Hồi chuông cảnh tỉnh từ những viên thuốc giả

Trong những ngày này dư luận cả nước rúng động trước thông tin Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an triệt phá một đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô cực lớn, thu giữ gần 10 tấn thuốc thành phẩm và nguyên liệu không rõ nguồn gốc, tạm giữ 14 đối tượng có liên quan, bước đầu xác định số tiền thu lợi bất chính lên tới gần 200 tỷ đồng.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả vừa bị Công an Thanh Hóa bắt giữ cùng tang vật.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả vừa bị Công an Thanh Hóa bắt giữ cùng tang vật.

Đây không chỉ là một vụ án hình sự đơn thuần, mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc đối với toàn xã hội, đặc biệt là người dân, trước mối nguy hại khôn lường mang tên: thuốc giả.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do các đối tượng Nguyễn Tiến Đạt (trú tại Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (trú tại TP HCM) cầm đầu đã hoạt động cực kỳ tinh vi, trải rộng ở nhiều tỉnh, thành từ Hà Nội, TP HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên đến tận Đồng Tháp, An Giang. Bằng thủ đoạn núp bóng doanh nghiệp dược, lợi dụng kẽ hở trong quản lý hậu kiểm, nhóm đối tượng đã sản xuất hàng loạt thuốc chữa bệnh xương khớp, dạ dày... giả mạo tên thương hiệu nước ngoài như Singapore, Malaysia để lừa người tiêu dùng.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện các đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn. Trước đó, vụ VN Pharma từng khiến dư luận dậy sóng khi một số lượng lớn thuốc chữa ung thư giả được nhập khẩu vào Việt Nam qua các giấy tờ làm giả tinh vi. Nhiều cán bộ đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, song vết thương lòng mà vụ việc để lại với hàng nghìn bệnh nhân ung thư và gia đình họ đến nay vẫn chưa nguôi ngoai.

Gần đây nhất, vào đầu năm 2025 Công an TP HCM cũng đã triệt phá một đường dây sản xuất thuốc giảm đau và kháng viêm giả, bắt giữ nhiều đối tượng cùng tang vật là hàng tấn thuốc không có tác dụng điều trị, được đóng gói bằng vỏ hộp của các thương hiệu dược phẩm nổi tiếng. Điều này cho thấy, tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả không hề giảm sút, mà ngày càng tinh vi, quy mô và liều lĩnh hơn.

Tác hại của thuốc giả không dừng lại ở sức khỏe con người. Nó còn làm lung lay nền tảng của cả hệ thống y tế. Khi người dân không còn niềm tin vào thuốc - thứ vốn được coi là cứu cánh của sinh mạng - thì mọi thành quả của ngành y, của y đức, đều có thể bị phủ nhận. Không những vậy, các doanh nghiệp sản xuất thuốc chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải cạnh tranh không lành mạnh với hàng giả, hàng nhái.

Trước thực trạng trên, có ba hướng hành động cấp thiết:

Thứ nhất, tăng cường giám sát chặt chẽ toàn bộ chuỗi cung ứng dược phẩm - từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến bán lẻ. Công nghệ truy xuất nguồn gốc và mã QR nên được áp dụng rộng rãi, kết hợp với việc liên thông dữ liệu quản lý giữa các ngành y tế, công an và quản lý thị trường.

Thứ hai, cần hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả. Cần coi đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn xâm phạm đến quyền được sống và được bảo vệ sức khỏe của con người - một quyền hiến định.

Thứ ba, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về thuốc giả, đồng thời xây dựng cơ chế tố giác ẩn danh an toàn cho những người phát hiện hành vi vi phạm. Vai trò của báo chí, mạng xã hội và các tổ chức hội - đoàn thể cần được phát huy để tạo thành một hệ sinh thái bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đồng Đại Lộc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hoi-chuong-canh-tinh-tu-nhung-vien-thuoc-gia-245878.htm