Hội đồng Bảo an LHQ nối lại việc xét quy chế thành viên đầy đủ của Palestine
Khát vọng gia nhập Liên Hợp Quốc của Palestine đã nhận được động lực lớn khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm qua quyết định chuyển vấn đề lên Ủy ban Kết nạp Thành viên mới mà không có ý kiến nào phản đối. Quyết định đưa ra vào thời điểm cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza đã bước sang tháng thứ 7, với thương vong ngày một lớn.
Ủy ban Kết nạp thành viên mới của Liên Hợp Quốc sẽ quyết định liệu Chính quyền Palestine có đáp ứng đủ các tiêu chí để trở thành một Nhà nước hay không, bao gồm một lãnh thổ được xác định, một chính phủ được công nhận và là một quốc gia “yêu chuộng hòa bình”. Theo Malta, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng bảo an tháng 4, quyết định sẽ được đưa ra ngay trong tháng này. Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyad Mansour đã mô tả “đây là một thời khắc lịch sử”:
“Chúng tôi chân thành hy vọng rằng, sau 12 năm kể từ khi chúng tôi được nâng cấp quy chế từ “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phát huy vai trò của mình để thực hiện sự đồng thuận toàn cầu đối với giải pháp 2 nhà nước bằng cách công nhận Nhà nước Palestine là thành viên đầy đủ.”
Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định việc kết nạp các thành viên mới do Đại hội đồng Liên Hợp Quốc quyết định căn cứ theo khuyến nghị của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 trên tổng số 193 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cũng giống như trong quá khứ, nỗ lực của Palestine có thể vấp phải phản ứng không đồng thuận của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn cho rằng quy chế Nhà nước Palestine và do đó là tư cách thành viên đầy đủ của Liên Hợp Quốc phải thông qua đàm phán giữa Israel và Palestine như một phần của giải pháp 2 nhà nước.
Một rào cản nữa là theo một đạo luật tại Mỹ, Chính phủ nước này phải cắt viện trợ cho bất cứ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc công nhận Palestine là thành viên trước khi Israel và Palestine đạt thỏa thuận hòa bình song phương. Điều từng xảy ra năm 2011 khi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc kết nạp Palestine làm thành viên.
Tuy vậy, theo Đại sứ Riyad Mansour, nỗ lực của Palestine đã nhận được động lực lớn khi 140 quốc gia đã công nhận Chính quyền Palestine, trong đó có các quốc gia Liên đoàn A Rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Phong trào Không liên kết. Lập trường của Mỹ trong vấn đề này cũng dần cởi mở hơn khi Chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều lần hối thúc Israel nhanh chóng thông qua giải pháp thành lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel.
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên hợp quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hồi tháng trước đã bổ nhiệm ông Mohammed Mustafa, một cố vấn kinh tế lâu năm của mình làm Thủ tướng, với trọng trách thành lập một chính phủ của khả năng đoàn kết các phe phái Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thời giúp xây dựng lại và tái thiết lập quyền kiểm soát đối với Dải Gaza sau khi cuộc chiến giữa Israel và Hamas kết thúc.