Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp trực tuyến về tình hình tại Myanmar
Ngày 30/4 (giờ New York), ngày cuối cùng trong tháng Chủ tịch của Việt Nam, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp trực tuyến, nghe Ngoại trưởng thứ 2 của Brunei -Erywan Pehin Yusof trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2021, thông tin về kết quả Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 liên quan đến My
Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar, bà Christine Schraner Burgener cũng tham dự và báo cáo tại cuộc họp.
Bộ trưởng Ngoại giao Brunei đã thông tin về các nỗ lực của ASEAN trong thời gian qua trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, đặc biệt là những nội dung liên quan “Đồng thuận 5 điểm” đạt được tại Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN 24/4. Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ đã cập nhật thông tin về tình hình Myanmar và những nỗ lực của mình trong việc thúc đẩy đối thoại với các bên liên quan.
Tất cả các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) đều đánh giá cao vai trò trung tâm và những nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình trong vấn đề Myanmar. Các nước cho rằng kết quả của Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN vừa qua là bước đi tích cực và nhấn mạnh cần thực hiện ngay “Đồng thuận 5 điểm” đã đạt được tại Hội nghị. Nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về việc sử dụng bạo lực và yêu cầu các bên kiềm chế, tham gia đối thoại để giải quyết vấn đề. Các nước mong muốn ASEAN và Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ phối hợp chặt chẽ trong các nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, trước mắt là đối thoại với tất cả các bên liên quan tại Myanmar trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cảm ơn sự ủng hộ của các thành viên HĐBA LHQ đối với vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar và kết quả của Hội nghị các Nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 vừa qua, đặc biệt là Tuyên bố của Chủ tịch và “Đồng thuận 5 điểm”.
Đại sứ cho rằng các bên liên quan ở Myanmar có trách nhiệm chính trong giải quyết vấn đề này, theo đó cần thực hiện ngay “Đồng thuận 5 điểm” thông qua đối thoại mang tính xây dựng và hòa giải thiết thực, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar. Trong quá trình này, Liên Hợp Quốc, ASEAN và các đối tác quốc tế khác cần hỗ trợ Myanmar và tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện “Đồng thuận 5 điểm”.
Về các biện pháp tiếp theo, Đại sứ Đặng Đình Quý kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar chấm dứt bạo lực, kiềm chế các hành vi bạo lực và tiến hành đối thoại, hòa giải vì lợi ích của người dân Myanmar, vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đại sứ cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp một cách xây dựng để giúp Myanmar ngăn chặn bạo lực và tạo điều kiện cho đối thoại và hòa giải.
Về vai trò của ASEAN, Đại sứ khẳng định với tinh thần và phương thức của riêng mình, ASEAN và các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tình hình ở Myanmar, trong đó có việc sử dụng tất cả các cơ chế, công cụ liên quan để hỗ trợ Myanmar một tích cực, hòa bình và xây dựng.
Theo đó, Đại sứ đề nghị các thành viên HĐBA LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ các nỗ lực và lập trường của ASEAN. Đại sứ cũng khẳng định sự ủng hộ đối với Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ và khuyến khích sự bổ trợ lẫn nhau trong công việc của Đặc phái viên với công việc của ASEAN, nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng trong giải quyết tình hình ở Myanmar hiện nay./.