Hồi chuông cảnh báo về xã hội Nhật Bản sau 'vụ tấn công Joker'
Vụ tấn công trên tàu điện ngầm ở Tokyo hồi đầu tháng này đã gây rúng động toàn Nhật Bản. Phần lớn sự chú ý tập trung vào thủ phạm, một kẻ hóa trang giống nhân vật Joker trong truyện Người Dơi.
Theo BBC, nhiều ý kiến cho rằng vụ việc đã phơi bày thêm nhiều vấn đề của xã hội Nhật Bản nói chung.
Nhật Bản là một đất nước vô cùng an toàn. Nhưng chỉ khi bạn sống ở Tokyo, bạn mới nhận ra thủ đô Nhật Bản khác hẳn với các thành phố khác trên thế giới. Loại hình tội phạm phổ biến như ở London hay New York không tồn tại ở nơi đây. Và, bạo lực là thứ mà người ta ít khi nghĩ đến. Vì vậy, khi một cuộc tấn công bạo lực xảy ra trên chuyến tàu điện ngầm đông đúc, nó gióng lên rất nhiều hồi chuông cảnh báo.
Vụ tấn công được gọi là "Joker" đó xảy ra vào đêm Halloween khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu có an toàn cho họ khi sử dụng tàu điện ngầm. Các nhà chức trách ra sức trấn an dân chúng rằng mọi thứ đang được thực hiện nhằm tiếp tục đảm bảo an toàn cho họ. Nó cũng làm dấy lên đồn đoán của giới truyền thông về nghi phạm, và liệu có thể có những đối tượng khác "ngoài kia" giống như anh ta hay không.
Bối cảnh của sự việc là một đoàn tàu và nghi phạm mặc trang phục "Joker", khiến nhiều người nghĩ đây là một loại tội phạm bắt chước – tái hiện cảnh trên một toa tàu điện ngầm ở New York. Thật vậy, bị cáo đã khai với các nhà điều tra rằng anh ta "tôn thờ nhân vật Joker" và muốn "giết càng nhiều người càng tốt".
Nhưng theo các nhà tâm lý học tội phạm, trang phục và thời điểm của vụ tấn công không phải là bắt chước, mà để thu hút sự chú ý vào cơn thịnh nộ mà anh ta đang thể hiện.
"Tôi nghĩ hắn muốn mình nổi bật", BBC dẫn lời giáo sư Yasuyuki Deguchi, một nhà tâm lý học tội phạm thuộc Đại học Tokyo Mirai. "Hắn ta là một kẻ muốn gây chú ý. Bằng cách hóa trang thành Joker vào đêm Halloween, hắn nghĩ mình sẽ nổi bật hơn. Bằng cách hành động như Joker và tự nhận tôn thờ Joker, hắn có thể được người ta chú ý nhiều hơn".
Trong bài viết trên BBC, nhà báo Rupert Wingfield-Hayes cho biết ông đã trò chuyện với một số nhà tâm lý học tội phạm sau vụ tấn công, và họ đều có quan điểm tương tự. Đây không phải là tội ác của một kẻ biến thái nhân cách.
Trên thực tế, các cuộc tấn công hàng loạt hiếm khi được thực hiện bởi những người bị rối loạn tâm thần dễ nhận ra. Chúng thuộc một kiểu khác, được thực hiện bởi những người cảm thấy mình bị xã hội chối bỏ.
"Sự cô lập xã hội hoặc thiếu liên kết xã hội là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến phạm tội, như giết người hàng loạt hoặc các tội ác rất nghiêm trọng khác. Họ không có người thân, không có người yêu, không có việc làm hay các mối quan hệ xã hội nào. Họ thất vọng với xã hội và rất thù ghét xã hội. Họ cũng muốn tự tử", giáo sư Takayuki Harada, nhà tâm lý học tội phạm thuộc Đại học Tsukuba, bình luận.
'Muốn buộc tội người khác'
Người ta chưa biết nhiều về kẻ được cho là đã thực hiện vụ tấn công "Joker". Nhưng các chuyên gia nêu ra một vụ khác ở Tokyo hồi năm 2008, khi một thanh niên trẻ lái xe tải đâm vào đám đông người đi mua sắm ở khu điện tử Akihabara rồi đâm loạn xạ vào những người qua đường. Đối tượng này xuất thân từ một gia đình thượng lưu nhiều áp lực. Anh ta thi trượt đại học và làm một công việc tầm thường.
Trước khi thực hiện vụ tấn công, anh ta đã có ý định tự sát và đăng nhiều tin nhắn trên mạng phác thảo kế hoạch giết người của mình
"Nó giống như khủng bố chứ không phải là khủng bố", một nhà tội phạm học giấu tên phân tích. "Akihabara [vụ tấn công] là giết người hàng loạt. Đó là hành động của một người bình thường hoặc yếu đuối, một người từng bị bắt nạt. Họ có xu hướng tích tụ căng thẳng. Họ có mong muốn tự tử, vì vậy họ nghĩ 'nếu tôi sắp giết chính mình, tôi cũng có thể đưa người khác đi cùng'. Họ đặc biệt muốn đổ lỗi cho người khác về hoàn cảnh của bản thân".
Những tội ác này tương đồng với các vụ tấn công hàng loạt ở Mỹ nhưng vẫn có một số điểm khác biệt chính.
Thứ nhất, Nhật Bản có luật súng cực kỳ nghiêm ngặt. Thứ hai, những hành động gây hấn là một điều cấm kỵ mạnh mẽ - có thể vì vậy mà những tội ác như thế rất hiếm ở đất nước này.
"Sự hung hãn đôi khi hé lộ nội tâm, [mà thường biểu hiện như kiểu] tự sát. Nếu thể hiện ra bên ngoài, nó sẽ là hành động giết người hoặc những hành vi hung hãn khác. Đó là hai mặt của một đồng xu. Nhật Bản rất nổi tiếng với tỷ lệ tự tử cao", giáo sư Harada của Đại học Tsukuba bình luận thêm.
Nguyên nhân
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các cuộc tấn công như thế này đang trở nên thường xuyên hơn ở Nhật Bản. Đã có ba cuộc tấn công trên hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo kể từ tháng 8.
Theo các chuyên gia tâm lý học, đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng khó khăn kinh tế và sự cô lập xã hội - hai yếu tố có thể là nguyên nhân chính, bên cạnh đó là mức độ chú ý của truyền thông đối với vụ tấn công Joker.
"Khi những vụ việc tương tự xảy ra (trước đây), chúng tôi thấy chắc chắn sẽ xuất hiện một sự bắt chước. Vì vậy, tôi nghĩ việc các phương tiện truyền thông mô tả rất chi tiết tội ác được thực hiện như thế nào cũng là một vấn đề lớn".
Nhưng giới phân tích khẳng định, dù có những lo lắng, nếu tìm hiểu về số vụ tấn công sẽ thấy tình trạng bạo lực ở Nhật Bản trong 50 năm qua đã giảm đáng kể, và Tokyo hiện vẫn là một trong những thành phố an toàn nhất trên trái đất.
Đọc tin thế giới mới nhất trên VietNamNet