Hỏi - đáp pháp luật
* Bạn đọc Ngô Văn Định ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, hỏi: Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 54 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể như sau:
1. Tranh chấp phát sinh giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được giải quyết thông qua các phương thức sau đây:
a) Thương lượng;
b) Hòa giải;
c) Trọng tài;
d) Tòa án.
2. Không được thương lượng, hòa giải trong các trường hợp sau đây:
a) Xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;
c) Gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, trừ trường hợp xác định đầy đủ số lượng người tiêu dùng bị thiệt hại.
3. Phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
* Bạn đọc Triệu Văn Nghĩa ở phường Phú Bình, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Hoạt động cho vay nội bộ trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được quy định như thế nào?
Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 83 Luật Hợp tác xã. Cụ thể như sau:
1. Cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
2. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thực hiện hoạt động cho vay nội bộ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tổ chức theo tổ chức quản trị đầy đủ và số lượng thành viên ban kiểm soát tối thiểu từ 3 thành viên trở lên;
b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ sau khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ;
c) Mở sổ sách ghi chép, theo dõi và hạch toán riêng hoạt động cho vay nội bộ;
d) Hoạt động cho vay nội bộ phải được đại hội thành viên thông qua và quy định trong điều lệ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-809312