Hỏi chuyện nhà điêu khắc Nguyên...Trâu
Nhân dịp năm mới Tân Sửu, nhà điêu khắc Nguyên... Trâu đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương. Họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Đình Nguyên nổi đình đám sau triển lãm cá nhân trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc 'chuyên' trâu năm 2010. Cũng từ đó, biệt danh: Nguyên… Trâu gắn với tên tuổi của anh.
Anh Lê Đình Nguyên có thể “trích ngang” đôi điều về mình và biệt danh Nguyên … Trâu được chứ?
- Tôi sinh năm 1960, ở Hà Nội. Học hết phổ thông, tôi đi học nghề cơ khí và vào làm ở Nhà máy Y cụ số I mấy năm. Vốn yêu thích hội họa, năm 1983 lãnh đạo nhà máy đồng ý, tạo điều kiện cho tôi thi vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp và học Khoa thiết kế nội ngoại thất. Sau 5 năm, tốt nghiệp lẽ ra tôi phải về lại nhà máy nhưng rồi lại được nhà máy “chiều” theo nguyện vọng nhận công tác ở Nhà hát Múa rối Việt Nam để theo đuổi sự nghiệp đam mê hội họa và gắn bó ở đó cho đến khi nghỉ hưu…
Học chuyên về thiết kế nội, ngoại thất…nhưng rồi lại nhảy sang múa rối, liệu có “rối” tay không?
- Cuộc đời sắp đặt thôi. Với lại thực ra tôi cũng yêu thích các con vật nuôi từ những năm học cấp I, cấp II đi sơ tán về nông thôn. Ở Nhà hát Múa rối, tôi làm họa sĩ chính, thiết kế maket, tạo hình các con vật. Song song công việc chung, tôi vẫn hăng say và duy trì sáng tác. Vẽ tranh, nặn tượng, làm các con rối mà mình thích, trong đó có con trâu và gửi bán tại các Gallery ở Hà Nội. Không ngờ hàng làm ra có chỗ đứng và bán được đều đều…
Và rồi anh nảy ý định mở triển lãm riêng?
- Lúc đầu tôi định làm một triển lãm sắp đặt với chủ đề: Quê buồn. Ý là sao giờ ở nông thôn toàn các ông bà già sống cô đơn, còn lớp thanh niên thì đua nhau bỏ làng quê ra thành phố kiếm sống? Tôi gặp và nói ý tưởng đó với họa sĩ Lê Thiết Cương, lúc đó đã nổi tiếng trong giới. Cương đến nhà tôi, xem các tác phẩm tranh, điêu khắc, tạo hình, đủ các thể loại, đề tài, linh vật 12 con giáp có cả… Rồi Lê Thiết Cương phán: Thôi, dẹp ý tưởng triển lãm sắp đặt đi. Tôi thích những con trâu này… làm một triển lãm toàn trâu đi. Tôi sẽ tổ chức cho bạn!
Tôi cũng từng có ý nghĩ vậy, nhưng không tự tin lắm. Tôi đồng ý! Và, sau đó triển lãm cá nhân toàn trâu đầu tiên của tôi trình làng (cuối năm 2010) tại Gallery và cũng là nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương ở 39 phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) với cái tên: Trâu Nguyên - cũng do Lê Thiết Cương đặt.
Tò mò chút, con trâu chỉ là con trâu, có bốn chân, cặp sừng và cái đuôi…làm sao anh có nhiều trâu đến thế để tổ chức một triển lãm mà người xem không thấy đơn điệu, nhàm chán?
- Vấn đề ở sự liên tưởng và sáng tạo nghệ thuật. Trâu là con vật điển hình về sự hiền lành và cần cù… nhiều chục năm, thậm chí đã hàng trăm năm là “đầu cơ nghiệp” của người dân nước Việt. Đất nước đổi mới và dần công nghiệp hóa, hiện đại hóa, con trâu ở các vùng quê ngày một vắng bóng. Để người Việt Nam, nhất là các thế hệ trẻ sau này không quên con trâu tôi đã làm ra những con trâu gắn với nhiều hình ảnh, vật dụng thông thường với đủ kích cỡ, chất liệu khác nhau, chẳng hạn: Trâu cầu, trâu phố, trâu cổng làng, trâu lá đa, trâu xe đạp, trâu đèn, trâu đàn…thậm chí là trâu bom, gợi người xem nhớ đến một thời chiến tranh, đạn bom khốc liệt.
Triển lãm toàn trâu - Trâu Nguyên thu hút nhiều người đến xem và mua… trâu là vì thế. Và, người ta gọi tôi là Nguyên… Trâu từ đó.
Lại tò mò nữa, anh có nhớ là đã “đẻ” ra bao nhiêu con trâu, con nghé và giá bán các “con” đó có đắt không?
- Làm sao mà nhớ chính xác được, chỉ có thể nói là hàng trăm con. Còn giá bán ư, cũng tùy kích cỡ, chất liệu… nhưng tôi đã từng bán “con trâu” của mình giá bằng 5 - 7 con trâu mộng ở các vùng quê đấy! Cười…
Được biết năm 2017 anh đã tổ chức triển lãm Trâu Nguyên lần thứ 2 và cũng thành công. Bao giờ thì có Trâu Nguyên lần thứ ba?
- Nói thật, giờ thì tôi chưa nghĩ là có nên tiếp tục mở triển lãm nữa hay không. Bởi, trâu tôi làm ra đến đâu bán hết đến đó rồi còn đâu!
Đối tượng mua trâu của anh từ trước đến nay?
- Là những người yêu nghệ thuật mới. Chủ yếu là tầng lớp doanh nhân, trí thức và người nước ngoài đam mê sưu tập!
Anh có dự định sáng tác gì mới trong năm con trâu Tân Sửu - 2021?
- Hoạt động nghệ thuật là cuộc đời. Tôi thường không cố tỏ ra phải làm cái này hay phải làm cái kia nên chẳng có kế hoạch gì cụ thể cả mà chỉ sáng tác khi con tim mình rung động, ngẫu hứng từ cảm xúc. Cứ vui sống, cứ yêu thương cuộc đời thôi… rồi thần nghệ thuật sẽ đến dắt mình đi bất cứ lúc nào!
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-chuyen-nha-dieu-khac-nguyentrau-151916.html