Hội chứng 'nhà máy bia tự động': Say rượu mà không hề uống rượu
Căn bệnh này có thể khiến bạn rơi vào trường hợp giống như say rượu mà cố tình lái xe, dẫn tới một số hiểu lầm đáng tiếc.
Hội chứng “nhà máy bia tự động” là gì?
Hội chứng “nhà máy bia tự động” còn được gọi là hội chứng lên men đường ruột và lên men ethanol nội sinh. Nó đôi khi được gọi là "bệnh say rượu”. Tình trạng hiếm gặp này khiến bạn say mà không cần uống rượu.
Điều này xảy ra khi cơ thể biến thức ăn có đường và tinh bột (carbohydrate) thành rượu. Hội chứng “nhà máy bia tự động” khó chẩn đoán, có thể bị nhầm lẫn với nhiều tình trạng khác.
Chỉ có một số trường hợp mắc hội chứng “nhà máy bia tự động” được báo cáo trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, tình trạng y tế này đã được nhắc tới trong các tin tức liên quan tới những người bị bắt vì uống rượu và lái xe.
Ví dụ: Một phụ nữ được phát hiện có tình trạng này sau khi cô bị bắt vì lái xe trong khi say rượu ở New York, Mỹ. Nồng độ cồn trong máu của cô cao gấp 4 lần giới hạn cho phép. Cô không bị buộc tội vì các xét nghiệm y tế cho thấy hội chứng “nhà máy bia tự động” đã làm tăng nồng độ cồn trong máu của cô.
Các triệu chứng của căn bệnh này
Hội chứng nhà máy bia tự động có thể khiến bạn say mà không uống chút rượu nào.Các triệu chứng và tác dụng phụ tương tự như khi bạn hơi say hoặc khi bạn nôn nao do uống quá nhiều.
Các triệu chứng điển hình của căn bệnh này là da đỏ bừng, chóng mặt, mất phương hướng, đau đầu, buồn nôn, ói mửa, mất nước, khô miệng, ợ hơi, mệt mỏi, có vấn đề về trí nhớ và sự tập trung, thay đổi tâm trạng.
Căn bệnh này cũng có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe khác như hội chứng mệt mỏi mãn tính, hội chứng ruột kích thích, trầm cảm và lo âu.
Nguyên nhân gây bệnh
Hội chứng “nhà máy bia tự động” có thể khiến cơ thể “pha chế” rượu (ethanol) từ carbohydrate trong thức ăn. Điều này xảy ra bên trong ruột, có thể được gây ra bởi quá nhiều men trong ruột.
Một số loại men có thể gây ra hội chứng nhà máy bia tự động là nấm Candida albicans, Candida glabrata, Torulopsis glabrata, Candida krusei, nấm men kefyre, Saccharomyces cerevisiae (men bia).
Người lớn và trẻ em có thể mắc hội chứng “nhà máy bia tự động”. Các dấu hiệu và triệu chứng đều giống nhau ở cả 2.
Hội chứng “nhà máy bia tự động” thường là biến chứng của một bệnh khác, mất cân bằng hoặc nhiễm trùng trong cơ thể. Bạn không thể bẩm sinh mắc căn bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể mắc một căn bệnh bẩm sinh nào đó và dẫn tới mắc hội chứng hiếm gặp này.
Ví dụ: Ở người lớn, quá nhiều men trong ruột có thể do bệnh Crohn gây ra. Điều này có thể gây ra hội chứng “nhà máy bia tự động”.
Ở một số người, các vấn đề về gan có thể gây ra hội chứng “nhà máy bia tự động”. Trong những trường hợp này, gan không thể loại bỏ rượu đủ nhanh. Ngay cả một lượng nhỏ rượu do men đường ruột tạo ra cũng dẫn đến các triệu chứng.
Trẻ mới biết đi và trẻ em mắc hội chứng ruột ngắn có nguy cơ mắc hội chứng này cao hơn. Một trường hợp y tế từng báo cáo rằng, một bé gái 3 tuổi mắc hội chứng ruột ngắn sẽ bị “say” sau khi uống nước ép trái cây. Loại nước trái cây này chứa nhiều carbohydrate tự nhiên.
Các lý do khác khiến cơ thể có quá nhiều men bao gồm chế độ dinh dưỡng kẽm, do thuốc kháng sinh, bệnh viêm ruột, bệnh tiểu đường, hệ thống miễn dịch thấp.
Hội chứng này được chẩn đoán như thế nào?
Không có xét nghiệm cụ thể để chẩn đoán hội chứng “nhà máy bia tự động”. Tình trạng này vẫn còn mới và cần nhiều nghiên cứu hơn. Một vài triệu chứng thường không đủ cơ sở để chẩn đoán.
Bác sĩ có thể sẽ làm xét nghiệm phân để tìm hiểu xem bệnh nhân có quá nhiều men trong ruột hay không? Một thử nghiệm khác có thể được một số bác sĩ sử dụng là kiểm tra glucose.
Trong bài kiểm tra glucose, bệnh nhân sẽ được cung cấp một viên nang glucose (đường). Bệnh nhân sẽ không được phép ăn hoặc uống bất cứ thứ gì khác trong vài giờ trước và sau khi kiểm tra. Sau khoảng 1 giờ, bác sĩ sẽ kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
Nếu bạn không mắc hội chứng “nhà máy bia tự động”, nồng độ cồn trong máu sẽ bằng 0. Nếu mắc bệnh, nồng độ cồn trong máu có thể dao động từ 1,0 đến 7,0 miligam trên mỗi decilít.
Nếu nghi ngờ mình mắc hội chứng “nhà máy bia tự động”, bạn có thể thử một bài kiểm tra tương tự ở nhà. Lưu ý, bạn không nên sử dụng nó để tự chẩn đoán. Ăn thứ gì đó có đường, chẳng hạn như bánh quy khi bụng đói. Sau 1 giờ, hãy sử dụng máy đo hơi thở tại nhà để xem nồng độ cồn trong máu có tăng lên không.
Thử nghiệm tại nhà này có thể không hiệu quả cao vì không có các triệu chứng đáng chú ý. Máy thở tại nhà cũng có thể không chính xác như máy được bác sĩ và bệnh viện sử dụng. Bất kể bạn quan sát thấy gì, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.
Cách điều trị hội chứng này
Hội chứng “nhà máy bia tự động” có thể được điều trị. Bác sĩ có thể đề nghị giảm carbohydrate trong chế độ ăn uống, điều trị cụ thể từng căn bệnh (ví dụ bệnh Crohn) sẽ giúp cân bằng nấm trong đường ruột.
Bạn sẽ cần thực hiện các thay đổi về dinh dưỡng để giúp điều trị hội chứng “nhà máy bia tự động”. Trong khi đang dùng thuốc chống nấm, bạn hãy tuân theo chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt: Không đường, không có carbohydrate, không cồn.
Thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày có thể giúp phòng ngừa căn bệnh này. Chế độ ăn ít carbohydrate có thể giúp cân bằng nấm trong ruột.
Tránh thực phẩm có đường và carbs đơn giản như đường ngô, siro ngô có hàm lượng đường cao, bánh mì trắng, mì ống, gạo trắng, khoai tây chiên, bánh quy, đồ uống có đường, các loại nước ép trái cây.
Ăn nhiều carbohydrate phức tạp có nhiều chất xơ như bánh mì nguyên hạt, gạo lức, rau tươi và nấu chín, trái cây tươi, đông lạnh và khô, yến mạch, lúa mạch, đậu lăng, diêm mạch…
Mặc dù không phổ biến nhưng hội chứng “nhà máy bia tự động” là một căn bệnh nghiêm trọng và có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Trong một số trường hợp, những người mắc hội chứng này bị hiểu nhầm là uống rượu.
Bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế trong trường hợp nhận thấy có nhiều dấu hiệu bất thường xảy ra trong cơ thể. Tình trạng này có thể nặng thêm nếu bạn chậm trễ trong việc điều trị.