Hội đồng nhân dân được quyền thu thêm phí: Mừng hay lo?

Bộ Tài chính đề xuất Hội đồng nhân dân các cấp tới đây sẽ được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí năm 2015.

Bước đi mang tính "cởi trói"

Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Một nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật là cho phép Hội đồng nhân dân các cấp được phép ban hành một số khoản thu phí, lệ phí ngoài danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định.

Hiện nay, quy định này chỉ được áp dụng tại Luật Thủ đô và một số Nghị quyết của Quốc hội cho phép một số địa phương thí điểm thực hiện. Theo đó, cho phép một số địa phương được ban hành thêm một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục do trên địa bàn (đặc biệt là các đô thị lớn) có một số loại phí, lệ phí chưa được quy định như thu phí đậu đỗ xe ôtô, thu phí các loại phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông vào khu vực trung tâm, phí thuê vỉa hè, phạt vi phạm hành chính trên địa bàn...

Đề xuất địa phương được phép thu một số khoản phí, lệ phí ngoài quy định. Ảnh minh họa

Đề xuất địa phương được phép thu một số khoản phí, lệ phí ngoài quy định. Ảnh minh họa

Do đó, Bộ Tài chính đề xuất cần trao thêm thẩm quyền cho các địa phương được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách phí, lệ phí, tạo điều kiện cho địa phương có công cụ tăng cường chức năng quản lý nhà nước tại địa bàn.

Đồng thời, địa phương có thêm nguồn thu ngân sách để phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của chính sách phí, lệ phí, nhất là đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên phát triển, có tăng trưởng tốt; tái phân phối thu nhập xã hội tốt hơn cho nền kinh tế, tạo được nguồn lực tài chính bổ sung cần thiết đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của các địa phương trong bối cảnh cần phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026-2030.

Tư duy quản trị ngân sách hiện đại

Về vấn đề trên, theo ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), việc thu phí, lệ phí đã thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí năm 2015 và tại Luật này cũng đã quy định cụ thể danh mục, trong đó có hai danh mục là danh mục các khoản lệ phí và danh mục các khoản phí.

Đồng thời, tại Luật Phí và lệ phí giao thẩm quyền cho các cơ quan liên quan trong việc quy định các mức phí, lệ phí bao gồm quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quyền cho Chính phủ, quyền cho Hội đồng nhân dân các địa phương. Tại Luật này cũng quy định rõ các nguyên tắc, các căn cứ để xác định mức phí, lệ phí cũng như việc quản lý các khoản phí, lệ phí.

Các cơ quan có thẩm quyền được giao trong việc quy định các khoản phí, lệ phí sẽ căn cứ vào phí, lệ phí cũng như các văn bản hướng dẫn để có quyết định liên quan đến các khoản phí, lệ phí thuộc quyền. Đó là nguyên tắc trong việc áp dụng quy định các khoản phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí và lệ phí hiện nay”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, tư duy quản trị ngân sách hiện đại yêu cầu địa phương phải có không gian tài chính riêng, phù hợp với đặc thù kinh tế - xã hội tại chỗ. Trong bối cảnh đó, việc cho phép Hội đồng nhân dân các cấp ban hành một số khoản phí, lệ phí ngoài danh mục trung ương là một bước tiến về phân quyền, thúc đẩy tính linh hoạt và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.

Điều này đồng nghĩa với việc địa phương có thêm công cụ tài chính để chủ động tạo nguồn thu, phục vụ các mục tiêu phát triển hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc điều tiết hành vi người dân - doanh nghiệp ở tầm vi mô.

Trước đó, giải trình về cơ sở đề xuất bổ sung nội dung này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định hiện hành, chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành và bổ sung, sửa đổi các loại thuế (Chính phủ, chính quyền địa phương không được ban hành chính sách thuế).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phép ban hành mức thu phí, lệ phí trong danh mục của Luật Phí và lệ phí đã quy định.

Giữa hai kỳ họp Quốc hội, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các loại phí, lệ phí báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Việc mở rộng quyền thu phí, lệ phí cho địa phương nếu được thực hiện đúng hướng sẽ thúc đẩy tự chủ, khuyến khích sáng tạo tài chính địa phương. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ, đề xuất này rất dễ biến tướng, làm xói mòn lòng tin của người dân và doanh nghiệp, đi ngược lại nguyên tắc công bằng và minh bạch của một nhà nước pháp quyền hiện đại.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-dong-nhan-dan-duoc-quyen-thu-them-phi-mung-hay-lo-382051.html