Hội đàm cấp cao Mỹ - Trung: Hai nước sẽ thiết lập lại quan hệ chiến lược?

2 nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc kết thúc cuộc gặp tại Hawaii mà không đạt được đồng thuận, nhưng báo hiệu ý định thiết lập lại quan hệ chiến lược.

Cuộc gặp mang tính xây dựng

Theo SCMP, các cuộc đàm phán giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ - Trung, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 17/6 tại Hawaii không đạt được sự đồng thuận nào. Việc hai bên ăn tối và nói chuyện trong 7 giờ được các nhà quan sát nhận định là sẵn sàng duy trì đối thoại và giữ mối quan hệ của họ ít nhất là ở cấp độ hiện tại.

Trung Quốc và Mỹ đang bộc lộ sự chia rẽ lớn trong một loạt vấn đề khi đàm phán ngoại giao tại Hawaii. Dù vậy, kết thúc cuộc họp, quan chức hai bên đều thể hiện mong muốn chung để ngăn chặn mối quan hệ căng thẳng trở nên tồi tệ hơn.

Ông Dương Khiết Trì và ông Mike Pompeo. (Ảnh: Al Jazeera)

Ông Dương Khiết Trì và ông Mike Pompeo. (Ảnh: Al Jazeera)

Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh cho biết cuộc họp "mang tính xây dựng" và quan chức Trung Quốc đã thể hiện lập trường về Hong Kong, Đài Loan và Tân Cương, đồng thời nhắc lại rằng Mỹ nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ không đề cập đến những vấn đề nhạy cảm này. Thay vào đó, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh vào "nhu cầu thỏa thuận tương xứng hoàn toàn giữa 2 quốc gia về các tương tác thương mại, an ninh và ngoại giao", và nhấn mạnh “nhu cầu về sự minh bạch và chia sẻ thông tin đầy đủ để chống lại đại dịch COVID-19, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trong tương lai."

Taoran Notes, một tài khoản truyền thông xã hội liên kết với tờ Nhật báo Kinh tế được Bắc Kinh sử dụng để đưa ra thông điệp về thương chiến Mỹ - Trung, cho biết hợp tác là lựa chọn chính xác duy nhất cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Mỹ đã ngồi lại với nhau để có cuộc đối thoại mang tính xây dựng, bất kể kết quả thế nào, là một động thái chủ động đáng được ghi nhận", Taoran Notes viết.

Thiết lập lại quan hệ chiến lược

Denny Roy, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đông Tây có trụ sở tại Hawaii cho biết, cuộc gặp diễn ra báo hiệu khả năng cả hai bên muốn thiết lập lại mối quan hệ. Và Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể muốn đạt được thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt tranh chấp thương mại trước cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11.

"Ông Pompeo và ông Dương không phải những quan chức đưa ra thỏa thuận thương mại, nhưng họ sẽ tìm hiểu các cách để cải thiện bầu không khí nói chung. Nhiều cuộc thảo luận song phương có thể xảy ra trước cuộc bầu cử, có thể với các quan chức khác hoặc mô hình khác', chuyên gia cho biết.

Ông Denny Roy, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đông Tây.

Ông Denny Roy, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Đông Tây.

Ông Roy nói rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ rất ngắn gọn. Điều này có thể phản ánh nhận thức của họ về những gì đang được cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tiết lộ, liên quan đến các thỏa thuận trước đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cuốn sách sắp ra mắt của Bolton, dự kiến sẽ tiết lộ những chi tiết "bùng nổ" về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, bao gồm các cáo buộc rằng ông tìm kiếm sự giúp đỡ từ ông Tập để tái đắc cử.

"Có lẽ nhà Trắng muốn giảm nhẹ mức độ của cuộc họp (tại Hawaii) càng nhiều càng tốt, thậm chí khiến người Mỹ quên nó đi, thay vì để họ diễn giải kết quả qua cách Bolton gợi ý", ông Roy nói. "Bây giờ, nhờ Bolton, Trump đang phải chứng minh rằng ông đang tìm kiếm lợi ích của nước Mỹ, chứ không chỉ của riêng mình".

Khó cải thiện quan hệ

Ông Lu Xiang, một nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), cho rằng những động thái của cuộc hội đàm vừa qua báo hiệu việc giảm căng thẳng của Mỹ đối với Trung Quốc, nhằm thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử Tổng thống của ông Trump.

Tuy nhiên, ông Liu Weidong, chuyên gia về các vấn đề của Mỹ nhận định, cuộc họp ở Hawaii sẽ không cải thiện mối quan hệ trước cuộc bầu cử, có thể nhìn thấy rõ qua sự khác biệt giữa các tuyên bố của hai bên.

Theo ông Liu, cả hai đảng của Mỹ đều đồng thuận về chính sách với Trung Quốc, nên dù ông Trump có thắng cử hai không, mối quan hệ cũng chưa có nhiều triển vọng cải thiện.

Cuộc gặp giữa quan chức Mỹ - Trung. (Ảnh: New York Times)

Cuộc gặp giữa quan chức Mỹ - Trung. (Ảnh: New York Times)

Cuộc gặp gỡ của hai nhà ngoại giao diễn ra khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Hai chính phủ đối đầu trên nhiều vấn đề bao gồm công nghệ, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông - mặc dù đã ký thỏa thuận thương mại tạm thời vào tháng 1.

Trước thềm cuộc đàm phán, cả hai bên đều rất kín tiếng về những kỳ vọng của mình, và những gì xảy ra sau đó cho thấy còn nhiều khó khăn phải giải quyết.

Bộ thương mại Mỹ trong tuần này cho phép các công ty công nghệ Mỹ làm việc về tiêu chuẩn 5G với nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc Huawei.

Khi ông Pompeo và ông Dương gặp nhau, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói với Quốc hội Mỹ rằng, Trung Quốc đã mua khoảng 10 tỷ USD sản phẩm của Mỹ kể từ thỏa thuận tạm thời tháng 1. Ông cũng cho biết các quan chức Trung Quốc đã nhắc lại cam kết mua hàng này.

Tuy nhiên, ông Trump mới đây đã ký thành đạo luật cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, khiến Bắc Kinh lên án.

Phương Anh (Nguồn: South China Morning Post)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thoi-su-quoc-te/hoi-dam-cap-cao-my---trung-hai-nuoc-se-thiet-lap-lai-quan-he-chien-luoc-ar553118.html