Hỏi đáp vaccine COVID-19: Sau tiêm, dùng thuốc thế nào cho đúng?

Sau tiêm vaccine COVID-19 tôi bị sốt, nhức mỏi toàn thân thì nên dùng thuốc nào để bảo vệ sức khỏe mà không làm giảm hiệu quả của vaccine?

Theo ThS.BS Nguyễn Hiền Minh, Đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, sau khi tiêm vaccine COVID-19, một số người sẽ gặp những phản ứng thông thường như sốt trên 38,5 độ C, đau đầu, nhức mỏi cơ toàn thân hoặc tại chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, cánh tay tiêm đau nhức thì có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt.

Người dân có thể dùng acetaminophen 500mg x 3 lần (uống)/ngày hay còn được biết đến với tên gọi thông thường là paracetamol với nhiều tên thương mại khác nhau, và nhiều dạng bào chế từ viên nén, viên sủi, thuốc bột.

“Phần lớn việc sử dụng acetaminophen để giảm các triệu chứng khó chịu thông thường như trên sau tiêm vaccine COVID-19 là an toàn với cả phụ nữ đang cho con bú hoặc đang mang thai. Tuy nhiên, người có suy chức năng gan và thận nặng cần được tư vấn của bác sĩ khi sử dụng loại thuốc này”, bác sĩ Minh nói.

Việt Nam đang triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử cho người dân.

Việt Nam đang triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 lớn nhất lịch sử cho người dân.

Theo BS Minh, trường hợp người được tiêm chủng không giảm sưng đau tại chỗ tiêm và nhức mỏi người sau 2-3 ngày dùng thuốc acetaminophen hoặc những người từng tiền sử phản ứng quá mẫn với acetaminophen hoặc có bệnh lý thiếu hụt men Glucose-6- phosphat dehydrogenase (G6PD), có thể thay thế acetaminophen bằng ibuprofen.

Dù vậy, mọi người không nên sử dụng ibuprofen sau tiêm vaccine COVID-19 ở những người được tiêm chủng là phụ nữ đang mang thai. Bên cạnh đó, những người đang điều trị các bệnh lý tim mạch mạn tính, rối loạn đông cầm máu, loét dạ dày tá tràng, cần được tư vấn của bác sĩ khi uống ibuprofen.

BS Minh cũng lưu ý, việc dùng thuốc gì sau khi tiêm vaccine COVID-19 cần có sự hướng dẫn có bác sĩ, đặc biệt, không dùng các loại thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ không rõ loại để bôi đắp lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm.

Đối với người được tiêm chủng vaccine COVID-19 đang dùng đơn thuốc điều trị các bệnh lý mãn tính, không được tự ý ngừng thuốc hay thay đổi thuốc vì có thể làm thay đổi tình trạng ổn định của bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ xem xét đơn thuốc để điều chỉnh phù hợp cho từng người bệnh.

Bên cạnh đó, người dân cũng không dùng thuốc hóa trị hay xạ trị, thuốc ức chế miễn dịch trong 14 ngày sau tiêm vaccine COVID-19 vì có thể làm giảm hiệu lực của vaccine. Đồng thời, các ủy ban về tiêm chủng trên thế giới và WHO cũng đang xem xét về việc khuyến cáo những nhóm người có tình trạng suy giảm miễn dịch có thể tiêm thêm mũi thứ 3 của vaccine COVID-19 để tăng cường hiệu lực bảo vệ.

“Đối với lịch tiêm của một số loại vaccine khác, nên giữ khoảng cách ít nhất 28 ngày giữa vaccine COVID-19 và các vaccine cần thiết khác. Vì hiện nay chưa có đầy đủ nghiên cứu về việc phối hợp vaccine COVID-19 và các vaccine khác, do đó, WHO vẫn đang khuyến cáo rằng, nếu không thể thay đổi lịch tiêm thì nên tiêm vaccine ở một vị trí khác vị trí đã tiêm vaccine COVID-19 (cánh tay khác hoặc đùi)”, bác sĩ Minh nhấn mạnh.

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/hoi-dap-vaccine-covid-19-sau-tiem-dung-thuoc-the-nao-cho-dung-ar631652.html