Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hủy các cuộc họp vì dịch COVID-19

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an - Ảnh: TTXVN

* Các nước Mỹ Latin ban bố lệnh phong tỏa trên diện rộng do COVID-19

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 16/3 đã quyết định hủy hai cuộc họp cuối cùng trong tuần này do cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Sau khi đã hủy cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 17/3, Hội đồng Bảo an đã lên kế hoạch thảo luận về tình hình khu vực Darfur của Sudan vào ngày 18/3 và tiến hành một cuộc họp về hợp tác đa phương vào ngày 19/3.

Phái đoàn Trung Quốc, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tháng 3 này, nhấn mạnh Hội đồng "vẫn hoạt động" mặc dù hủy các phiên họp còn lại trong tuần này.

Trong một tuyên bố, người phát ngôn của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc nêu rõ: "Các thành viên hội đồng sẽ duy trì liên lạc và tham vấn về các vấn đề trong chương nghị sự và sẽ triển khai các hành động nếu cần để hoàn thành nhiệm vụ của hội đồng”.

Trong buổi trả lời các phóng viên, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết một nhân viên của Ban Thư ký Liên Hợp Quốc đã dương tính với COVID-19, sau khi một nhà ngoại giao Philippine được ghi nhận đã nhiễm COVID-19 tuần trước.

Theo ông Stephane Dujarric, trụ sở của Liên Hợp Quốc vẫn mở và Tổng Thư ký Antonio Guterres vẫn ở văn phòng làm việc trong ngày 16/3. Tuy nhiên, số người vào trụ sở tại TP New York đã giảm xuống còn khoảng 900 người, so với trung bình hàng nghìn người ra vào hằng ngày như thường lệ.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latin, Tổng thống Costa Rica Carlos Alvarado đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm bảo vệ người dân trước dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Phát biểu với báo giới ngày 16/3, Tổng thống Alvarado cho biết quốc gia này đang ở giai đoạn 2 của mức cảnh báo vàng (cấp độ phòng ngừa) và sắc lệnh trên trao quyền cho chính phủ thực hiện các hành động khẩn cấp nhằm ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Theo đó, tất cả trường học và trung tâm đào tạo các cấp sẽ tạm thời đóng cửa từ ngày 17/3-13/4. Ngoài ra, kể từ 23 giờ 59 (giờ địa phương) ngày 18/3 đến 23 giờ 59 ngày 12/4, chỉ có công dân Costa Rica và người nước ngoài cư trú tại Costa Rica mới được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều phải cách ly bắt buộc trong vòng 14 ngày.

Bộ trưởng Y tế Daniel Salas cho biết trong ngày 16/3, Costa Rica ghi nhận thêm 6 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số trường mắc COVID-19 lên 41 người, trong đó có 6 người nước ngoài.

Cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo mở rộng phạm vi cách ly trên cả nước sau khi ghi nhận thêm 16 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này lên 33.

Lệnh cách ly toàn quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ 5h sáng ngày 17/3 theo giờ địa phương, đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng các biện pháp quyết liệt và khẩn cấp là "rất cần thiết", bởi chỉ Venezuela sẽ phải đối mặt với một “đại dịch kinh hoàng” nếu bất cẩn.

Tổng thống Maduro cũng cho rằng lệnh cách ly trên cả nước, cộng với việc đóng cửa biên giới là cách hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh. Ông cũng cho biết thêm Venezuela sẽ tiếp nhận một lô hàng viện trợ từ Trung Quốc gồm các thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm.

Ngoài ra, Chính phủ Venezuela đã tổ chức một cuộc họp phối hợp với chính quyền quốc gia láng giềng Colombia, thông qua trung gian là Tổ chức Y tế liên Mỹ (OPS), để thảo luận các biện pháp chung nhằm ứng phó với COVID-19.

Tại Colombia, nhà chức trách bắt đầu chia sẻ thông tin về dịch COVID-19 với quốc gia láng giềng Venezuela. Tổng thống Ivan Dunque cũng cho biết nước này sẽ đóng cửa các biên giới trên biển, trên bộ và đường sông kể từ ngày 17/3 tới ngày 30/5 nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Peru, lực lượng quân đội đã phong tỏa các tuyến đường lớn, trong khi cảnh sát kiểm soát nghiêm ngặt việc di chuyển của người dân sau khi chính phủ nước này ban bố lệnh cách ly trên diện rộng. Bên cạnh đó, tạm ngừng các hoạt động tập trung đông người. Chính phủ chỉ cho phép duy trì hoạt động của các siêu thị, hiệu thuốc, ngân hàng và các dịch vụ thiết yếu.

Tại Paraguay, với 8 ca mắc COVID-19 tính đến ngày 16/3, chính phủ nước này tuyên bố bắt đầu từ tối 17/3 sẽ ban bố lệnh giới nghiêm từ 20h hằng ngày nhằm hạn chế việc tụ tập đông người. Bên cạnh đó, tạm ngừng các hoạt động thường ngày, ngoại trừ dịch vụ y tế, cứu hộ, ngân hàng, sản xuất và phân phối sản phẩm.

Tại Chile, với việc ghi nhận 155 ca mắc COVID-119 tính đến ngày 16/3, Tổng thống Sebastian Pinera tuyên bố nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài kể từ ngày 18/3. Cùng ngày, Bộ Y tế Chile quyết định yêu cầu các nước có công dân trên du thuyền Silver Explorer tiến hành hoạt động sơ tán. Du thuyền chở khoảng 200 hành khách này vẫn đang bị cách ly tại cảng Caleta Tortel ở miền Nam Chile, cách thủ đô Santiago 2.400 km về phía nam, kể từ ngày 14/3 vừa qua sau khi một du khách người Anh 82 tuổi dương tính với virus SARS-CoV-2.

Tại Mexico, Bộ Y tế thông báo trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 29 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 82 người và 171 ca nghi ngờ nhiễm bệnh. 90% ca bệnh có triệu chứng nhẹ, có thể cách ly tại nhà và chỉ 2% trong tình trạng nguy kịch.

Trước tình hình trên, cơ quan y tế Mexico sẽ áp dụng các biện pháp cách ly cộng đồng, hoãn toàn bộ các hoạt động không cấp thiết và hạn chế các hoạt động tập trung đông người. Chính phủ Mexico cũng khuyến cáo người dân không nên đi du lịch ngoài nước trong thời gian này. Thứ trưởng Y tế Hugo López Gatell cảnh báo trong vòng 10 ngày tới virus SARS-CoV-2 sẽ chuyển sang giai đoạn lây lan cộng đồng tại nước này và số ca bệnh có thể sẽ tăng lên hàng trăm người. Hiện một số thành phố của Mexico đã hủy hoặc hoãn tất cả các sự kiện công cộng và Bộ Giáo dục cũng đẩy sớm và kéo dài kỳ nghỉ tuần lễ thánh đối với học sinh, sinh viên trên toàn quốc từ ngày 20/3-20/4.

Ngày 17/3, kênh truyền hình Asahi đưa tin Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu tất cả hành khách từ châu Âu, trong đó có cả công dân Nhật Bản, tự cách ly trong 2 tuần kể từ khi đến nước này. Số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản tăng lên thành 821 người.

Tân Hoa xã đưa tin Bộ Y tế Nhật Bản và chính quyền địa phương ngày 17/3 cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nước này đã tăng lên thành 821 người tính đến lúc 10 giờ 30 sáng 17/3 (giờ địa phương).

Theo bộ trên, tổng cộng số người tử vong ở Nhật Bản do nhiễm virus SARS-CoV-2 là 35 người, con số này bao gồm cả những người trên tàu du lịch Diamond Princess bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama, gần thủ đô Tokyo.

Chính phủ Nhật Bản bắt đầu từ chối nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từng ở những khu vực nhất định của Tây Ban Nha, Ý và Thụy Sĩ, cũng như toàn bộ Ireland. Dẫn lời các nguồn tin giấu tên, tin cho biết các bộ trưởng của Nhật Bản sẽ nhóm họp trong ngày 18/3 để đưa ra quyết định chính thức. Tin đưa không đề cập tới thời điểm những biện pháp này có hiệu lực.

Malaysia đã quyết định hoãn tổ chức hội nghị các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương của các nền kinh tế thành viên Diễn dàn Hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC), dự kiến diễn ra từ ngày 17-19/3, do lo ngại dịch COVID-19.

Trong tuyên bố, người phát ngôn Chính phủ Malaysia cho biết: "Quyết định này được đưa ra như một biện pháp nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của tất cả các đại biểu cũng như ban thư ký”. Quan chức trên nêu rõ hiện Malaysia chưa ấn định thời điểm mới tổ chức hội nghị này. Theo dự kiến, Malaysia tổ chức hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11 tới.

Reuters đưa tin ngày 17/3, Phó Thủ tướng Kyrgyzstan Altynai Omurbekova cho biết nước này đã cấm nhập cảnh đối với toàn bộ người nước ngoài để ngăn ngừa virus SARS-CoV-2. Kyrgyzstan chưa ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 nào trên lãnh thổ nước này, mặc dù COVID-19 đã xuất hiện tại hầu hết các nước láng giềng của họ.

Bộ trưởng Tài chính Philippines Carlos Dominguez ngày 16/3 đã công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính trị giá 27,1 tỉ peso (khoảng 526 triệu USD) nhằm đối phó với sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và hỗ trợ cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Theo đó, gói hỗ trợ tài chính này sẽ dành khoản bổ sung 3,1 tỉ peso hỗ trợ trực tiếp cho những biện pháp ngăn chặn lây lan của COVID-19; hỗ trợ khoảng 2 tỉ peso cho các biện pháp bảo vệ xã hội đối với những người lao động dễ bị tổn thương; huy động khoảng 1,2 tỉ peso sẵn có trong Hệ thống An sinh Xã hội dành cho người lao động bị mất việc làm; triển khai các chương trình hỗ trợ tới 14 tỉ peso cho lĩnh vực du lịch; dành 2,8 tỉ peso cho các khoản vay không lãi suất dành cho nông dân, ngư dân và 1 tỉ peso cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ bị ảnh hưởng.

Ngày 17/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ra lệnh đóng cửa toàn bộ các quán dịch vụ karaoke KTV và rạp chiếu phim trên cả nước để ngăn chặn dịch COVID-19. Thông báo này được đưa ra sau khi số lượng ca mắc COVID-19 tại Campuchia được xác nhận đã tăng gấp đôi, lên tổng số 24 trường hợp tính tới ngày 17/3.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/236337/hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-huy-cac-cuoc-hop-vi-dich-covid-19.html