Hồi chuông cảnh báo về chất lượng liên kết dạy học ngoại ngữ
Do được phép đưa giáo viên nước ngoài vào dạy tại các trường công lập nên có tình trạng tuyển bừa và hợp thức hóa hồ sơ những người nước ngoài không đủ tiêu chuẩn giảng dạy.
Hiện nay, đang diễn ra việc tổ chức liên kết dạy ngoại ngữ núp bóng với nhiều hình thức từ bồi dưỡng cho giáo viên, dạy cho học sinh lấy nguồn tiền từ ngân sách nhà nước cho đến việc huy động tiền đóng góp của phụ huynh.
Thực trạng này diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn toàn quốc. Vì đây là món lợi mang đến doanh thu rất lớn nên số lượng công ty "nhảy vào" tổ chức liên doanh liên kết như nấm mọc sau mưa. Điều đáng bàn, hoạt động này hết sức mơ hồ, rất khó để biết được năng lực thực tế của các công ty cung cấp dịch vụ này.
Điều bất cập nhất hiện nay, ai là người đánh giá chất lượng những giáo viên và chương trình liên kết tiếng Anh?
Nếu như, một trường Đại học muốn mở ngành, nghề đào tạo giáo viên thì họ phải đáp ứng với đủ các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, giáo viên, chương trình thì đối với các công ty cung cấp dịch vụ dạy liên kết ngoại ngữ gần như không một tiêu chí nào quy định. Chính vì vậy, bất cứ ai cũng có thể mở công ty và cung cấp dịch vụ.
Nguy cơ gian dối là điều khó tránh khỏi, khi vụ việc xảy ra tại Thanh Hóa mới đây là một ví dụ điển hình. Cụ thể, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án về việc làm giả hồ sơ, tài liệu để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép của một giám đốc doanh nghiệp tại Thanh Hóa.
Theo đó, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã thi hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với bị can Lê Thị Hồng Vân (sinh năm 1984) thường trú ở phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự và tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự. Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa: Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân đã chỉ đạo 2 nhân viên dưới quyền làm giả 65 tài liệu của 30 trường hợp người nước ngoài, sau đó sử dụng pháp nhân của 4 công ty để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép".
Quá trình điều tra xác định, Lê Thị Hồng Vân đã thành lập và đứng tên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục PPV và Công ty TNHH Giáo dục quốc tế Apple (địa chỉ phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đều hoạt động trên lĩnh vực giáo dục là giảng dạy tiếng Anh.
Từ năm 2021 đến đầu năm 2023, Lê Thị Hồng Vân đã lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của phụ huynh học sinh, đồng thời, lợi dụng chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho phép các trung tâm ngoại ngữ liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trên địa bàn được cấp phép để sử dụng danh nghĩa 2 công ty của mình để mời, bảo lãnh và chuyển đổi cho gần 200 người nước ngoài nhập cảnh, làm việc cho các công ty này.
Đáng chú ý, có tới 1/3 số người nước ngoài do Vân mời, bảo lãnh không đủ điều kiện để nhập cảnh, như không có chứng chỉ tiếng Anh, không có bằng đại học, giấy tờ không được hợp pháp hóa… nhưng Vân vẫn bất chấp quy định của pháp luật, chỉ đạo 2 nhân viên cấp dưới gồm Phạm Thị Hiền (sinh năm 1989) và Đỗ Thị Vân (sinh năm 1992) cùng trú tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa làm giả các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp phép lao động cho người nước ngoài; qua đó, bảo lãnh không giới hạn người nước ngoài nhập cảnh nhằm phục vụ mục đích cho thuê hưởng lợi của Vân.
Vụ việc tại Thanh Hóa đang dóng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng của những giáo viên người nước ngoài được đưa vào giảng dạy ngoại ngữ tại các trường công lập hiện nay.