Hội Báo toàn quốc năm 2024: Mỗi cơ quan báo chí là một môi trường văn hóa

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2024 diễn ra từ ngày 15-17/3 tại TP.HCM, Hội Nhà báo tổ chức tọa đàm Chủ đề 'Xây dựng môi trường văn hóa báo chí'. Tại diễn đàn, ý kiến các đại biểu cho rằng, để xây dựng môi trường văn hóa báo chí xây dựng mỗi cơ quan báo chí là một môi trường văn hóa, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu.

Thay đổi tương ứng với thị trường

Theo nhà báo Nguyễn Tiến Thanh - Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, thực tế trong những năm gần đây, báo chí đang ngày càng thay đổi, kéo theo đó những người làm báo và sản phẩm báo chí cũng thay đổi. Vì thế việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận với chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí"

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận với chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa báo chí"

Ông Nguyễn Tiến Thanh cho rằng, báo chí hiện nay không chỉ là sản phẩm văn hóa đơn thuần mà còn mang tính thị trường, giải trí. Nếu như ngày trước báo chí tập trung vào chữ nghĩa thì hiện nay đội ngũ làm báo cũng tập trung làm truyền thông, kinh tế báo chí để mang lại doanh thu.

Từ thực tế trên, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí là cần thiết, nhằm tránh trình trạng các cơ quan báo chí, người làm báo chỉ tập trung làm kinh tế mà quên đi việc thực hiện các sản phẩm báo chí văn hóa.

“Một cơ quan báo chí có một môi trường văn hóa sẽ đưa ra được những triết lý để sản xuất ra những sản phẩm văn hóa của mình, hướng tới bạn đọc, tạo ra được cảm hứng cho đội ngũ để sản xuất sản phẩm văn hóa đó. Và cuối cùng nó sẽ tạo ra thương hiệu, bản sắc của chính cơ quan báo chí đó. Cái lõi văn hóa đi với những quy chuẩn ứng xử bên trong và bên ngoài của một cơ quan báo chí”, ông Nguyễn Tiến Thanh nói.

Còn ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài Phát Thanh truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo Thanh Hóa cho rằng, có tình trạng về việc “ảo tưởng quyền lực” của một số nhà báo để lèo lái dư luận. Đó là thực trạng đáng lo ngại nếu đặt bên cạnh những quy chuẩn của đạo đức nhà báo và những đồng nghiệp làm việc với nghề chân chính.

Vai trò người đứng đầu

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa báo chí là rất quan trọng. Nhiều năm nay, Hội Nhà báo đã nỗ lực xây dựng tiêu chí này để làm trong sạch môi trường báo chí. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Lợi, trong năm 2023, vẫn còn một số trường hợp là nhà báo, cộng tác viên các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố tội danh “cưỡng đoạt tài sản”.

Ngoài ra, vẫn còn không ít nhà báo, bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view, vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính…

Do vậy, vai trò của người đứng đầu gương mẫu là rất quan trọng để xây dựng văn hóa cho các đồng nghiệp. Việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần phải được thực hiện lâu dài, thường xuyên để đạt được những hiệu quả thực sự cho nghề báo Việt Nam.

“Sự gương mẫu, sự chuẩn mực, sự tử tế, văn hóa của người đứng đầu cơ quan báo chí và của các cấp Hội Nhà báo là đặc biệt quan trọng. Dù có ban hành bộ quy chế, hô hào nhưng nếu người đứng đầu trong cơ quan không gương mẫu, không là tấm gương cho đồng nghiệp học tập thì tất cả chỉ là lời nói suông, thậm chí rất phản cảm”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nêu ý kiến.

Đại biểu trao đổi kinh nghiệm tại hội thảo

Đại biểu trao đổi kinh nghiệm tại hội thảo

Còn ông Đào Xuân Hưng, Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường cho rằng, một nhà báo đúng nghĩa phải hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có trình độ học vấn nói chung và chuyên ngành nói riêng, song song với đó là có tri thức hiểu biết đúng đắn về văn hóa.

Có văn hóa thì mới định hướng và hình thành cho mình một phương cách làm việc và hành động đúng theo tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của tập thể và cá nhân, khai thác thông tin để viết nên những tác phẩm báo chí có chất lượng về chính trị, nhân văn, giáo dục sâu sắc.

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường, mỗi nhà báo phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, nhân văn.

Cùng với đó, mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện đề những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm, có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận:

“Nhà báo phải có sự hiểu biết, am sâu, phải có tri thức. Nhà báo cũng phải phát huy trách nhiệm của mình bằng những việc làm, tác phẩm có giá trị lan tỏa tới cộng đồng, bằng những gương người tốt, việc tốt. Nếu như báo chí là văn hóa thì mỗi cơ quan báo chí phải là văn hóa và người làm báo chí phải hoạt động văn hóa, tác phẩm của mình là tác phẩm báo chí văn hóa”, ông Đào Xuân Hưng nói.

Kim Dung/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/hoi-bao-toan-quoc-nam-2024-moi-co-quan-bao-chi-la-mot-moi-truong-van-hoa-post1082994.vov