Hội chứng kiệt sức, chuyện người trong cuộc (Bài 3): Từ trầm cảm tới giải thoát cực đoan

Nhiều bạn trẻ sống trong vòng xoáy kiệt sức quá lâu, họ phải đối mặt với các căn bệnh về tâm lý như trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí họ tìm đến cách giải thoát cực đoan.

Rối loạn khả năng nhận thức

Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện 19-8, bạn Nguyễn Minh Cường (nhân vật đã được đổi tên), 27 tuổi, ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, là một trong những bệnh nhân trẻ tuổi nhất, được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, với các biểu hiện như hoang tưởng, ảo tưởng, cảm xúc thờ ơ, vô cảm, rối loạn chức năng nghề nghiệp và xã hội.

 BS Yến đang trò chuyện cùng với Cường trong quá trình điều trị Ảnh: Châu Linh

BS Yến đang trò chuyện cùng với Cường trong quá trình điều trị Ảnh: Châu Linh

Quan sát và trò chuyện với Cường khi đang ngồi đánh đàn ghi ta trong khuôn viên bệnh viện, PV báo Tiền Phong được biết, trước đây, anh vốn yêu thích nhạc và ấp ủ nhiều dự định đi theo con đường nghệ thuật, nhưng phải rẽ sang làm công việc nhà nước theo sự sắp đặt của gia đình.

Mặc dù môi trường không có nhiều áp lực, cạnh tranh hay bất đồng văn hóa nơi công sở, nhưng Cường chưa khi nào cảm thấy hào hứng khi bắt đầu một ngày đến cơ quan, và tìm mọi cách để trì hoãn. Anh chỉ cố gắng hoàn thành hết công việc được giao để nhanh chóng trở về nhà, không có nhu cầu giao lưu, mở rộng mối quan hệ.

Cường cảm thấy kiệt sức khi luôn phải gắng gượng làm một công việc mình không yêu thích, lại ngại bước ra khỏi vùng an toàn hay mạo hiểm đi theo nghệ thuật. Bởi phía sau anh là cả một gia đình, có vợ, 2 con trông đợi vào mức lương cố định hàng tháng.

“Hiện tại, tôi đã có gia đình, chi tiêu sinh hoạt đều dựa vào mức lương công chức không nhiều nhưng duy trì ổn định được 4 năm nay. Cả bố mẹ hai bên, vợ đều mong tôi yên vị, đừng nghĩ đến chuyện nối lại đam mê xa vời thực tế, viển vông, coi nghệ thuật là thứ “trên mây”, Cường tâm sự.

Là người trực tiếp điều trị cho Cường, BS Đỗ Thị Yến cho biết, từ khi vào đây, bệnh nhân đã nhận thức được vấn đề, trạng thái tâm lý của mình nhưng ngại đối mặt và vượt qua nó, đôi khi có những hoang tưởng và ảo thanh không sát với thực tế.

“Trước tiên, tôi cần khẳng định, hội chứng kiệt sức mà Cường đã mắc phải trong giai đoạn trước đó không phải nguyên nhân dẫn đến căn bệnh tâm thần phân liệt. Nhưng hiện tượng mang tính nghề nghiệp này lại là yếu tố tác động đến cảm xúc, suy nghĩ, thái độ, hành vi của bệnh nhân và gia tăng mức độ, khả năng mắc các căn bệnh về tâm thần”, BS Yến nói.

Từ trường hợp của Cường, BS Yến lý giải thêm, sự cách biệt trong suy nghĩ và định nghĩa về ổn định của thế hệ trước đã tạo nên rào cản để bạn trẻ bước đến công việc thực sự yêu thích. Đặc biệt, khi làm công việc nhàn hạ nhưng không có năng lượng sẽ còn gây hại hơn là kiệt sức vì được làm công việc mình yêu.

“Đặc biệt, khi người nhà phát hiện những dấu hiệu stress, kiệt sức của bệnh nhân lại xem nhẹ, để họ tự nén cảm xúc vào trong. Cho đến khi phải vào viện, bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần thì khó chấp nhận, và đôi khi không hợp tác để điều trị”, BS Yến cho biết.

Giải thoát cực đoan

Cuối tháng 7 vừa qua, khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8 cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ tên Nguyễn Thu Hương (nhân vật đã được đổi tên), 29 tuổi, quê ở Điện Biên nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu như người bị chết não, suy đa cơ quan, tiên lượng tử vong đến 90% do uống 90 viên thuốc ngủ Gandenal.

Được biết, Hương lên Hà Nội làm nghề dịch vụ, chăm sóc khách hàng cách đây vài năm vừa để tự lập, vừa gửi tiền về cho gia đình và trợ cấp cho em trai học đại học. Công việc của cô không áp lực về đầu óc nhưng luôn phải nở “nụ cười công nghiệp” trên môi.

“Đôi khi gặp phải chuyện không vui, cũng phải cười khi khách tới, không được ủ dột, khó chịu. Cho dù hôm trước đã tăng ca, đón khách nhiều, trực khách... mệt đến cỡ nào, thức khuya đến mấy giờ, có rắc rối nào chưa giải quyết được hay tâm trạng tệ ra sao thì vẫn phải gặp khách hàng với nét mặt tươi cười, niềm nở và làm tốt công việc của mình”, Hương nhớ lại.

Những ngày làm việc kiệt sức, lại thêm nỗi lo về cơm áo gạo tiền ở thủ đô, Hương vừa bất an, trằn trọc hơn 3 tiếng vẫn chưa vào được giấc ngủ. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những áp lực về nghề “làm dâu trăm họ”, Hương không đến mức tìm đến thuốc ngủ để tự giải thoát.

 Thu Hương may mắn vượt “cửa tử” sau khi tìm đến thuốc ngủ để tự tử Ảnh: Chu Thành

Thu Hương may mắn vượt “cửa tử” sau khi tìm đến thuốc ngủ để tự tử Ảnh: Chu Thành

Lên Hà Nội được vài năm, nhưng Hương không có bạn bè, sống nội tâm. Thậm chí, khi ở cùng em trai, Hương cũng chỉ phản ứng khi có tiếng động mạnh. Chuyện chủ động chia sẻ và cởi mở hoàn toàn không diễn ra giữa hai chị em cùng nương tựa nhau nơi đất khách. Cô chỉ chia sẻ với bạn trai và đặt hết niềm tin, lấy động lực từ mối quan hệ này.

Trong 3 tháng gần đây, Hương chuyển chỗ làm tới 3 lần vì nhiều lý do và xảy ra tranh cãi với bạn trai khi bất đồng quan điểm trong công việc, cuộc sống. Sự tiêu cực chạm đến đỉnh điểm, những áp lực trước đây tích tụ lại như dồn về một điểm, đêm 22/7, Hương đã uống 90 viên thuốc ngủ trong đêm và “phi tang” hiện trường. Khoảng 14 tiếng sau, em trai của cô mới phát hiện và đưa chị vào viện cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, BSCKI Chu Đức Thành (khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện 19-8) đã tìm hiểu gia đình, khai thác, xâu chuỗi những vấn đề Hương đã gặp phải để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tự độc.

Sau đó, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã khẩn trương triển khai kỹ thuật thở máy, chống sốc, chống phù não, kiểm soát thân nhiệt theo đích, lọc máu, bài niệu, chăm sóc tích cực. “Sau 3 ngày, bệnh nhân đã tỉnh táo, cai thở máy, bước đầu nhận thức được hành vi tự làm hại mình”, anh Thành cho biết.

Theo BSCKI Chu Đức Thành, bệnh nhân không có nơi nào để giải quyết tình trạng burnout, không có bạn bè, chưa có hệ thần kinh tốt nên khi đối mặt với những áp lực nên đã chọn cách tự xử lý lấy bằng hành vi tự sát.

Từ trường hợp của Hương, BS.Thành cho rằng, cần ngăn chặn những yếu tố khách quan thúc đẩy bệnh nhân thực hiện hành vi tự sát. Như việc mua bán thuốc ngủ online, không có kê đơn của bác sĩ, người bán vẫn thản nhiên, không nghi ngờ khi bán thuốc ngủ cho một người đang mất dần năng lượng. “Nếu bệnh nhân mua thuốc trong 5 lần, đều bị từ chối bán, thì liệu có còn giữ ý định tự tử hay không?”, BS Thành cho hay.

(Còn nữa)

Số liệu thống kê của Bệnh viện 19-8 cho thấy, những năm gần đây ghi nhận số lượng bệnh nhân bị stress, suy nhược thần kinh tăng so với trước đây. Năm qua có 100 ca bệnh nhân bị stress, suy nhược thần kinh và khoảng 30 ca bệnh nhân mắc các bệnh tâm thần.

CHÂU LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoi-chung-kiet-suc-chuyen-nguoi-trong-cuoc-bai-3-tu-tram-cam-toi-giai-thoat-cuc-doan-post1561964.tpo