Từng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cùng 'vào sinh ra tử' trên chiến trường, khi trở về với đời thường, những người lính cựu trên địa bàn huyện Lạc Thủy lại kề vai, sát cánh giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Trong họ luôn ấm áp nghĩa tình đồng đội.
Your browser does not support the audio element.
Hội Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy tổ chức cho cán bộ, hội viên thăm quan, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế giỏi của hội viên xã Phú Thành. Ảnh chụp tháng 1/2021. Cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện, chúng tôi thăm gia đình CCB Nguyễn Hữu Ninh, thôn 2A, xã Phú Nghĩa. Rót chén trà nóng, ông hồ hởi kể: Tôi là một trong những hộ may mắn được nhận bò từ "ngân hàng” của Hội CCB huyện. Đó là vào năm 2014, gia đình được giao bò mẹ đã có chửa 5 tháng. Con bê đầu tiên sau khi nuôi 1 năm, tôi đã giao lại cho Hội CCB huyện để tiếp tục chuyển cho hội viên khác nuôi. Hiện nay, bò mẹ vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, tiếp tục sinh thêm 6 bê con. Đối với hộ còn nhiều khó khăn như gia đình tôi, đây thực sự là tài sản có giá trị. Không chỉ có mô hình "Ngân hàng bò”, những năm qua, Hội CCB huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nghĩa tình ấm áp của đồng đội đã tạo động lực giúp những người lính cựu vươn lên trong cuộc sống. Hội CCB huyện hiện có 14 Hội cơ sở, 121 chi hội với 4.621 hội viên. Đồng chí Phạm Ngọc Hà, Chủ tịch Hội cho biết: Phần lớn CCB hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ trở về địa bàn đều có hoàn cảnh khó khăn; gần 70% không có lương hưu, trợ cấp, nhiều CCB thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Do vậy, Hội xác định giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là một chương trình công tác trọng tâm, cũng là điểm nhấn trong hoạt động nghĩa tình đồng đội. Bám sát nghị quyết của tổ chức Hội cấp trên, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Lạc Thủy về phát triển cây ăn quả; phát triển, khai thác và nuôi trồng thủy sản, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên. Nhờ vậy, việc giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm kinh tế giỏi đã trở thành quyết tâm, là mong muốn của các thế hệ CCB trên địa bàn. Cùng với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội CCB huyện, các Hội cơ sở đã thành lập 2 mô hình câu lạc bộ giúp nhau giảm nghèo với 61 hội viên tham gia; 15 mô hình góp vốn xoay vòng với 397 hội viên tham gia. Hiện, huyện có 356 mô hình SX-KD giỏi do hội viên CCB làm chủ. Tiêu biểu như hội viên Vũ Văn Dương, khu 4, thị trấn Chi Nê là Giám đốc Công ty TNHH Việt Tân, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, doanh thu hằng năm đạt gần 4 tỷ đồng. Hay hội viên Lê Quý Mỹ, thôn 2A, xã Phú Nghĩa phát triển kinh tế từ xây dựng, dịch vụ và trồng cây ăn quả, cho thu nhập bình quân 800 triệu đồng/năm… Đồng chí Chủ tịch Hội CCB huyện chia sẻ: Không chỉ làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, những người lính cựu còn tham gia ủng hộ các hoạt động công tác Hội và hội viên hoàn cảnh khó khăn. Như CCB Vũ Văn Dương ủng hộ trên 72 triệu đồng, CCB Lê Quý Mỹ ủng hộ 5 - 7 triệu đồng/năm, ngoài ra còn rất nhiều hội viên khác cũng nhiệt tình ủng hộ, xây dựng quỹ nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế. Đáng quý là trong số đó có không ít hội viên hoàn cảnh gia đình cũng còn khó khăn. Với 2,9 tỷ đồng quỹ nội bộ gây dựng được, Hội CCB huyện đã cho hội viên vay 2,3 tỷ đồng với lãi suất thấp; 600 triệu đồng cho vay không lãi suất. Bên cạnh đó, nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 80 tỷ đồng, qua đó giúp hội viên có thêm nguồn vốn SX-KD để thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Với những việc đã làm được, trong giai đoạn 2016 - 2021, Huyện hội 2 lần đạt đơn vị lá cờ đầu, 3 năm xếp thứ nhì phong trào thi đua toàn tỉnh. Anh dũng, kiên cường trong thời chiến, khi hòa bình lập lại, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau của những người lính cựu tiếp tục tỏa sáng giữa đời thường. Hải Yến