Hội chứng COVID-19 kéo dài 'có thể đang bị thổi phồng'
Theo Giáo sư John Bell tại Đại học Oxford của Anh, nhiều người nghĩ họ đã mắc hội chứng COVID kéo dài, thực ra đang mắc các chứng bệnh khác có chung 'danh sách dài' các triệu chứng của COVID kéo dài.
Giáo sư y khoa tại Đại học Oxford (Anh), John Bell, cho biết tác động của COVID kéo dài có thể đang "bị thổi phồng" và tỷ lệ mắc hội chứng này thấp hơn nhiều so với dự đoán.
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, hội chứng COVID kéo dài là tình trạng bệnh nhân mắc những triệu chứng dai dẳng kéo dài sau khi nhiễm COVID-19 cấp tính.
Một nghiên cứu của Đại học Oxford công bố vào tuần trước cho thấy hơn 30% số người mắc COVID-19 bị ít nhất một triệu chứng dai dẳng trong 3 tháng hoặc lâu hơn, bao gồm mệt mỏi, đau nhức, trầm cảm và các vấn đề về hô hấp và tiêu hóa.
Tuy nhiên, Giáo sư John Bell, người đã tham gia phát triển vaccine của hãng AstraZeneca, lập luận rằng nhiều người nghĩ họ đã mắc hội chứng COVID kéo dài thực ra đang mắc các chứng bệnh khác có chung "danh sách dài" các triệu chứng của COVID kéo dài.
Về phần mình, Tiến sỹ Janet Scott, một giảng viên lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm tại Hội đồng Nghiên cứu y khoa, Trung tâm Nghiên cứu Virus, Đại học Glasgow, cũng cho rằng số lượng người mắc hội chứng COVID kéo dài đang bị phóng đại do hiện nay chưa có các nghiên cứu đầy đủ với quy mô lớn về hội chứng này.
Theo bà Scott, sẽ không ngạc nhiên nếu các con số về COVID kéo dài giảm xuống khi các nghiên cứu lớn được công bố trong 6-12 tháng tới. Bà cho biết hiện chỉ có những nghiên cứu quy mô nhỏ, vì vậy có thể đưa ra số liệu so sánh cao hơn.
Bà Scott cũng chỉ ra rằng một số nghiên cứu đã sử dụng số liệu từ các cuộc khảo sát trên mạng xã hội, vốn không phải là nguồn dữ liệu tốt bởi những người cung cấp thông tin có khả năng thổi phồng các triệu chứng của mình.
Hơn nữa, Tiến sỹ Scott lập luận thêm rằng nhiều tháng phong tỏa và giãn cách xã hội có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và bị trầm cảm nghiêm trọng dù họ có nhiễm COVID-19 hay không.
Sẽ không ngạc nhiên nếu một số người thực sự chưa bao giờ mắc COVID-19 lại có các triệu chứng của COVID kéo dài bởi sống trong năm 2020 thực sự là một trải nghiệm khó khăn.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Scott thừa nhận rất nhiều người vẫn có thể sẽ đối mặt với các triệu chứng khó hiểu liên quan đến COVID-19 sau khi mắc căn bệnh này, khiến họ có thể phải chịu đựng trong nhiều năm.
Một khả năng là một số người mắc COVID kéo dài là do virus vẫn tồn tại trong cơ thể họ. Tuy nhiên, một khả năng khác là hội chứng trên có thể là tình trạng tự miễn dịch do hệ miễn dịch của cơ thể vẫn tiếp tục phản ứng với virus đã bị tiêu diệt.
Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Nếu hội chứng COVID kéo dài là do virus tồn tại trong cơ thể thì tiêm vaccine sẽ là giải pháp. Nhưng nếu đó là tình trạng tự miễn dịch, thì vaccine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng do tiếp tục kích thích hệ miễn dịch của cơ thể. Trong trường hợp này, việc điều trị có thể bao gồm các loại thuốc làm giảm miễn dịch.
Tiến sỹ Scott cho biết nhiều khả năng COVID kéo dài liên quan đến các vấn đề tự miễn dịch vì các nghiên cứu cho thấy phụ nữ trẻ bị ảnh hưởng nhiều nhất hội chứng này. Theo số liệu thống kê, phụ nữ có nhiều khả năng mắc các bệnh liên quan tới tự miễn dịch hơn nam giới.
Tiến sỹ Scott thừa nhận cả hai giả thuyết (và nhiều hơn nữa) đều có thể đúng bởi COVID kéo dài, với những người mắc có nhiều triệu chứng khác nhau, vẫn một ẩn số. Bà e rằng vẫn còn một chặng đường dài để giải đáp ẩn số này.
Tuy nhiên, bà cho biết một điều chắc chắn là COVID kéo dài tác động đến người trẻ tuổi hơn là người già. Trong số người trẻ tuổi này, hội chứng đang cho thấy những dấu hiệu mới khó hiểu.
Trong một nghiên cứu khác do các nhà điều tra của nghiên cứu CLoCk do Đại học College London và Cơ quan Y tế Công cộng vùng England tiến hành, phát hiện "nổi bật nhất" là trẻ em từng mắc COVID-19 có cùng độ mệt mỏi với những đứa trẻ xét nghiệm âm tính với virus.
Ngoài mệt mỏi, cả hai nhóm trẻ đều có một điểm chung khác là mắc các triệu chứng liên quan tới cảm xúc ở mức độ cao, với 40% trẻ em nói rằng cảm thấy lo lắng, buồn bã hoặc bất hạnh, bất kể các em có mắc bệnh hay không.
Tiến sỹ Michael Absoud tại Khoa Sức khỏe phụ nữ và trẻ em tại Đại học King's College London cho biết năm 2020 tác động nghiêm trọng đến tất cả trẻ em, và điều đó có thể giải thích về sự mệt mỏi và các vấn đề về cảm xúc.
Một nghiên cứu mới về trẻ em mắc COVID-19 ở vùng England của Đại học Queen Mary London công bố vào tuần trước cho biết cách tốt nhất để ngăn chặn COVID kéo dài là tiêm 2 mũi vaccine.
Báo cáo trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa hoàng gia ước tính tiêm đủ hai mũi vaccine sẽ giúp ngăn chặn tới 56.000 trường hợp mắc COVID kéo dài ở trẻ em từ 12-17 tuổi.
Ngoài tiêm chủng, Tiến sỹ Absoud cho rằng các dịch vụ hỗ trợ điều trị các triệu chứng mệt mỏi dai dẳng cần được thiết lập ở các địa phương, đặc biệt dành cho người trẻ tuổi. Ông nhấn mạnh ngay cả khi mệt mỏi, đau yếu và trầm cảm không phải là kết quả của COVID kéo dài thì các phòng khám vẫn cần xác định và giải quyết vấn đề khiến mọi người không thể sống bình thường.
Thật vậy, cho dù đó là COVID kéo dài hay không, tất cả dữ liệu hiện tại cho thấy một làn sóng hậu đại dịch với các triệu chứng suy nhược lâu dài có thể đe dọa tất cả mọi người./.