiến cho rằng nên ủng hộ việc thu phí, thậm chí ủng hộ việc thu phí cao hơn để hưởng thụ một sản phẩm, dịch vụ du lịch tốt, "Vì ở đời không có thứ gì miễn phí mà chất lượng cả". Điều này không hề sai bởi các dịch vụ du lịch nếu không có doanh thu để nộp thuế, chính quyền không thu phí thì lấy tiền đâu để đầu tư tái tạo du lịch?".
Dưới góc độ là đơn vị đang cung cấp các dịch vụ, các HTX du lịch vẫn có những băn khoăn nhất định.
Ông Nguyễn Văn Chức, Chủ tịch HĐQT HTX rau hữu cơ Thanh Đông (Quảng Nam) cho biết, việc thu phí có thể sẽ làm giảm lượng khách nhất định trong thời gian đầu thực hiện. Nhưng xét về lâu dài, thu phí có thể giúp địa phương có thêm nguồn thu để tái đầu tư vào các hạng mục nhằm nâng cao chất lượng du lịch.
“Tuy nhiên, cơ quan quản lý có thể xem xét để đưa ra mức giá phải chăng hơn hoặc từng bước nâng cao giá vé đi liền với hoàn thiện dịch vụ để tránh ảnh hưởng đến tâm lý du khách”, ông Chức nói. Đồng thời chia sẻ: trước đây, du khách và người dân đã quen với việc miễn phí, nên họ thường xuyên vào phố cổ. Điều đó kích cầu tiêu dùng hơn, nhưng khi thu phí thì mọi người sẽ bắt đầu cân nhắc nên đây cũng là vấn đề hạn chế trong thu hút khách và có phần ảnh hưởng đến lượng khách của HTX ở mức độ nhất định.
Ông Lê Quốc Việt, Phó Giám đốc HTX Du lịch Làng chài Tân Thành (Quảng Nam) cho biết mô hình du lịch của HTX nằm ngoài phố cổ Hội An nên việc thu phí có thể không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của HTX. Theo ông Việt, thu phí là một chủ trương lớn nhưng mới của thành phố nên vẫn cần có những tính toán, hướng dẫn cụ thể để hài hòa lợi ích giữa người dân, du khách, đơn vị làm dịch vụ du lịch và địa phương.
Từ những chia sẻ của các HTX có thể thấy, ở khía cạnh tích cực, việc thu phí bán vé cho khách du lịch sẽ giúp mang về một nguồn thu cho địa phương, thu hút nguồn lực và tài trợ cho việc bảo tồn và phát triển khu vực du lịch.
Nhưng xét về một góc độ nào đó, trước đổi thay của thị trường, sự tĩnh lặng của phố cổ đã dần mất, nhiều khách du lịch đến Hội An nhưng vẫn chưa thực sự hài lòng với các dịch vụ ở nơi đây. Nên việc thực hiện thu phí phần nào đã mang đến cảm giác khó chịu đối với một bộ phận du khách, ảnh hưởng đến tâm lý của khách đến với Hội An vì họ nghĩ rằng Hội An đang tận thu từ đó, họ có thể quyết định không tới tham quan, hoặc tìm kiếm những điểm đến khác.
Điều này cũng sẽ phần nào tác động đến hoạt động của các HTX làm dịch vụ du lịch. Đặc biệt, những HTX có liên kết với các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp những khó khăn khi hợp đồng ký trước cả năm, hoặc vài tháng. Việc thu phí trong thời gian tới sẽ phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu của HTX vì khó có thể yêu cầu khách chia sẻ thêm chi phí.
Bỏ tư duy "kiếm tiền lẻ"
Hiện nay, có một số nước như Thái Lan, Anh… đã và sắp thực hiện thu thuế với khách du lịch nhưng thuế này đánh trực tiếp vào giá vé máy bay, vé tàu hay tiền thuê phòng. Các nước cũng chỉ bán vé những điểm tham quan cụ thể, không bán vé tham quan không gian sống của các phố cổ.
Chính vì vậy, có ý kiến cho rằng việc thu phí của Hội An trong thời gian tới sẽ vi phạm Điều 13 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế (UDHR 1948) và Điều 23 Hiến pháp Việt Nam 2013 về quyền tự do đi lại của công dân Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam.
Còn nếu cho rằng việc thu phí, mua vé đã được địa phương thực hiện từ lâu nhưng một số đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch “lách luật”, không mua vé gây ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp lữ hành và du khách nên địa phương mới đi đến áp dụng thu vé thì điều cần làm trước tiên chính là xem lại năng lực của các cơ quan quản lý.
Bởi làm du lịch, dịch vụ là cả một nghệ thuật, làm sao phải thu hút được khách đến để khách tự rút ví ra chi nhiều tiền mới mang lại hiệu quả cao. Còn việc thu phí, mua vé thực chất là đang theo cách bắt buộc du khách móc ví để thu tiền lẻ mà không thấy được tiền triệu của khách sắp chi tiêu nếu cảm thấy thoải mái.
Ngày trước, các vũ trường bán vé vào cổng thì khách ít, nguồn thu nhỏ giọt. Sau này, các vũ trường thực hiện miễn phí vào cổng, thì lượng khách đông và đi liền với đó là nguồn thu lớn hơn.
Còn việc địa phương thu được một đồng tiền bán vé nhưng có thể làm người dân, HTX, đơn vị ở bên trong phố cổ mất cả triệu do không bán được hàng, không tiếp cận được khách du lịch. Mà người bán hàng tiền triệu lại đang là những đối tượng phải đóng thuế hơn nhiều so với tiền thu từ vé.
Chính vì vậy, hãy xem cách mà các nhà mạng viễn thông đang làm, đó là xóa bỏ phí thuê bao tháng nhưng tăng dịch vụ, tăng chất lượng phục vụ để thu hút khách sử dụng dịch vụ cũng là cách giúp Hội An lấy được tiền để trùng tu, sửa chữa các di tích.
Việc bỏ tư duy kiếm tiền lẻ sẽ giúp địa phương kiếm tiền chẵn, đồng thời tạo tâm lý thoải mái cho du khách, từ đó giúp người dân, HTX phát triển dịch vụ du lịch một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.