Hội đồng Nhà nước Ai Cập có nữ thẩm phán lần đầu tiên sau 75 nămTin khácNhững người 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'Thành phố Lạng Sơn: Vững bước trên đường phát triển
Nhóm thành viên nữ đầu tiên trong Hội đồng Nhà nước Ai Cập bao gồm 48 thẩm phán trong vai trò trợ lý cố vấn và 50 thẩm phán trong vai trò phó cố vấn.
Ngày 19/10, gần 100 thành viên nữ trong Hội đồng Nhà nước Ai Cập đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành những nữ thẩm phán đầu tiên tại một trong những cơ quan tư pháp chính của quốc gia Bắc Phi này..
Nhóm thành viên nữ đầu tiên trong Hội đồng bao gồm 48 thẩm phán trong vai trò trợ lý cố vấn và 50 thẩm phán trong vai trò phó cố vấn.
Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, bà Taha Karsoua, nhấn mạnh: “Sự kiện này là một món quà đáng quý dành cho phụ nữ tại Ai Cập.”
Bà cho biết quyết định bổ nhiệm nói trên được thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Abdel-Fattah al-Sisi. Các nữ thẩm phán mới sẽ đảm nhận nhiệm vụ tương tự các đồng nghiệp nam giới nhằm đảm bảo thực thi công lý và giải quyết các xung đột trong tất cả các tòa án trực thuộc.
Hội đồng Quốc gia về Phụ nữ (NCW) của Ai Cập hoan nghênh việc bổ nhiệm các nữ thẩm phán trong Hội đồng Nhà nước là một động thái thể hiện ý chí chính trị của giới lãnh đạo nhằm trao quyền lớn hơn cho phụ nữ.
Trước đó, theo kế hoạch của Ai Cập thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực tư pháp, tháng Ba vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi đã chỉ thị bổ nhiệm thành viên nữ trong Hội đồng Nhà nước và Cơ quan Công tố – hai cơ quan tư pháp từ trước đến nay chỉ có thẩm phán nam.
Hội đồng Nhà nước Ai Cập được thành lập năm 1946, là một cơ quan tư pháp độc lập, có thẩm quyền riêng xét xử các tranh chấp hành chính, các quyết định kỷ luật, các kháng cáo và các tranh chấp liên quan đến các quyết định của Hội đồng.
Bà Reem Moussa, một thẩm phán mới tuyên thệ nhậm chức, đã chia sẻ niềm tự hào và vinh dự khi được bổ nhiệm cương vị mới trong Hội đồng Nhà nước sau 75 năm cơ quan này không có thẩm phán nữ nào.
Bà Moussa nhấn mạnh: “Hôm nay là một chiến thắng của phụ nữ Ai Cập và thực thi các điều khoản trong hiến pháp quy định bình đẳng giữa nam giới và nữ giới trong công việc.”
Bà Moussa khẳng định sự kiện này là động lực để tất cả phụ nữ đạt được thành tích tốt hơn trong mọi công việc./.