Hỏi-đáp pháp luật: Hành vi vi phạm quy định về hạn ngạch sản lượng khai thác thủy sản bị xử phạt như thế nào?
* Bạn đọc Võ Hoàng Đương ở xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm quy định về hạn ngạch sản lượng khai thác thủy sản bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 22 Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản vượt từ 10% đến dưới 20% hạn ngạch sản lượng thủy sản cho phép khai thác.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản vượt từ 20% đến 30% hạn ngạch sản lượng thủy sản cho phép khai thác.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi khai thác thủy sản vượt trên 30% hạn ngạch sản lượng thủy sản cho phép khai thác.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu thủy sản khai thác vượt quá hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
* Bạn đọc Vũ Thanh Hoa ở thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, lao động nữ mang thai có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động hay không và phải tuân theo quy định nào?
Trả lời: Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai được quy định tại Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:
1. Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
2. Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
QĐND
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.