Hội đồng huấn luyện viên quốc gia và công việc của những người thầm lặng

Trong thời điểm bóng đá Việt Nam chia tay huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo, đồng thời chuẩn bị công bố thuyền trưởng mới, vai trò của Hội đồng HLV quốc gia một lần nữa được nhắc đến. Không quá nổi bật trước truyền thông, nhưng đây thực sự là cơ quan đầu não đưa ra những quyết định quan trọng trong việc chọn người tài dẫn dắt những đội tuyển Việt Nam.

Năm gương mặt tinh anh

Sau mỗi kỳ Đại hội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) lại bắt tay vào việc bầu chọn một nhóm "năm gương mặt vàng". Đó là Hội đồng HLV quốc gia, hoạt động song hành trong một nhiệm kỳ của VFF. Chiếu theo Điều 15 Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng HLV quốc gia, hội nghị bầu chọn đại biểu được tiến hành định kỳ 4-5 một lần.

Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia là những tinh anh của bóng đá Việt Nam.

Hội đồng Huấn luyện viên quốc gia là những tinh anh của bóng đá Việt Nam.

Những người tham dự, bầu chọn Hội đồng HLV quốc gia là HLV trưởng các câu lạc bộ (CLB) chuyên nghiệp, hạng Nhất, hạng Nhì, bóng đá nữ và Futsal. Tại hội nghị, một số gương mặt sẽ được giới thiệu làm thành viên Hội đồng HLV quốc gia. Theo quy chế, một HLV chỉ được bầu chọn vào Hội đồng khi có quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành.

Ở kỳ bình bầu gần nhất diễn ra hồi đầu tháng 1, những gương mặt được chọn vào Hội đồng HLV quốc gia khóa 9 gồm các ông: Mai Đức Chung, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Sỹ Hiển, Lê Huỳnh Đức và bà Đoàn Thị Kim Chi. Một bất ngờ nho nhỏ đã xảy ra khi HLV Kim Chi có cùng số phiếu với ông Chu Đình Nghiêm, HLV trưởng CLB Hải Phòng.

Chiếu theo quy định của VFF, khi có hai ứng viên cùng số phiếu bầu vào Hội đồng HLV quốc gia, Hội nghị sẽ tiến hành bỏ phiếu một lần nữa để chọn ra một người. Tuy nhiên, ông Chu Đình Nghiêm đã chủ động đứng lên xin rút. Theo chia sẻ của HLV CLB Hải Phòng, Hội đồng HLV quốc gia cần có một HLV nữ để đại diện cho tiếng nói của những cô gái đá bóng.

Một điều thú vị là 5 thành viên Hội đồng HLV quốc gia khóa 9 cũng góp mặt trong khóa 8. Họ đóng vai trò thầm lặng trong việc đưa bóng đá Việt Nam bước vào giai đoạn thành công nhất từ trước đến nay. Không chỉ trong cấp độ đội tuyển nam, các đội U23, U21, U19, và đội tuyển nữ Việt Nam cũng giành được thành tích ấn tượng.

Ở chiều ngược lại, trong trường hợp các đội tuyển bóng đá Việt Nam không đạt thành tích như kỳ vọng, Hội đồng HLV quốc gia rất có thể phải cáng đáng thay phần việc đứng mũi chịu sào. Năm 2017, U23 Việt Nam bất ngờ bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games. HLV Hữu Thắng từ chức, khiến không một HLV nào dám ngồi vào ghế nóng đội tuyển quốc gia và U23.

Giữa "lò than" đó, HLV Mai Đức Chung, một thành viên của Hội đồng HLV quốc gia đã nhận trách nhiệm huấn luyện đội tuyển trong ngắn hạn. Kết thúc vài tháng ngắn ngủi cầm quân, ông Chung "gái" hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông đưa đội tuyển giành vé tham dự Asian Cup với một lối chơi chắc chắn, hiệu quả.

Những công việc không tên

Xét về bản chất, Hội đồng HLV quốc gia đóng vai trò sống còn trong việc định hình bóng đá Việt Nam. Trong bối cảnh một biểu tượng như HLV Park Hang-seo chia tay đội tuyển, vai trò Hội đồng HLV quốc gia một lần nữa được nhắc đến trên cương vị tham mưu, tư vấn chọn người kế nhiệm. Nhưng đó không chỉ là phần nhiệm vụ quan trọng duy nhất của cơ quan này.

Hội đồng huấn luyện viên quốc gia và cá nhân huấn luyện viên Mai Đức Chung từng phải làm người đóng thế khi đội tuyển thi đấu không tốt.

Hội đồng huấn luyện viên quốc gia và cá nhân huấn luyện viên Mai Đức Chung từng phải làm người đóng thế khi đội tuyển thi đấu không tốt.

Hồi năm 2017, nhiệm vụ "người đóng thế" giải cứu đội tuyển Việt Nam không nằm trong phạm vi nhiệm vụ Hội đồng HLV quốc gia. Công việc chính của hội đồng thực ra là quản lý, đào tạo HLV; tham mưu, tư vấn cho VFF tuyển chọn HLV, cũng như định hướng công tác đào tạo trẻ. Không có quy định nào yêu cầu thành viên Hội đồng HLV quốc gia phải ra cầm quân.

Việc HLV Mai Đức Chung làm HLV tạm quyền 6 năm trước chỉ như một giải pháp tình thế, trong bối cảnh VFF chưa thể tìm HLV chính thức. Ở một góc độ nào đó, Hội đồng HLV quốc gia đôi lúc đóng vai trò như một cơ quan giải quyết những phần việc không tên của công tác huấn luyện. Và không phải lúc nào tiếng nói của họ cũng được để ý tới.

Khi tuyên bố từ chức HLV trưởng các đội tuyển quốc gia, HLV Hữu Thắng từng gây không ít tranh cãi với Hội đồng HLV quốc gia. Trong một cuộc họp, khi bị nhận xét thiếu kinh nghiệm dẫn đến sai lầm, khiến đội U23 nhận thất bại, HLV Hữu Thắng nói VFF và Hội đồng không có góp ý gì với ông. Trên thực tế, mọi chuyện không phải như vậy.

Trong số 5 thành viên Hội đồng HLV quốc gia khóa 8, những người có tiếng nói khách quan với HLV Hữu Thắng gồm có ông Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và bà Đoàn Thị Kim Chi. Họ đều góp ý cho Hữu Thắng trên vai trò thành viên Hội đồng HLV quốc gia, nhưng mọi thứ chỉ dừng ở công tác tham mưu. Bởi theo quy chế, HLV trưởng đội tuyển quốc gia được trao toàn quyền quyết định chuyên môn.

Có ý kiến cho rằng với nhiệm vụ của mình, Hội đồng HLV quốc gia nên chú tâm vào những hoạt động phát triển bóng đá trong dài hạn. Nhưng việc này lại gặp 2 chuyện khó. Thứ nhất, việc đưa ra giáo án, tư vấn phát triển bóng đá trẻ cũng là một phần nhiệm vụ của giám đốc kỹ thuật. Thứ hai, cơ sở vật chất và phương hướng hoạt động bóng đá trẻ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đầu tư của các địa phương, chứ không phải VFF.

Một điều khó khăn khác Hội đồng HLV quốc gia gặp phải là trước khi nghĩ đến những hướng phát triển dài hạn, họ cần giải quyết gấp những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn. Ở bối cảnh hiện tại, Hội đồng HLV quốc gia cần sớm đưa ra quyết định bổ nhiệm một HLV mới thay ông Park Hang Seo. Người này cần đảm bảo thành tích trong một năm có cả SEA Games, Asian Cup và ASIAD.

Nhìn về quá khứ, chúng ta có thể thấy khi đội tuyển quốc gia đạt được thành công, HLV và cầu thủ là những người được tung hô đầu tiên. Nhưng khi đội tuyển thất bại, trách nhiệm lại đổ lên đầu VFF và Hội đồng HLV quốc gia. Họ là những người phải giải quyết vô vàn công việc không tên, bởi trách nhiệm trong mỗi sai lầm luôn thuộc về tập thể.

Đãi cát tìm vàng

Có nhiều lý do khiến danh sách thành viên Hội đồng HLV quốc gia nhiệm kỳ 9 không khác với khóa trước đó. HLV Mai Đức Chung vẫn là gương mặt mang về những thành tích có một không hai cho bóng đá Việt Nam. Trên cương vị HLV trưởng đội tuyển nữ quốc gia, ông đã mang về hàng loạt chức vô địch SEA Games, cũng như giúp đội tuyển nữ có lần đầu tiên tham dự World Cup.

“Phù thủy trắng” Troussier sẽ nhận mức lương cao nhất từ trước đến nay.

“Phù thủy trắng” Troussier sẽ nhận mức lương cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh ông Mai Đức Chung, những người như HLV Nguyễn Sỹ Hiển, Phan Thanh Hùng và Lê Huỳnh Đức đều có uy tín cao trong giới bóng đá Việt Nam. HLV Đoàn Thị Kim Chi đạt rất nhiều thành tích xuất sắc, cả thời còn thi đấu lẫn khi chuyển sang công tác huấn luyện. Tiếng nói của bà sẽ giúp bóng đá nữ được quan tâm nhiều hơn, khi đây vẫn là địa hạt mang về nhiều thành tích quốc tế cho bóng đá Việt Nam.

Từ góc nhìn của một người làm chuyên môn, tại Hội nghị bầu chọn thành viên Hội đồng HLV quốc gia, ông Chu Đình Nghiêm nói bóng đá Việt Nam hiện có không nhiều HLV giỏi. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia, số lượng HLV Việt Nam có bằng cấp quốc tế vẫn còn khá khiêm tốn. Do đó, các HLV Việt Nam cần nâng cao trình độ để kế cận lớp HLV đàn anh.

Ở phạm vi tìm người thay thế HLV Park Hang-seo, Hội đồng HLV quốc gia gần như đã có câu trả lời. Với những tiêu chí như: HLV có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển ở World Cup, am hiểu bóng đá Việt Nam... gần như gương mặt tiếp theo dẫn dắt "Những ngôi sao vàng" là Philippe Troussier. Ông từng có thời gian huấn luyện U19 Việt Nam, đồng thời kiêm nhiệm ghế Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm PVF.

Câu chuyện về việc bổ nhiệm HLV Troussier cho thấy phần nào tầm quan trọng của Hội đồng HLV quốc gia. Trong quá khứ, "Phù thủy trắng" từng chia tay bóng đá Việt Nam bởi VFF không thể thay thế PVF chi trả mức lương của vị HLV này. Nhưng trong bối cảnh đội tuyển cần có một ông thầy mới, cộng thêm tham mưu từ Hội đồng HLV quốc gia, bóng đá Việt Nam và HLV Troussier lại "như chưa hề có cuộc chia ly".

Huấn luyện viên Troussier sẽ nhận mức lương cao nhất từ trước đến nay

Trong quá khứ, khi còn kiêm nhiệm vai trò HLV trưởng đội U19 quốc gia và Giám đốc kỹ thuật PVF, HLV Troussier được cho là nhận lương không dưới 1 triệu USD/năm. Con số này xấp xỉ mức đãi ngộ VFF dành cho HLV Park Hang-seo, thế nên đôi bên phải chia tay vì những người làm bóng đá Việt Nam không sẵn sàng chi nhiều tiền như vậy để giữ chân một HLV làm việc ở cấp độ trẻ.

Nhưng ở lần trở lại Việt Nam sắp tới, HLV Troussier đến với một cương vị khác. Do đó, ông được cho sẽ nhận mức lương cao hơn lương HLV Park Hang-seo. Tuy nhiên, "Phù thủy trắng" có cơ sở để ông được nhận mức lương cao kỷ lục như thế.

Thứ nhất, ông Troussier có bản CV của một HLV từng 2 lần tham dự World Cup. Ông từng làm việc tại những nền bóng đá hàng đầu châu lục, nhiều kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao, thế nên xứng đáng nhận mức lương "đắt xắt ra miếng". Thứ hai, HLV Troussier không chỉ đảm trách đội tuyển quốc gia, mà còn phụ trách đội U23 thi đấu SEA Games, giải đấu được đánh giá quan trọng không kém AFF Cup.

Nguyên nhân cuối cùng khiến VFF sẵn sàng chi đậm đãi ngộ HLV Troussier là bởi "Phù thủy trắng" dường như sẵn sàng nhận nhiệm vụ nặng nề nhất từ trước đến nay. Nhiều khả năng ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc đưa đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng loại World Cup 2026, kỳ Cúp Thế giới đầu tiên được mở rộng thành 48 đội.

Đơn Ca

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hoi-dong-huan-luyen-vien-quoc-gia-va-cong-viec-cua-nhung-nguoi-tham-lang-i682135/