Hỏi-Đáp Pháp Luật: Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được quy định thế nào?

Bạn đọc Ngô Văn Sơn ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân được quy định thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể như sau:

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

* Bạn đọc Nông Thị Liễu ở phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người giúp việc gia đình?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 163 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể như sau:

1. Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

2. Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

3. Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

4. Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

5. Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

6. Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-quyen-duoc-bao-ve-danh-du-nhan-pham-uy-tin-cua-cong-dan-duoc-quy-dinh-the-nao-733552