Hội đàm ngoại giao cấp cao Mỹ-Trung tại Hawaii diễn ra trên tinh thần xây dựng
Ngày 18/6, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cuộc đối thoại giữa các quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Hawaii đã diễn ra tích cực, trên tinh thần xây dựng.
Tân Hoa xã đưa tin cuộc đối thoại kín giữa Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã diễn ra tại một căn cứ quân sự ở Honolulu, Hawaii, trên tinh thần xây dựng.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Pompeo dẫn đầu phái đoàn Mỹ, trong khi đứng đầu phái đoàn ngoại giao cấp cao Trung Quốc là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin hai bên đã nêu rõ các lập trường của mình, đồng thời nhất trí triển khai việc thực thi sự đồng thuận đạt được giữa Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, nguồn tin không nêu chi tiết về những vấn đề cụ thể mà hai bên trao đổi trong cuộc đối thoại này.
Trước thềm hội đàm, một số nguồn tin cho rằng cuộc gặp tới tập trung vào công tác ứng phó với COVID-19, kiểm soát vũ khí, thương mại, Triều Tiên và nhiều vấn đề khác.
Đây là cuộc gặp trực tiếp cấp cao nhất giữa quan chức hai bên kể từ tháng 1/2020, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Trump gặp nhau tại Nhà Trắng để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, qua đó tạm ngừng leo thang tranh cãi thương mại.
Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng kể sau khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) bùng phát và hai bên đưa ra các cáo buộc lẫn nhau liên quan tới đại dịch làm chao đảo nền kinh tế thế giới này.
Đánh giá về cuộc gặp này, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton cho rằng các nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có thể chung tay cứu vãn nền kinh tế của hai nước khi cả Washington và Bắc Kinh đều đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng là đại dịch COVID-19 và kinh tế suy giảm mạnh. Chuyên gia này bày tỏ hy vọng cuộc gặp ở Hawaii sẽ giúp giảm bớt căng thẳng song phương.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã rơi vào tình trạng căng thẳng ngay cả trước thời kỳ dịch bệnh với việc Mỹ tăng thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu và Bắc Kinh cũng đưa ra biện pháp đáp trả. Kể từ năm ngoái, cả hai bên đã liên tục công khai giọng điệu thù địch công kích lẫn nhau và thực thi những bước đi nhằm trục xuất những nhà báo và hạn chế những nhà ngoại giao đến mỗi nước, cũng như căng thẳng trên nhiều lĩnh vực khác.
Ngày 17/6, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết các quan chức Trung Quốc đã liên tiếp khẳng định cam kết mua thêm các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ như đã nhất trí trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, khi mà khoảng 10 tỷ USD hàng hóa đã được Bắc Kinh mua cho tới thời điểm hiện tại.
Tháng trước, Tổng thống Trump thậm chí còn hủy bỏ qui chế thương mại đặc biệt với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong. Chính phủ Trung Quốc cương quyết lên án động thái này, coi đây là hành động can thiệt vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc, và là âm mưu tấn công vào chính sách "một nước hai chế độ" của nước này.