Hội chứng con vịt: Áp lực giấu kín sau vẻ ngoài hoàn hảo
Hội chứng con vịt với trạng thái đối lập giữa vẻ ngoài bình thản và sự kiệt sức bên trong, đang âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của nhiều người trẻ.
Ngồi ở một góc quán cà phê, Duy Hưng (25 tuổi, hiện đang là nhân viên marketing tại một công ty truyền thông lớn ở TP.HCM), cho biết Hưng luôn được đồng nghiệp ngưỡng mộ vì sự chỉn chu, năng suất và thái độ tích cực. Ít ai biết phía sau vẻ ngoài đó, Hưng đang phải vật lộn với cảm giác kiệt sức đến mất ngủ triền miên.
Cái giá của việc "giả vờ ổn"
“Áp lực duy trì hình ảnh một người trẻ thành đạt khiến mình không dám thừa nhận với ai rằng bản thân đã quá tải”, Hưng nói.

Duy Hưng cho biết bản thân cảm thấy quá tải. Ảnh: DI LINH
Cách đó không xa, Phương Anh (22 tuổi, sinh viên trường ĐH KHXH&NV) cười tươi khi kể về thành tích học tập, những lần đạt học bổng và cả công việc part-time ổn định. Nhưng chỉ sau một thoáng, Phương Anh cũng thừa nhận mỗi tối trước khi ngủ, cô thường khóc một mình vì căng thẳng, lo âu và cảm giác không ai thấu hiểu.
"Tôi luôn tỏ ra ổn, nhưng bên trong thì như đang vật lộn với chính mình”, Phương Anh thổ lộ.
Theo chuyên viên tâm lý Trần Huy Tuấn - Khoa Tâm Thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, TP.HCM, nhiều bạn trẻ ngày nay đang mang trong mình thứ gọi là hội chứng con vịt (duck syndrome) – thuật ngữ mô tả trạng thái bên ngoài có vẻ trôi chảy, an yên, nhưng sâu bên trong là cả một quá trình vùng vẫy mệt mỏi để chống chọi với áp lực.

Hội chứng con vịt (duck syndrome) – thuật ngữ mô tả trạng thái bên ngoài có vẻ trôi chảy, an yên, nhưng bên dưới là cả một quá trình vùng vẫy mệt mỏi. Ảnh MXH
Hình ảnh con vịt bơi trên mặt nước trông thong thả, nhưng dưới mặt nước, đôi chân nó liên tục quẫy đạp điên cuồng để giữ thăng bằng, chính là ẩn dụ cho trạng thái của những người mắc hội chứng này.
"Họ thường cảm thấy mình phải luôn thể hiện bản thân thật xuất sắc, thật mạnh mẽ trong mắt người khác, bất chấp bên trong là sự kiệt sức, lo âu và sợ hãi thất bại", ông Tuấn phân tích.
Nhịp sống hối hả thúc đẩy người trẻ hiện nay phải nhanh chóng tìm được thành công, khẳng định được bản thân và sự công nhận. Xã hội hiện đại với thế giới phẳng cũng có xu hướng đề cao sự hào nhoáng bên ngoài với những giá trị ảo mà dường như lãng quên đi giá trị nội tại. Điều này đã thôi thúc người trẻ tuổi tìm kiếm vỏ bọc hoàn hảo để nhận được sự tán dương. (Chuyên viên tâm lý Trần Huy Tuấn)
Nhận biết người mắc hội chứng con vịt không đơn giản, bởi biểu hiện bề ngoài của họ rất ổn định và tự tin. Theo ông Tuấn, điều then chốt là khả năng xác định ranh giới và biết đâu là điểm dừng đúng lúc.
Họ có thể vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, công việc, nhưng luôn cảm thấy cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, dẫn đến tình trạng lo lắng, mệt mỏi kéo dài, mất ngủ, dễ cáu gắt hoặc trầm lắng – không có điểm dừng.
"Áp lực thông thường sẽ qua đi sau khi hoàn thành một mục tiêu, họ sẽ dừng và cho phép bản thân nghỉ ngơi, làm điều mình thích. Còn với hội chứng con vịt, cảm giác không có điểm dừng này cứ âm ỉ, triền miên, khiến người ta kiệt sức”, ông Tuấn nói.

Chuyên viên tâm lý Trần Huy Tuấn - khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh: NVCC
Nếu không phát hiện kịp thời, theo ông Tuấn hội chứng con vịt có thể gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm lý. Khi không thể cân bằng giữa kỳ vọng bản thân và khả năng thực tế và không biết dừng.
"Tình trạng này kéo dài có thể là nguy cơ gây ra rối loạn tâm thần như trầm cảm, lo âu, ăn uống... ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài", ông Tuấn cho biết thêm.
Tìm lại chính mình sau lớp vỏ áp lực
Theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hội chứng con vịt có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm, cảm thấy kiệt sức. Nghiên cứu của Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ, việc liên tục kìm nén cảm xúc tiêu cực khiến người trẻ dễ đánh mất kết nối với bản thân và giảm khả năng tìm kiếm sự giúp đỡ.
“Vấn đề này càng trầm trọng hơn nếu những cá nhân mang trong mình các định kiến về việc thể hiện cảm xúc, như phái mạnh có niềm tin "đàn ông không được khóc" hay "không được thể hiện sự yếu đuối, tổn thương trước mặt người yêu, bạn đời" sẽ khiến lò xo cảm xúc bị dồn ép cực hạn, từ đó gây ra những hành vi bùng nổ cực đoan, tổn hại đến bản thân lẫn những người xung quanh”. (Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An)
Vai trò của mỗi cá nhân trong việc nhận diện, gọi tên cảm xúc, xác định các nguồn cơn gây stress và có chiến lược ứng phó với vấn đề khoa học theo chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, đó là chìa khóa quan trọng nhất để giải mã hội chứng con vịt.
Khi xây dựng các mục tiêu cá nhân, người trẻ cần cân nhắc năng lực của bản thân, các nguồn lực (thời gian, tiền bạc, sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè) để có điều chỉnh phù hợp.
“Mục tiêu không chỉ căn cứ trên tham vọng hay nhu cầu nó cần thực tế với cuộc sống hiện hữu, từ đó làm tiền đề, cơ sở để xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể”, ông An nói.

Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC
Để vượt qua hội chứng con vịt, theo chuyên viên tâm lý Trần Huy Tuấn, điều đầu tiên với người trẻ là phải thấu hiểu và bao dung với chính mình. Cần chấp nhận rằng bản thân có thể không hoàn hảo, đôi khi chưa kiểm soát được cảm xúc hoặc chưa đạt được kỳ vọng.
“Từ sự thấu hiểu đó, mỗi người trẻ phải biết lựa chọn điều gì phù hợp với mình, điều gì bản thân cần, điều gì xã hội cần và bản thân có thể đáp ứng ở mức độ nào. Đồng thời, phải xác định rõ nguồn lực và khó khăn để lập kế hoạch phát triển bền vững”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đối với gia đình và nhà trường, theo ông Tuấn, điều quan trọng nhất là thực sự lắng nghe và thấu hiểu. Người trẻ thường dựng lên một vỏ bọc hoàn hảo để tránh bị phán xét. Nếu gia đình, thầy cô vội vàng đánh giá hay đưa ra lời khuyên, các em sẽ càng thu mình và khó tiếp cận hơn.
Việc thấu hiểu cần thời gian và sự kiên nhẫn. Chỉ khi tạo được môi trường an toàn, sẵn sàng lắng nghe và đón nhận, người trẻ mới có thể bộc lộ tâm tư, khó khăn và đón nhận sự hỗ trợ kịp thời.
Mạng xã hội thổi phồng áp lực
Mạng xã hội góp phần khuếch đại hội chứng này qua việc tô vẽ cuộc sống lý tưởng, khiến người trẻ so sánh bản thân với những hình mẫu phi thực tế và áp lực phải "ổn" mọi lúc.
Khi bản thân đang quay cuồng với học tập, công việc nhưng liên tục thấy người này người kia khoe thành tích, lương thưởng,... sẽ khiến bản thân hoài nghi, so sánh, và tiếp tục đặt ra những áp lực không đáng có, không phù hợp với điều kiện sống của cá nhân.
Chuyên viên tâm lý ĐÀO LÊ TÂM AN, Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Nguồn PLO: https://plo.vn/hoi-chung-con-vit-ap-luc-giau-kin-sau-ve-ngoai-hoan-hao-post843507.html