Hội chợ hay hội chơi?
Đã gọi là chợ thì phải có người mua kẻ bán. Đã gọi là hội thì phải đông vui, hội hè mà lại. Vài chục năm trở lại đây, hội phát triển thần tốc. Từ các hội đoàn cho đến các lễ hội, hội chợ. Hội mà đi với chợ thì đông vui phải biết, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.
Chợ là nơi mua bán, có từ thủa con người cần trao đổi hàng hóa. Hội, thường đi với hè, là những dịp vui chơi nhộn nhịp. Vui thì đông mới sung. Chợ có tự ngàn xưa. Hội chỉ hình thành khi các cộng đồng có nhu cầu gắn bó, trải nghiệm.
Ở Việt Nam, vài chục năm trở lại đây, hội phát triển vô thiên lủng, như nấm sau mưa. Ngành nghề nào, lứa tuổi nào, thú vui nào, sở thích nào cũng có hội. Có hội được nhà nước bao cấp từ A đến Y hay từ A đến M. Có hội tự thu tự chi. Có cả hội của hội gọi là hiệp hội.
Hội mà đi với chợ thì đông vui khỏi nói. Chợ diễn ra quanh năm suốt tháng, còn hội chợ dù chỉ diễn ra mấy ngày. Du lịch là một trong những ngành có nhiều lễ hội và hội chợ nhất. Từ cấp phường, xã, thị trấn; lên thị xã, quận, huyện; tới tỉnh thành; đến quốc gia và ra quốc tế.
Hội chợ Du lịch quốc tế (Viết tắt theo tiếng Anh là VITM) 2019 vừa diễn ra tại thành phố Cần Thơ từ 29/11 - 01/12/2019. Ban tổ chức đã có nhiều nỗ lực để VITM lần đầu tiên được tổ chức tại Tây đô.
Chưa thể sánh với VITM ở Sài Gòn, Hà Nội nhưng là dịp để người dân miền Tây tiếp cận các công ty du lịch lớn, các doanh nghiệp có dịp gặp gỡ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Số lượng các công ty du lịch lẫn các tỉnh tham gia còn rất khiêm tốn. Các đơn vị nước ngoài và khách quốc tế lại càng hiếm. Vậy mà có nhiều thông tin là có “350 đơn vị tham gia” (chắc là số liệu do Ban tổ chức thông báo). Thực tế chưa được 1/5 số đó. Có cả mấy nước được báo nêu như Thái Lan, Ấn Độ nhưng không tham gia. Campuchia, nước láng giềng gần gũi cũng không có mặt.
Số lượng gian hàng và khách đến hội chợ cũng ít hơn hẳn các VITM khác; nhưng độ ồn ào thì không thua kém. Khoản hội chợ ầm ĩ thì Việt Nam không có đối thủ. Chợ thì phải ồn nhưng đó là ồn tự nhiên. Ồn nhân tạo thì chỉ có trong các hội chợ Việt Nam.
Đẳng cấp và văn hóa từng doanh nghiệp thể hiện từ việc trang trí, quà tặng, khuyến mại và marketing trong hội chợ. Có doanh nghiệp xem đây là cơ hội vàng để tiếp cận khách hàng. Họ chăm chút từ trang trí gian hàng, cách phục vụ khách ghé thăm, từ quà tặng cho đến khuyến mãi. Lãnh đạo sát cánh với nhân viên, đến sớm về trễ, trân trọng từng người khách tới sớm nhất và về trễ nhất.
Không ít doanh nghiệp đi hội chợ làm việc theo giờ hành chánh. Cứ 17g là lục tục ra về, bỏ gian hàng trống, mặc khách đi ngang ngẩn ngơ thắc mắc. Thế là khách dồn qua các gian hàng còn hoạt động. Tôi đã chứng kiến cảnh hết giờ, bảo vệ đề nghị ngưng, mấy nhân viên một công ty năn nỉ xin thêm mươi phút vì có khách hàng đang hỏi mua tour và cọc tiền. Bực nhất là các công ty coi hội chợ như chỉ mình ên, dùng âm thanh hết cỡ để hoạt náo và quảng cáo; bất kể sự khó chịu, bực dọc của khách hàng lẫn những gian hàng bên cạnh. Đến hội chợ mà cứ phải bút đàm hoặc hét vào tai nhau như người điếc vì hàng xóm ồn ào quá mức.
Doanh nghiệp mình thích ồn và phải ồn mới đúng bản chất là quyền tự do nhưng xin đừng làm phiền người khác. Một số công ty sau vài lần tham gia hội chợ Việt Nam, đã bỏ của chạy lấy người, sợ xanh mặt vì mình và khách hàng của mình bị hàng xóm khủng bố tiếng ồn. “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân”. Có lòng tự trọng tối thiểu, ai lại làm thế.
Nhiều lần được góp ý, Ban tổ chức vẫn giữ thái độ “Im lặng là vàng”. Có người bảo là họ sợ mất lòng mấy doanh nghiệp thích ồn. Thích bát nháo thì khỏi thanh lịch. Giữ kẻ ồn ào thì mất người tinh tế. Tại sao ồn như vậy mà Ban tổ chức không nhắc nhở. Nếu cần, nên có khu vực riêng, biệt lập để các công ty thích ồn ào, tha hồ thi đua với nhau.
Đáng buồn nhất là việc xem hội chợ là hội chơi, xài tiền chùa. Có người trong cuộc thành thật cho biết “phải tham gia theo ý lãnh đạo và có chuyện để báo cáo”. Có người bảo “để giải ngân, nếu không phải trả lại tiền cho bên tài chính”. Số này hầu hết là khu vực nhà nước và những doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo. Nhiều nhất là gian hàng các tỉnh. Đa phần đều xem hội chợ là một dạng chợ phiên, là hội chơi hợp pháp. Chỉ giả bộ nghiêm túc ngày khai mạc để chụp hình, báo cáo và lên website nội bộ.
Sau đó bỏ trống gian hàng, rủ nhau đi chơi biệt tích. Thấy mặt bằng bỏ trống, một số doanh nghiệp bên cạnh tràn sang, mở rộng “lãnh thổ”, khỏi tốn tiền thuê. Số khác thì cho tư nhân thuê lại để bày bán sản phẩm địa phương. Có giám đốc doanh nghiệp gởi lời cám ơn mấy đơn vị đó. Nhờ họ, gian hàng mình càng đông khách, càng nổi bật.
Hội chợ nào cũng tốn mấy chục triệu trở nên. Từ tiền mặt bằng, trang trí, phương tiện, hiện vật đi lại, ăn uống, ở, giao tiếp… Tiền chùa nên không xót. Báo cáo của các Sở năm nào cũng khoe tham dự bao nhiêu hội chợ và thành công tốt đẹp. Địa phương nào cũng kêu là kinh phí xúc tiến quảng bá quá ít. May là ít mà còn xài sang cỡ đó. Không biết nhiều thì chơi ngông cỡ nào.
Trong khi Phó giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Malaysia tại Việt Nam có mặt suốt ở hội chợ, nhiệt tình đón tiếp từng khách ghé gian hàng. Trái ngược với gian hàng của một nước Nam Mỹ. Sau buổi khai mạc, gian hàng này không có gì, ngoài chiếc bàn lẻ loi bỏ trống; trở thành chỗ ngồi nghỉ của của nhân viên vệ sinh hoặc mấy khách mỏi chân.
Hội chợ mang danh quốc tế nhưng chỉ bán tour cho khách Việt đi du lịch cả trong và ngoài nước. Cái này phải gọi là “Hội chợ Quốc tế Nội”. Mảng khách inbound hoàn toàn không có. Hội chợ quốc tế còn vậy, huống chi nội đia và hội chợ ở nước ngoài. Đất nước còn rất nghèo, kinh phí chi quảng bá, xúc tiến du lịch ai cũng than quá ít mà sử dụng lãng phí vô lối. Hội chợ ở miền Nam thì miền Bắc và miền Trung đi chơi. Cứ thế xoay vòng định kỳ và ngược lại. Ai cũng biết nhưng giả vờ không biết hoặc im lặng. Có người bảo “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, hơi đâu mà thắc mắc.
Lãnh đạo từng địa phương phải xem lại hiệu quả việc tham gia các hội chơi kiểu này. Tiền nhà nước cũng là tiền thuế của người dân chắt chiu, tiết kiệm đóng góp. Chẳng cần cách mạng 4.0. Chỉ cần cách mạng “Một chấm Có” (1.Có). Đó là – CÓ HIỆU QUẢ. Chưa cần thành phố thông minh mà chỉ cần bình thường, khi những đồng tiền thuế của người dân được trân quí và sử dụng thiết thực.
Dù có hẳn bộ sưu tập ảnh các đơn vị tham gia hội chơi mấy năm qua nhưng tôi không trưng ra vì không muốn vì mình mà ai đó bị kỷ luật, mất chức. Tôi chỉ muốn những ai đang xài tiền thuế của dân vô tội vạ kiểu đó nhìn lại mình để sửa sai cho ngành mình được cậy nhờ, đất nước mình được phát triển. Nếu vẫn không chịu thay đổi, thì đã đến lúc, xã hội phải lên tiếng, buộc những kẻ như vậy, trả lại vị trí đang ngồi cho những người xứng đáng hơn.
Đa phần đều xem hội chợ là một dạng chợ phiên, là hội chơi hợp pháp. Đăng ký gian hàng, đóng tiền đầy đủ, nghiêm túc để chụp hình, báo cáo (và nhờ đăng báo) ngày đầu. Sau đó là bỏ trống gian hàng đi chơi biệt tăm. Thấy mặt bằng bỏ trống, một số doanh nghiệp bên cạnh tràn sang, mở rộng “lãnh thổ”, khỏi tốn tiền thuê. Số khác thì cho tư nhân thuê lại để bày bán sản phẩm địa phương.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Vi Văn Hưởng - Giám đốc Bảo hành Dự án CBT phía Bắc
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hoi-cho-hay-hoi-choi-1575529294013.htm