Hỏi-đáp pháp luật: Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tòa án nhân dân được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Trần Văn Long ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, hỏi: Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tòa án nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 14 Luật Tố cáo. Cụ thể như sau:

1. Chánh án tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân cấp huyện, công chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của tòa án nhân dân cấp huyện.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

3. Chánh án tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp.

4. Chánh án tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền sau đây:

a) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân cấp cao; chánh án, phó chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh; việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, viên chức khác do mình quản lý trực tiếp;

b) Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp, của tòa án nhân dân cấp cao, tòa án nhân dân cấp tỉnh.

* Bạn đọc Lê Văn Sâm ở xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình. Cụ thể như sau:

1. Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

2. Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.

3. Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/hoi-dap-phap-luat-tham-quyen-giai-quyet-to-cao-hanh-vi-vi-pham-phap-luat-trong-viec-thuc-hien-nhiem-vu-cong-vu-trong-toa-an-nhan-dan-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-776441