Hỏi-đáp pháp luật: Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật quy định như thế nào?
* Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 40 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Cụ thể như sau:
Người hành nghề được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:
1. Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp để khám bệnh, chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;
2. Việc khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp;
3. Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi;
4. Người bệnh yêu cầu phương pháp khám bệnh, chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật;
5. Người bệnh, người đại diện của người bệnh theo quy định không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
* Bạn đọc Nguyễn Thanh Hà ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, hỏi: Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về đăng ký sĩ quan dự bị được pháp luật quy định như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 10 Văn bản hợp nhất số 04/VBHN-BQP ngày 5-8-2022 của Bộ Quốc phòng, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không đăng ký sĩ quan dự bị lần đầu;
b) Không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về bản thân và gia đình;
c) Không thực hiện đăng ký khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
d) Không đăng ký vắng mặt tại nơi cư trú hoặc nơi công tác.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc chấp hành việc đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị đối với hành vi quy định tại khoản 1 điều này.
QĐND
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.