'Hội đã tan rồi, chia tay bên dòng sông'
Những ngày qua, thông tin Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến qua đời đã được nhiều bạn bè, người thân chia sẻ lên trang Facebook và các tờ báo đăng tải với sự xót thương, đau buồn. Còn với tôi - một người đã có thời gian quen biết, gắn bó với ông, khi nhận được tin này lại nhớ câu hát 'Hội đã tan rồi, chia tay bên dòng sông/ Chiếc nón quai thao xôn xao câu quan họ/ 'Đến hẹn lại lên' người ơi đừng quên nhé/ Con đò bồng bềnh nhớ nhau em gọi câu: Mình ơi!...'.
1. Trong rất nhiều người (cả quen và không quen) chia sẻ về thông tin Nguyễn Tiến qua đời, tôi đặc biệt chú tâm đến nhạc sĩ Trần Viết Bính. Đang sinh sống ở Đồng Nai, không thể về Hà Nội để viếng Nguyễn Tiến được và ông đã “trao gửi” tình cảm qua trang Facebook: “Đối với tôi, Nguyễn Tiến là người em thân thiết. Cách đây 58 năm (năm 1963), Tiến cùng tôi và đội Vàng Anh đã đàn và hát cho Bác Hồ nghe khi Người về thăm thành phố Nam Định. Tiến ơi! Em đã có với anh biết bao kỷ niệm. Thương nhớ em vô cùng…”.
Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến.
Có thể nhiều người chưa biết, nhạc sĩ Trần Viết Bính chính là người phụ trách đội thiếu nhi Vàng Anh vang danh một thời và Nguyễn Tiến chính là bạn nam duy nhất và nhỏ tuổi nhất của đội. Chính được sự động viên, giúp đỡ, khích lệ, tạo điều kiện của nhạc sĩ Trần Viết Bính mà Nguyễn Tiến đã có sự khởi đầu nhiều thuận lợi khi đến với âm nhạc.
Nguyễn Tiến là một con người tài năng hiếm có trong giới âm nhạc nước nhà, bởi con người ông gói gọn “ba trong một” khi hoàn thành xuất sắc ba công việc: biểu diễn, sáng tác và quản lý. Ở lĩnh vực biểu diễn, ông đã vinh dự 2 lần được chơi đàn bầu cho Bác Hồ nghe khi còn ở tuổi niên thiếu và bản thân ông cũng đã được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân - danh hiệu cao quý nhất của Đảng, Nhà nước dành cho người làm công tác biểu diễn.
Ở lĩnh vực sáng tác, ông là tác giả của nhiều bài hát (cả ca khúc và khí nhạc) trở nên thân thuộc với công chúng, trong đó có 5 ca khúc “Hoa cau vườn trầu”, “Chiều mưa Hà Nội”, “Chiều xứ Lạng” (thơ Phạm Văn Thạch), “Phú nước non”, “Nhớ đêm giã bạn” và 2 tác phẩm khí nhạc “Ngũ quả mừng xuân”, “Hồn Việt” đã được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (năm 2012).
Ở lĩnh vực quản lý, ông từng làm Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và góp phần đưa Nhà hát phát triển lên một tầm cao mới. Làm quản lý một đơn vị nghệ thuật quả thật không dễ nhưng chỉ cần để ý chi tiết nhiều nghệ sĩ ở Nhà hát Ca múa nhạc quân đội gọi ông là “bố”, đủ hiểu ông đã làm tốt công việc ấy như thế nào.
2. Tôi từng rất ấn tượng với câu trả lời của nhạc sĩ Nguyễn Tiến khi được hỏi: “Vì sao đang biểu diễn đàn bầu, ông lại theo học sáng tác?”. Khi đó, ông cười đáp: “Những năm 1980, phong trào nhạc nhẹ phát triển mạnh, đàn bầu không được coi trọng, không ai phối khí với đàn bầu hoặc có phối thì cũng không hợp ý mình”. Thì ra chính cái tôi của người nghệ sĩ đã khiến ông quyết tâm đi học sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho bằng được để có thể thỏa sức sáng tạo mà không phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Sự “giận dỗi” ấy cũng đã giúp Nguyễn Tiến khám phá ra những khả năng tiềm tàng trong mình mà trước đó ông chưa hề hay biết.
Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến cùng ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn trong một chương trình ở Bắc Ninh.
Tất nhiên là người học đàn bầu từ bé nên khi chuyển sang sáng tác thì các ca khúc của ông luôn lấp lánh chất liệu dân ca sâu lắng, ngọt ngào đi vào lòng người. Trong số những mảnh đất đi vào sáng tác của Nguyễn Tiến thì có lẽ Bắc Ninh là nơi ông có nhiều bài hát nhất. Ông đã viết “Nhớ đêm giã bạn” trong hoàn cảnh đêm giã bạn người con gái (chủ nhà) và người con trai (khách) quyến luyến, bịn rịn chẳng muốn rời xa. Ông đã khắc họa một cách uyển chuyển, tha thiết, tình cảm cuộc chia tay trong đêm trăng tuyệt đẹp giữa đất trời Kinh Bắc. Chia tay nhau mà “ướt đẫm vạt áo”, chia tay nhau mà người con gái đã “trao yếm đào anh nhận để làm tin”, “trao nón ba tầm mặc trời mưa ướt áo” thì đủ thấy người con gái của mảnh đất Quan họ đáng yêu làm sao, mến khách biết nhường nào. Đó cũng chính là cái tài trong cách dùng từ của Nguyễn Tiến.
Không chỉ vậy, ông còn là tác giả của những ca khúc mang niềm tự hào của quê hương quan họ, như: “Bắc Ninh nhớ mãi ơn Người” (thơ Nguyễn Văn Phong), “Bắc Ninh ơi thành phố anh hùng”; da diết, tình cảm như “Câu hát này là bạn tình ơi”; mềm mại, nhẹ nhàng như “Đảo xa anh không về hát hội”; nhớ thương, chậm rãi như “Một mình trao duyên” (thơ Nguyên Linh); thiết tha, sâu lắng như “Nghe em hát còn duyên”; vừa phải, oán trách như “Người đi đâu?”; vui tươi, hồn nhiên như “Người ơi! Đến hẹn lại về”; mặn nồng, nhịp điệu như “Tìm em qua câu quan họ” (thơ Nguyễn Bá Thắng); mượt mà, đằm thắm như “Tìm người giữa hội Lim” (thơ Đoàn Thị Lam Luyến), “Tìm người Quan họ” (thơ Ngô Đăng Khoa)…
Tại sao một người quê ở Nam Định, công tác ở Hà Nội lại sáng tác về Bắc Ninh nhiều đến thế? Phải chăng ông yêu cô gái nào ở nơi này hay có những mối tình thân nào rất sâu nặng? Tôi đã từng hỏi ông những câu hỏi ấy và nhận được câu trả lời: “Mình yêu Quan họ từ rất lâu rồi, cái chất Quan họ cũng đã ngấm vào mình từ rất lâu rồi, vậy nên hình ảnh về những ngôi chùa cổ kính, nghiêm trang; những câu ca Quan họ đằm thắm, mượt mà; lối sống nặng nghĩa, nặng tình… của đất và người Bắc Ninh cứ hiển hiện trong đầu mình. Nó đậm đà, quyến rũ mình đến độ ngây ngất, đắm say. Và với nhiệm vụ của một nhạc sĩ, mình phải “lôi” chúng ra và “đặt ngay ngắn” trên những khuông nhạc. Có điều tiếc là… mình chưa từng được yêu một cô gái quan họ nào (cười)”.
Đại tá, nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến say sưa với cây đàn bầu.
Tôi có những người bạn quê ở Hà Nam khi được hỏi để điểm tên những ca khúc về vùng chiêm trũng này sẽ là những ca khúc nào? Họ đều cho rằng, đó là “Tìm em qua câu dân ca” và “Hà Nam đất mẹ anh hùng” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến. Đặc biệt “Tìm em qua câu dân ca” không chỉ phổ biến ở Hà Nam mà trong những đám cưới hỏi trên vùng quê phía Bắc, những đôi nam nữ thường song ca tình tứ trên sân khấu bài hát này.
“Anh về tìm em qua câu dân ca/ Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần/ Câu hát mời trầu Hà Nam quê ta/ Duyên dáng thiết tha Phủ Lý quê nhà/ Câu dân ca có tự bao giờ mà để thương để nhớ để đợi để chờ/ Về bến Phù Vân đi trên con đường mới tìm câu dân ca/ Về bắc Thanh Châu vẫn nghe câu ca dao lòng/ Anh sang chợ Bầu tìm mua buồng cau, anh qua cầu Hồng Phú…”.
Câu hát mềm mại, thướt tha ấy cứ như rót vào lòng người nghe vậy! Có một ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Tiến cũng nhắc đến trầu cau nhưng đó lại là câu chuyện buồn, mối tình đơn phương của đôi nam nữ trong ca khúc “Hoa cau vườn trầu” nổi tiếng gắn với tên tuổi của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền.
Nguyễn Tiến đã về với cõi trời xanh mây trắng. Ông đã có cuộc chia tay đầy quyến luyến, bịn rịn với người thân, bạn bè và những người hâm mộ như cuộc chia tay của những cô gái Quan họ với những chàng trai đất khách về xem hội năm xưa bên dòng sông Cầu mà ông đã khắc họa trong ca khúc “Nhớ đêm giã bạn” nổi tiếng của mình. Nguyễn Tiến ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người và cả dòng sông Cầu uốn mình bao bọc lấy mảnh đất Bắc Ninh yêu dấu…
Đại tá - nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến (tên khai sinh là Nguyễn Văn Tiến) sinh năm 1953 tại thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 2012, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân và đồng thời cũng được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho cụm ca khúc: Hoa cau vườn trầu, Phú nước non, Chiều mưa Hà Nội, Chiều xứ Lạng (thơ Thiếu tướng Phạm Văn Thạch), Nhớ đêm giã bạn và các tác phẩm khí nhạc: Ngũ quả mừng xuân, Hồn Việt. Nhắc đến ông là nhắc đến nghệ sĩ đàn bầu hàng đầu Việt Nam, ông đã có đến 18 Huy chương Vàng ở trong nước và quốc tế. Ông có người em gái song sinh là Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Đạt, một giọng cải lương vàng ở Đài Tiếng nói Việt Nam.