Hỏi - đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam có thể dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp nào?

* Bạn đọc Hà Thị Nhung ở xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, Cảnh sát biển Việt Nam có thể dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát trong những trường hợp nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Cụ thể như sau:

2. Các trường hợp dừng tàu, thuyền để kiểm tra, kiểm soát bao gồm:

a) Trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

b) Thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật;

c) Có tố cáo, tố giác, tin báo về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;

d) Có văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về truy đuổi, bắt giữ người, tàu, thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật;

đ) Người vi phạm tự giác khai báo về hành vi vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa: qdnd.vn

Ảnh minh họa: qdnd.vn

* Bạn đọc Vương Triệu Thanh ở xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về việc tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 6 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Cụ thể như sau:

1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm bảo đảm sự tham gia thuận lợi, có hiệu quả của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình lập chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ và thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

3. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan được thực hiện thông qua hình thức trực tiếp, bằng văn bản hoặc các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tiếp thu, giải trình phải được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

QĐND

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-de-nghi-toa-soan-cho-biet-canh-sat-bien-viet-nam-co-the-dung-tau-thuyen-de-kiem-tra-kiem-soat-trong-nhung-truong-hop-nao-806744