Hỏi-đáp pháp luật - Quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn ở xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết quyền hạn của cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 8 Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 1-8-2023 của Bộ trưởng Bộ Công an (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-9-2023) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của cảnh sát giao thông. Cụ thể như sau:

1. Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ.

2. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

3. Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

4. Được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.

5. Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

6. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.

* Bạn đọc Nguyễn Thị Hợi ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, hỏi: Những người nào không được công chứng, chứng thực di chúc?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự hiện hành. Cụ thể như sau:

Công chứng viên, người có thẩm quyền của UBND cấp xã không được công chứng, chứng thực đối với di chúc nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

2. Người có cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

3. Người có quyền, nghĩa vụ về tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-quyen-han-cua-canh-sat-giao-thong-trong-tuan-tra-kiem-soat-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-742606