Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết về cuộc xung đột Ukraine
Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày 24/02 đã thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo về cuộc xung đột ở Ukraine. Nghị quyết được thông qua nhân dịp tròn 3 năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Nội dung nghị quyết bày tỏ thương tiếc về số người chết trong xung đột Ukraine thời gian qua, nhắc lại mục đích của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, đồng thời kêu gọi sớm chấm dứt xung đột và một nền hòa bình lâu dài. Nội dung nghị quyết được cho là khá trung lập và không nghiêng về bất kỳ bên nào.

Xe tăng Ukraine ở khu vực Kharkov. Ảnh: Reuters.
Nghị quyết được thông qua với 10 phiếu ủng hộ trong khi Pháp, Anh, Đan Mạch, Hy Lạp và Slovenia bỏ phiếu trắng. Nga đã bỏ phiếu ủng hộ sau khi không thành công trong việc sửa đổi nội dung nghị quyết đồng thời phủ quyết nỗ lực của các nước châu Âu là thành viên của Hội đồng bảo an nhằm đưa nội dung ủng hộ Ukraine vào nghị quyết.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia ghi nhận những thay đổi mang tính xây dựng trong quan điểm của Mỹ về cuộc xung đột ở Ukraine. Theo Đại sứ Nga, mặc dù không phải là một nghị quyết lý tưởng, đây là điểm khởi đầu cho các nỗ lực trong tương lai hướng tới giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Dorothy Shea cho rằng nghị quyết này đưa các bên trên con đường tới hòa bình. Theo Đại sứ Mỹ, đây là bước khởi đầu quan trọng mà các bên phải sử dụng để xây dựng một tương lai hòa bình cho Ukraine, Nga và cộng đồng quốc tế.
Trước đó, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cùng ngày đã thông qua hai nghị quyết, một được soạn thảo bởi Ukraine và một số nước châu Âu và một được soạn thảo bởi Mỹ. Nghị quyết do Mỹ soạn thảo được sửa đổi theo đề suất của các nước châu Âu để bổ sung nội dung ủng hộ Ukraine bao gồm chủ quyền, độc lập, và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Mỹ đã bỏ phiếu trắng đối với chính nghị quyết của mình do nội dung được sửa đổi nói trên. Mỹ và Nga cùng 16 quốc gia khác cũng bỏ phiếu phản đối nghị quyết do Ukraine soạn thảo với nội dung kêu gọi xuống thang, sớm chấm dứt các hành động thù địch, và giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine.
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có tính ràng buộc và không có tác động trực tiếp tới cuộc xung đột ở Ukraine, hai nghị quyết trên cho thấy các nước châu Âu đang sẵn sàng tách biệt với Mỹ trên trường quốc tế, nhất là trong vấn đề Ukraine.