Hội đồng Nhân dân thành phố chất vấn nhiều vấn đề nóng
HNN.VN - Sáng nay (17/7), trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa VIII, phiên chất vấn diễn ra với các nhóm vấn đề 'nóng' như, giải ngân vốn, phòng chống dịch bệnh, buôn lậu, hàng giả, ùn tắc giao thông và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Lê Trường Lưu; UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Quang Tuấn; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Văn Tuấn chủ trì và điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Thường trực HĐND thành phố chủ trì và điều hành phiên chất vấn
Huế ngày nay online sẽ liên tục cập nhật diễn biến.
08h56
Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố, ông Lê Trường Lưu nhấn mạnh, những vấn đề chất vấn là những vấn đề nóng, thể hiện trên 4 nhóm vấn đề.
08h57

Đại biểu Dương Thị Thu Truyền
* Đại biểu Dương Thị Thu Truyền nêu câu hỏi chất vấn: Đến ngày 30/6/2025, số liệu mới nhất do Sở Tài chính cung cấp, nguồn ngân sách Trung ương còn 436,926 tỷ đồng chưa giải ngân; trong số 155,979 tỷ đồng vốn sự nghiệp đã được Trung ương giao cho thành phố có 125,881 tỷ đồng (chương trình giảm nghèo 76,448 tỷ đồng và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 49,437 tỷ đồng) chưa được thành phố phân bổ. Đề nghị UBND thành phố cho biết giải pháp để giải ngân hết các nguồn lực Trung ương phân bổ này từ nay đến cuối năm?
08h58
* Ông La Phúc Thành, Giám đốc Sở Tài chính trả lời chất vấn:
Trong kế hoạch vốn năm 2025, qua 6 tháng đã giải ngân 171,118/608,044 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 28%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 154,793/317,896 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 48%. Cao hơn bình quân chung cả nước (40%).
Vốn sự nghiệp giải ngân, vốn năm 2025 là 16,325/155,979 tỉ đồng, đạt 10,5%/10,8% bình quân chung cả nước). Số vốn giải ngân này của CTMTQG xây dựng nông thôn mới. 2 CTMTQG còn lại (giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) chưa giải ngân do chưa phân bổ. Nguyên nhân đó là vốn ngân sách Trung ương giao muộn. Tháng 3, tháng 4/2025 là thời điểm sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp nên các địa phương cấp huyện không đăng ký nhu cầu.
Vốn CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 49,437 tỉ đồng theo Quyết định 778/QĐ-TTg ngày 16/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Mặt trận Tổ quốc thành phố (bao gồm các hội và đoàn thể) sáp nhập theo mô hình mới nên phần kinh phí dự kiến phân bổ cho các đối tượng này phải rà soát và điều chỉnh lại. Sau khi rà soát, hiện nay đã có 32,404 tỉ đồng đủ điều kiện phân bổ sẽ trình HĐND trong kỳ họp tới, còn lại 17,033 tỉ đồng chưa có phương án đề xuất phân bổ.
Vốn CTMTQG Giảm nghèo bền vững 76,448 triệu đồng theo Quyết định 570/QĐ-TT ngày 11/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ thì Sở Tài chính đã gửi 2 công văn đôn đốc, hướng dẫn và đề nghị chủ CTMTQG (Sở Nông nghiệp và Môi trường) xây dựng phương án phân bổ nhưng đến nay Sở Nông nghiệp và Môi trường vẫn chưa có văn bản gửi Sở Tài chính phương án phân bổ kinh phí này.

Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành trả lời chất vấn
Theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 27/2022/NĐ-CP thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 và Điều 5, Điều 6 Quyết định số 39/2022/QĐ-UBND ngày 28/8/2022 của UBND tỉnh (nay là TP. Huế) quy định phân công, phân cấp quản lý và tổ chức thực hiện các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP. Huế) các chủ CTMTQG cấp thành phố phải có văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND thành phố trình phân bổ. Sở Tài chính là cơ quan tổng hợp nên chủ CTMTQG chưa có văn bản đề xuất thì Sở Tài chính chưa có cơ sở tham mưu UBND thành phố.
Thực tế triển khai những năm qua cho thấy vốn sự nghiệp của ngân sách Trung ương phân bổ cho thành phố để thực hiện các chính sách, dự án thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vượt cao so với nhu cầu làm tỷ lệ giải ngân hằng năm thấp và phải chuyển nguồn sang năm sau.
Các mô hình đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất mang tính thời vụ, các văn bản hướng dẫn Trung ương nhiều quy định thay đổi liên tục, việc chọn đối tượng hưởng lợi đáp ứng điều kiện theo quy định gặp khó khăn (điều kiện kinh tế, lao động, cơ sở vật chất,...) nên đến nay nhiều mô hình vẫn chưa thể triển khai.
Một số nội dung hỗ trợ của của 2 CTMTQG, gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững không còn đối tượng hỗ trợ hoặc đối tượng theo dự tính ban đầu đã đủ điều kiện ra khỏi đối tượng hỗ trợ của chương trình. Bên cạnh đó, định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung như, mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề; mức hỗ trợ phát triển sản xuất còn thấp, không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện chương trình,... trong khi tiến độ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung này và phương án điều chỉnh nguồn lực sang thực hiện các nội dung khác chưa được Trung ương hướng dẫn kịp thời, làm chậm tiến độ giải ngân vốn các CTMTQG.
Vốn ngân sách Trung ương hằng năm phân bổ muộn quá mùa vụ sản xuất nông nghiệp trong khi tỷ trọng các dự án phát triển sản xuất chiếm tỷ trọng lớn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp của thành phố đối với năm 2025.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra công tác giảm nghèo ở các địa phương vùng cao
Để tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các CTMTQG trước và sau khi hoàn thành công tác sát nhập chính quyền địa phương 2 cấp, phấn đấu giải ngân đến ngày 31/12/2025 đạt tỷ lệ trên 90%, Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp trong thời gian tới như sau:
Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nội vụ khẩn trương phối hợp với các cơ quan đơn vị, các xã/phường để trình cấp có thẩm quyền phân bổ ngay 125,881 tỷ đồng vốn sự nghiệp đã được Trung ương giao bổ sung trong năm cho 02 CTMTQG: Giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại Quyết định 570/QĐ-TTg ngày 11/3/2025 và Quyết định 778/QĐ-TTg ngày 16/4/2025của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thành trong tháng 7/2025.
UBND các xã/phường, ban quản lý dự án khu vực: 1, 2, 3 và các chủ đầu tư cấp thành phố báo cáo tình hình bàn giao, tiếp nhận hồ sơ dự án sau khi vận hành chính quyền 2 cấp; rà soát đăng ký nhu cầu vốn và cam kết giải ngân vốn thực hiện các CTMTQG trong 6 tháng cuối năm 2025 gửi về các chủ CTMTQG cấp thành phố trình tổng hợp gửi Sở Tài chính báo cáo UBND thành phố. UBND cấp xã khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa từng bước triển khai các mô hình sinh kế, dự án phát triển sản xuất đã được bố trí vốn.
Kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo CTMTQG nhằm thực hiện chương trình đảm bảo tính liên tục, không để gián đoạn. Đặc biệt cần tập trung rà soát, hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ đầu tư, dự toán chi, đảm bảo phù hợp với mô hình chính quyền đô thị 2 cấp mới được triển khai.
Kịp thời tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc về thủ tục giải ngân và hồ sơ quyết toán vốn sự nghiệp, đảm bảo nguồn vốn được giải ngân kịp thời; trong đó tập trung xử lý các vướng mắc để giải ngân vốn của 3 dự án đang có tỷ lệ giải ngân thấp.
Cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai và giải ngân. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hàng tháng về tiến độ thực hiện.
09h14
* Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình làm rõ thêm vấn đề này: Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Thành ủy, quá trình triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn thành phố Huế đã đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó một số chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Tuy vậy, thực tiễn triển khai vẫn còn không ít khó khăn. Ông Bình chỉ ra một số dự án chậm tiến độ do sự thay đổi về cơ chế, chính sách từ Trung ương dẫn đến phải chờ hướng dẫn cụ thể mới có thể triển khai. Bên cạnh đó là tình trạng chậm phân bổ nguồn lực; sự chủ động từ chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế trong một số trường hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Thanh Bình
Đặc biệt, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đòi hỏi phải rà soát lại đội ngũ cán bộ, điều chỉnh phù hợp với cơ cấu tổ chức mới”, ông Bình nhấn mạnh.
Để tháo gỡ vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, UBND thành phố đã ban hành nhiều chỉ đạo mang tính tổng thể và quyết liệt. Hiện nay, một số vướng mắc liên quan đến nguồn kinh phí sự nghiệp đang được các sở, ngành tích cực phối hợp, đề nghị các địa phương sớm hoàn thiện phương án đề xuất phân bổ.
Chúng tôi đang tiến hành rà soát lại toàn bộ danh mục các dự án chuyển tiếp từ năm 2024 sang 2025, đồng thời điều phối tổng thể các hạng mục đầu tư, đặc biệt là các dự án còn vướng mắc. Tinh thần chung là không để chậm tiến độ, không để nguồn lực bị dàn trải.
09h18
* Liên quan đến tình trạng ùn tắc một số tuyến đường giao thông nội thị vẫn còn xảy ra, nhất là giờ cao điểm, đại biểu Nguyễn Anh Dũng đề nghị Sở Xây dựng cho biết ngành có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng trên.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng nêu câu hỏi chất vấn
09h22
* Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấntrả lời:
Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên có thể thấy do số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng ở nhiều đô thị. Thực tế tại thành phố Huế năm 2025, riêng ô tô dưới 9 chỗ, hiện có hơn 70.000 phương tiện ô tô các loại đang hoạt động. Trong giai đoạn 5 năm gần đây tốc độ gia tăng xe cơ giới cá nhân tại Huế tăng xấp xỉ trên 10%/năm, trong khi năng lực cơ sở hạ tầng không được cải thiện tương ứng dẫn đến tại một số tuyến đường trong đô thị Huế bắt đầu có hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra.
Thống kê hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng số 521 tuyến đường đô thị gồm Quốc lộ, Tỉnh lộ, đường đô thị tổng chiều dài 278,5km, trong đó đường có bề rộng mặt nhỏ từ 10m trở xuống chiếm phần lớn - trên 85%, rất nhiều tuyến đường nhỏ hẹp do lịch sử để lại.
Bên cạnh những nguyên nhân do hệ thống cầu, đường chưa tương xứng với tốc độ phát triển đô thị và lượng người tham gia giao thông ngày càng lớn; những bất cập về hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, việc phân luồng giao thông thì nguyên nhân quan trọng dẫn đến ùn tắc là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là những người điều khiển xe ô tô, mô tô cũng rất lớn.

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn nêu nhiều giải pháp để tránh ùn tắc giao thông
Những nguyên nhân trên đã gây ra hiện tượng ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm, trong đó có, những khu vực nút giao giữa đường Lê Lợi và đường Hà Nội khu vực chân cầu Phú Xuân, đoạn giao giữa đường Kim Long và đường Lê Duẩn khu vực chân cầu Dã Viên, đoạn giao giữa đường Bà Triệu và đường Nguyễn Công Trứ khu vực chợ Cống, khu vực ngã 6 nút giao các tuyến đường Hùng Vương - Hà Nội - Đống Đa - Lê Quý Đôn - Bến Nghé… như đại biểu nêu.
Để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông cũng cần đồng bộ các giải pháp; có giải pháp ngắn hạn; có giải pháp trung hạn; có giải pháp trong dài hạn…
Đầu tiên, cần tiếp tục quan tâm về quy hoạch, đầu tư mở rộng và xây mới các công trình giao thông:
Về quy hoạch giao thông vận tải, từ 2015 chúng ta đã điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tỉnh đến 2020, tầm nhìn đến 2030, hiện nay, đã được nghiên cứu cập nhật, bổ sung tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch chung đô thị (sau này không còn QH giao thông riêng nữa mà đã được tích hợp trong 2 quy hoạch này): Các trục đường hướng tâm, đường vành đai,...đã được quy hoạch tạo khung sườn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong tương lai, trong đó, góp phần mở rộng không gian đô thị, phần luồng giao thông giảm tập trung lưu lượng lớn vào trung tâm đô thị, giảm ùn tắc giao thông.
Hiện nay, chúng ta cũng từng bước xây dựng các công trình này, như, cầu Nguyễn Hoàng, đường vành đai 2, đường Tố Hữu nối dài,...
Kể từ ngày 26/3/2025 khi cầu Nguyễn Hoàng đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần giảm đáng kể về vấn đề ùn tắc giao thông tại nút giao phía Bắc cầu Dã Viên, dòng xe lưu thông giữa hai bờ khu vực từ cầu Dã Viên về phía thượng nguồn sông Hương đã được chia sẻ bởi cầu Nguyễn Hoàng và sắp tới đây khi tuyến đường vành đai 2 nối thông từ đường Võ Văn Kiệt từ cầu Lim về cầu Nguyễn Hoàng ra phía Bắc thông với đường Nguyễn Văn Linh, cùng với việc hoàn thành mở rộng cầu Kim Long; hoàn thành nút giao nối đường Phạm Thị Liên với đường Lê Duẩn thì chắc chắn vấn đề ùn tắc giao thông tại nút giao phía Bắc cầu Dã Viên sẽ được giải quyết khá triệt để.
Về nút giao đường Bà Triệu - Nguyễn Công Trứ thì hiện nay, Ban quản lý dự án Đô thị xanh Huế - Green city thuộc Sở Tài chính đang tiến hành đầu tư mở rộng cầu Vỹ Dạ, khi công trình hoàn thành và nút giao khu vực này được tổ chức lại thì sẽ góp phần tích cực cho việc lưu thông.
Giải pháp về phương tiện: Cần tăng cường phương tiện giao thông công cộng như, xe bus nội đô đã được xã hội hóa hoàn toàn, năm 2023 chúng ta đã tiếp tục đưa thêm 10 tuyến vào khai thác sử dụng, như vậy, hiện nay, có 15 tuyến đều có xe bus hiện đại đẹp, chất lượng phục vụ tận tình, chu đáo. Loại hình này đang phục vụ tốt cho người dân, du khách đi lại cũng góp phần giảm thiểu xe cá nhân gây ùn tắc giao thông.
Về tổ chức giao thông cũng đã được thành phố quan tâm chỉ đạo. Đề án tổ chức giao thông cho khu vực trung tâm và vùng phụ cận đã được UBND thành phố phê duyệt tháng 11/2023 và đã bàn giao cho 2 phường Thuận Hóa và Phú Xuân tổ chức thực hiện, trong đó có phân luồng 1 số loại xe, tổ chức giao thông lại 1 số nút giao thông,... đây cũng là giải pháp góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, bởi vì ta cũng không đủ nguồn lực lớn để mở rộng tất cả các tuyến đường, và cũng không phải khi nào cũng phải mở một cách cơ học làm mất ổn định đời sống dân sinh. Đây là giải pháp tối ưu hóa nguồn lực, góp phần tích cực giảm ùn tắc giao thông.
Trong đề án cũng đã tính đến cho nút giao khu vực ngã 6 nút giao các tuyến đường Hùng Vương - Hà Nội - Đống Đa - Lê Quý Đôn - Bến Nghé, nếu thật sự cần thiết và khi có đủ nguồn lực có thể xây dựng nút khác mức ở đây, đồng thời với giải pháp phân phân luồng và đèn giao thông sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng thỉnh thoản ùn tắc ở nút giao này.
Đối với các tuyến đường nhỏ hẹp hiện nay, thành phố đã có quy định dừng, đỗ xe ô tô một bên theo ngày chẵn, lẻ. Tuy nhiên, một số đoạn tuyến vẫn còn xảy ra ùn tắc thì nên xem xét kết hợp thêm các giải pháp như, đề nghị các phường xã nghiên cứu, đặc biệt là 2 phường trung tâm là Thuận Hóa, Phú Xuân có liên quan trực tiếp đến các nút giao mà đại biểu nêu, quan tâm đến các giải pháp như, cấm rẽ trái vào giờ cao điểm; cấm đỗ cục bộ trên 1 số đoạn thường xảy ra ùn tắc; cấm đỗ xe vào các giờ cao điểm trong ngày (giờ nào thường ùn tắc thì cấm); hạn chế ô tô tải, ô tô khách, xe 3 bánh đi vào tuyến các tuyến này vào giờ cao điểm.
Ngoài ra, hiện nay các cơ quan chức năng đã ứng dụng khoa học công nghệ... như camera an ninh, camera xử phạt nguội, để xử lý nghiêm về những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao văn hóa giao thông, thượng tôn pháp luật nhằm góp phần tích cực trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông nói chung, ùn tắc giao thông nói riêng.
Về một số biển báo giao thông trên địa bàn, các biển báo bị che khuất, mất tầm nhìn,… Sở sẽ tiếp thu đề nghị các đơn vị quản lý đường, quản lý hạ tầng giải quyết, mong đại biểu, cử tri khi bắt gặp vấn đề thì phản ảnh trực tiếp đến đơn vị quản lý đường hoặc trực tiếp về Sở, hoặc qua Hue-S để các bên liên quan nắm vấn đề để sớm khắc phục, giải quyết triệt để các điểm bất cập.
09h31

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương
* Liên quan đến vấn đề giao thông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương đề nghị Sở Xây dựng hướng dẫn chính quyền địa phương rà soát lại cắm các biển xe đỗ ngày chẵn, lẻ thật hợp lý để tránh ách tắc và tạo điều kiện cho người dân đỗ xe; rà soát lại các vạch kẻ đường. Ở các ngã tư hiện chưa có biển tín hiệu đèn cần được đầu tư. Ngoài ra, cần thống nhất tín hiệu đèn cho phép rẽ phải ở các tuyến đường.
09h36
* Chủ tịch HĐND thành phố Lê Trường Lưu:
Hiện, thành phố đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một số trụ đèn tín hiệu và giải pháp kỹ thuật tại các nút giao thông nhằm giảm ách tắc. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng ùn tắc, cần có một cách tiếp cận bài bản và dài hạn.
Ngành xây dựng cần khẩn trương xây dựng một đề án tổng thể về chống ùn tắc giao thông, xem đây là một đề tài khoa học cấp thành phố. Việc này phải làm sớm, làm nghiêm túc để có hệ thống giải pháp đồng bộ. Huế là thành phố du lịch, cần phải đảm bảo giao thông thông suốt, văn minh, không thể để ùn tắc kéo dài trở thành hình ảnh thiếu thiện cảm với du khách.

Chủ tịch HĐND thành phố Lê Trường Lưu
Ý thức người tham gia giao thông đóng vai trò quan trọng, song không thể trông chờ vào sự thay đổi hành vi nếu thiếu những công cụ điều phối hiệu quả và hạ tầng phù hợp.
Liên quan đến phương tiện công cộng, ông Lưu đề xuất cần sớm áp dụng hệ thống xe buýt kết nối các khu đô thị, khu du lịch và trung tâm thành phố nhằm hạn chế lượng phương tiện cá nhân lưu thông trên các trục chính. Về lâu dài, cần tính toán đến hệ thống đường sắt nội đô hoặc tàu điện ngầm - dù là định hướng dài hạn nhưng phải được đưa vào chiến lược quy hoạch ngay từ bây giờ.
09h38
* Liên quan đến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đang diễn biến phức tạp, đại biểu Phạm Thị Ái Nhi đề nghị Giám đốc Sở Công Thương cho biết thành phố đã có những giải pháp gì để quản lý tình trạng trên.

Đại biểu Phạm Thị Ái Nhi nêu câu hỏi chất vấn
09h45
* Giám đốc Sở Công thương Đặng Hữu Phúc trả lời chất vấn:
Thời gian qua, tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng trên địa bàn cả nước, cũng như TP. Huế nói chung ngày càng phổ biến; nhất là vào các thời điểm lễ, tết khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao.
Nổi cộm lên là tình hình buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp, phạm vi rộng, quy mô lớn, nhiều vụ việc liên tiếp được phát hiện tại một số tỉnh, thành phố lớn đã gây ra nhiều dư luận bức xúc và ảnh hưởng lòng tin của Nhân dân, cũng như ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh. Đặc biệt, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử hiện nay, một mặt tạo rất nhiều thuận lợi, tiện ích cho việc mua bán, phát triển thị trường, lưu chuyển hàng hóa, mặt khác cũng kéo theo tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặt ra không ít khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Giám đốc Sở Công thương Đặng Hữu Phúc trả lời chất vấn
Trước tình hình đó, trên cơ sở các chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Sở Công thương trong bối cảnh vừa tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường TP. Huế từ Bộ Công thương và với vai trò là cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành xây dựng kế hoạch, chương trình công tác để triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, tập trung làm tốt công tác quản lý địa bàn, giám sát thị trường, triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung kiểm tra theo chuyên đề, những vấn đề trọng tâm có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển lành mạnh của thị trường. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực trong hoạt động thương mại đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế sai phạm của các đối tượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bình ổn thị trường và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong tháng cao điểm thực hiện các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố thành lập Tổ công tác do đồng chí Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng; đồng thời đã tham mưu UBND thành phố thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và chia thành 3 tổ để tiến hành kiểm tra và rà soát tình trạng kinh doanh, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo chất lượng trên địa bàn thành phố.
Nhìn chung, công tác kiểm tra, xử lý hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng giả, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng trên địa bàn đã đạt được một số kết quả bước đầu, góp phần duy trì sự ổn định thị trường trên địa bàn thành phố. Qua công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 550 vụ vi phạm; đã xử lý vi phạm hành chính 504 vụ với số tiền xử phạt 10.681,845 triệu đồng; truy thu thuế với số tiền 13.601,54 triệu đồng, bán thanh lý hàng tịch thu với số tiền 552,16 triệu đồng, giá trị hàng tịch thu chờ xử lý và tiêu hủy là 2.531,198 triệu đồng; xử lý hình sự 9 vụ với 13 bị can.
Trong đó, trong thời gian thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và các chỉ đạo liên quan khác Thủ tướng Chính phủ (tính từ 15/5/2025 đến nay), các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố. Kết quả, đã phát hiện 57 vụ vi phạm và đã xử lý 58 vụ vi phạm hành chính, xử phạt với số tiền 854,3 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu buộc tiêu hủy 137,42 triệu đồng, trị giá tang vật tịch thu chưa thanh lý 432,07 triệu đồng; đã khởi tố 3 vụ án hình sự/3 bị can.
Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, công tác chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nổi lên đó là, hệ thống các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại còn bất cập, chồng chéo nên khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh và xử lý vi phạm.
Hoạt động của các đối tượng buôn bán hàng giả diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi khác nhau và luôn có phương án để đối phó với các lực lượng chức năng như lợi dụng bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển và kinh doanh hàng giả, vận chuyển hàng giả qua đường hàng không dưới hình thức hàng xách tay, hành lý ký gửi vận chuyển nhận sau; tổ chức hoạt động vào các giờ, ngày nghỉ, các dịp lễ, tết; xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng xe mô tô, xe khách, xe có tải trọng nhẹ từ biên giới đưa vào nội địa tiêu thụ. Đáng chú ý là tình trạng kinh doanh qua hệ thống thương mại điện tử, trên nền tảng số khá phổ biến, nhiều đối tượng đã lợi dụng các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... làm diễn đàn buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng nhà ở để làm nơi cất giấu và giao nhận hàng hóa gây khó khăn cho công tác kiểm tra xử lý của lực lượng chức năng...
Để nâng cao hiệu quả công tác, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ kết hợp với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục nghiêm túc quán triệt và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Tiếp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác quản lý thị trường.
Chỉ đạo triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm, kiểm tra trên địa bàn, trên khâu lưu thông và trên môi trường thương mại điện tử đối với các hành vi vận chuyển, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Chú trọng thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ nhằm nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật.
Chỉ đạo tiếp tục đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025; Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 24/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ) và các chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, BCĐ 389 quốc gia và BCĐ 389 thành phố.
Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường để sà roát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;
Tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ mục tiêu chung trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, lựa chọn các giải pháp chống hàng giả tiên tiến nhất trong việc ứng dụng chuyển đổi số;
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, khuyến cáo, ký cam kết bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng cho các đối tượng và người tiêu dùng để mang lại hiệu quả giúp người tiêu dùng nhận biết, không tiếp tay cho các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu… nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thương mại văn minh, có tính cạnh tranh, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng...
Mặc dù cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian qua chỉ là bước khởi đầu và để thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, từ khâu nghiêm túc quán triệt lãnh đạo, chỉ đạo đến triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó cần phải thực hiện phương châm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “phải làm thường xuyên, toàn diện, liên tục, không ngừng nghỉ” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
10h10

Đại biểu Hoàng Trọng Bửu
* Đại biểu Hoàng Trọng Bửu chất vấn: Trước tình trạng gia tăng ca mắc liên cầu lợn hiện nay trên địa bàn thành phố Huế khiến người dân rất lo lắng, đề nghị UBND thành phố cho biết các giải pháp ứng phó hiện nay để kịp thời khống chế dịch bệnh nguy hiểm này?
10h11
* Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, theo thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến sáng 16/7/2025, trên địa bàn thành phố phát hiện 38 trường hợp mắc liên cầu lợn, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Trước tình hình bệnh liên cầu lợn gia tăng trong thời gian gần đây, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 9145/UBND-NN ngày 11/7/2025 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn; Sở Y tế cũng đã có 2 Công văn số 2985/SYT-NVY ngày 8/7/2025 về việc phối hợp triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh liên cầu lợn và Công văn số 2986/SYT-NVY ngày 8/7/2025 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh liên cầu lợn. Trong đó, đã đề ra và triển khai các biện pháp để kiểm soát bệnh liên cầu lợn trọng tâm như sau: Tăng cường công tác giám sát bằng nhiều hình thức như giám sát tại cơ sở y tế, giám sát tại cộng đồng, giám sát dựa vào sự kiện… để phát hiện sớm ca nghi nhiễm liên cầu lợn.

Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo
Tổ chức điều tra dịch tễ, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định ngay khi phát hiện ca bệnh.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường khu vực xung qua nhà ca bệnh, đặc biệt là khu vực chăn nuôi lợn và gia súc, đảm bảo vệ sinh khu vực giết, mổ, buôn bán lợn đặc biệt là các chợ đầu mối, chợ khu vực, các cơ sở giết mổ lợn tập trung. Tổ chức việc phun định kỳ dung dịch cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử trùng tiêu độc khác.
Phối hợp với cơ quan thú y để tiêu hủy lợn nghi bệnh tại các lò mổ, khu vực chăn nuôi lợn.
Đẩy mạnh truyền thông qua các kênh thông tin đại chứng để nâng cao nhận thức của người dân về nguyên nhân, đường lây truyền, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa bệnh liên cầu lợn, trong đó tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, bán thịt lợn tươi, sống và những người nội trợ trực tiếp chế biến sản phẩm tươi, sống từ lợn ...
Khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn hoặc thịt lợn chưa nấu chín kỹ; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh hoặc lợn chết bất thường; sử dụng thịt lợn rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng găng tay, khẩu trang và rửa tay kỹ bằng xà phòng khi chế biến thực phẩm; khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời…
Thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp số 1352/QC-SYT-SNNPTNT ngày 7/5/2024 giữa Sở Y tế - Sở Nông nghiệp và Môi trường về thực hiện phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn thành phố giai đoạn 2024-2025.

Cán bộ y tế thăm khám cho một bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn
Tăng cường kiểm tra tình hình chăn nuôi và dịch bệnh tại các địa phương có ca nhiễm, đảm bảo không có lợn bệnh hoặc lợn chết trong khu vực.
Tăng cường kiểm tra tại các lò mổ, kiểm soát nguồn lợn nhập từ các địa phương khác để ngăn ngừa lợn bệnh, đặc biệt liên quan đến các bệnh như lợn tai xanh…
Phát hiện và xử lý các trường hợp giết mổ lợn ngoài giờ quy định hoặc lợn có dấu hiệu bệnh (như chấm đỏ ở chân và đầu).
Tổ chức tiêu hủy lợn ốm hoặc chết, phun hóa chất sát khuẩn, khử khuẩn chuồng trại và môi trường chăn nuôi khi có lợn ốm, chết.
Tổ chức thu dung và điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế theo phác đồ của Bộ Y tế, đặc biệt tại Bệnh viện Trung ương Huế và các trung tâm y tế.
Tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở về kiểm soát và điều trị bệnh liên cầu lợn, cập nhật kiến thức chuyên môn để khoanh vùng và xử lý ca bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng...
10h26
* Liên quan đến công tác phòng chống thuốc giả và hàng giả trong lĩnh vực y tế, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo cho biết, hàng năm ngành đều triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát theo chương trình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cụ thể, ngành đã lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật đối với những mặt hàng như sữa, bánh kẹo, thực phẩm nhập khẩu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, kiểm tra thường xuyên các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn; tiến hành lấy mẫu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để kiểm nghiệm, giám định khi cần thiết.
“Ngay khi phát hiện thuốc giả, Sở Y tế lập tức truyền thông cảnh báo để ngăn ngừa việc người dân sử dụng nhầm, gây nguy hiểm đến sức khỏe”, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng thông tin, đến nay chưa phát hiện vụ việc cụ thể liên quan đến thuốc giả, chủ yếu là các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.
Song song với kiểm tra, Sở Y tế phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là các vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
Ngoài ra, Sở cũng phối hợp điều tra các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực y tế và kiến nghị tăng mức xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả, đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế liên thông xử phạt giữa các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu lực thực thi.
“Cần sớm thành lập bộ phận chuyên trách về phòng chống hàng giả trong lĩnh vực y tế để nâng cao tính chuyên sâu, chuyên nghiệp trong công tác quản lý và xử lý vi phạm”, Giám đốc Sở Y tế kiến nghị.
10h31
* Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức: Hiện dịch bệnh trên đàn lợn đang được kiểm soát tốt. Ngành nông nghiệp đã triển khai hiệu quả các biện pháp tiêm phòng, tiêu độc khử trùng và hướng dẫn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Mặc dù vẫn ghi nhận một số ổ dịch tả lợn, dịch tai xanh nhỏ lẻ, nhưng đều được phát hiện kịp thời, tổ chức tiêu hủy và khống chế triệt để, không để lây lan diện rộng.
Liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn lợn ở người, trước một số trường hợp mắc bệnh gần đây, ngành thú y đã nhanh chóng vào cuộc điều tra dịch tễ. Kết quả lấy mẫu tại khu vực sinh sống của các bệnh nhân cho thấy: Không phát hiện lợn mang mầm bệnh, thậm chí nhiều gia đình không chăn nuôi lợn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Đình Đức
Từ thực tế này, có thể khẳng định nguồn lây không đến từ đàn lợn đang được quản lý trên địa bàn. Người dân có thể yên tâm sử dụng thịt lợn đã qua kiểm tra thú y”, ông Đức nhấn mạnh. Tuy nhiên, cũng lưu ý: Cần tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, chế biến thịt kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn, phòng ngừa các nguy cơ lây nhiễm.
10h32

Đại biểu Trần Đức Minh
* Đối với lĩnh vực pháp chế, đại biểu Trần Đức Minh nêu câu hỏi:Thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, hiện nay, bộ máy chính quyền cấp xã đi vào hoạt động được 15 ngày. Đề nghị UBND thành phố cho biết bước đầu đi vào hoạt động của bộ máy chính quyền cấp xã có những khó khăn gì không; giải pháp như thế nào để vận hành trong thời gian tới?
10h33
* Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn:
Sau 15 ngày đi vào hoạt động, hệ thống chính quyền ở cấp xã bước đầu cơ bản vận hành thông suốt, đảm bảo phục vụ tốt đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp.
Một số kết quả nổi bật như, đã hoàn thành việc công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC).

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn
Đến nay, UBND thành phố đã công bố, công khai 2.320 TTHC, trong đó có 1.884 TTHC của cấp sở, ngành và 436 TTHC của cấp xã; đã kịp thời ban hành các quyết định phê duyệt 100% quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và UBND cấp xã.
Đã công khai địa chỉ trụ sở các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã: Công bố công khai địa chỉ trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã, phường trên các phương tiện truyền thông; xây dựng, thiết kế Infographic thông báo địa chỉ trụ sở Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã trên địa bàn thành phố; các quy định mới về thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ phận Một cửa và Cổng Dịch vụ công (DVC) Quốc gia. Thông báo 166 điểm đại lý dịch vụ công tại các xã, phường trên địa bàn thành phố. Đăng tải trên các nền tảng số và kênh truyền thông IOC vận hành. Công bố đường dây nóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo tổng đài 19001075 của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh. Công khai đường dây nóng Dịch vụ công cơ quan Đảng thông qua Trung tâm giám sát đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng ở tổng đài 18008000 để hỗ trợ xã, phường gặp khó khăn trong việc triển khai Nghị quyết 57.
Về hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh và Cổng DVC Quốc gia đã tích hợp, kết nối hoàn thành Cổng DVC Quốc gia; hiện tại, đã cung cấp 2.015 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia; trong đó cung cấp 1.450 DVC trực tuyến một phần và 565 DVC trực tuyến toàn trình; đồng thời tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, triển khai thử nghiệm trên Cổng DVC Quốc gia mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và triển khai Cổng DVC Quốc gia trở thành điểm “một cửa số” tập trung. Đã kịp thời tham mưu ban hành các quyết định phê duyệt 100% quy trình nội bộ, quy trình điện tử đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và UBND cấp xã. Hoàn thành việc chỉnh sửa, kết nối hệ thống với các Cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành do bộ, ngành quản lý phù hợp với sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp. Đã hoàn thành việc kết nối, đồng bộ, khai thác các Kho dữ liệu điện tử tập trung của thành phố giúp tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC. 100% các hệ thống, nền tảng quan trọng phục vụ chỉ đạo điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp đảm bảo thông suốt, hiệu quả.
Về tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thì UBND thành phố đã ban hành công văn hướng dẫn về việc triển khai bàn giao hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đã thiết lập Hội nghị trực tuyến giữa UBND thành phố và các sở, ban, ngành đến 40 Trung tâm phục vụ hành chính công các xã, phường nhằm hướng dẫn, giải đáp trực tiếp những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai vận hành.
UBND thành phố đã ban hành các văn bản để chỉ đạo việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC. Ngoài ra, Văn phòng UBND thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Môi trường... đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cán bộ, công chức, viên chức cấp xã về nghiệp vụ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả và việc sử dụng các phần mềm chuyên ngành.
Thành ủy, UBND thành phố đã tổ chức 6 Đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn 40/40 Trung tâm Phục vụ hành chính công xã phường để nắm thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn vận hành mô hình chính quyền 2 cấp thông suốt, đồng bộ để phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Về kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ ngày 1/7/2025 đến 15/7/2025:
Đối với cấp thành phố: Tổng số hồ sơ được tiếp nhận là 3.716, trong đó số lượng hồ sơ nhận trực tuyến là 2767; tỷ lệ xử lý đúng và trước hạn là 726 (chiếm tỷ lệ 19,53%), quá hạn 34 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 0,91%).
Đối với cấp xã: Tổng số hồ sơ được tiếp nhận là 16.830, trong đó số lượng hồ sơ nhận trực tuyến là 12.592; tỷ lệ xử lý đúng và trước hạn là 6.072 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 36,07%), quá hạn 360 hồ sơ (chiếm tỉ lệ 2,14%).
Tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã, phường đều được bố trí nhân viên Bưu điện hỗ trợ, thực hiện tiếp nhận hồ sơ phia địa giới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC.
Các sở, ban, ngành thành phố và phòng ban chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã đã cử đầy đủ cán bộ ra làm việc tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã để đảm hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp nhận và xử lý tất cả các thủ tục hành chính thuộc thầm quyền giải quyết.
Về trang thiết bị, cơ sở vật chất về cơ bản đáp ứng được các nhu cầu công việc hiện tại. Trong quá trình vận hành sẽ tiếp tục rà soát để bổ sung thêm đảm bảo trong công tác thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức trên địa bàn.

Người dân thực hiện thủ tục hành chính ở Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Hương Thủy
Chuyên mục “Hỏi cơ quan Nhà nước” trên ứng dụng Hue-S đã tiếp nhận 9 yêu cầu từ công dân, tổ chức về thực hiện thủ tục hành chính và đã chuyển đến cơ quan liên quan để trả lời.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở cấp xã:
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục công tác tại thành phố: 26.624 người; trong đó, khối đảng, đoàn thể 394 người (cấp thành phố) và khối chính quyền 26.230 người (bao gồm cấp xã).
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức chuyển về công tác tại hệ thống chính trị cấp xã: 17.801 người; trong đó, khối đảng, đoàn thể có 385 người và khối chính quyền có 17.416 người.
Số lượng cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định nghỉ hưu, nghỉ trước tuổi hoặc xin nghỉ công tác: 884 người; trong đó, khối đảng, đoàn thể có 139 người và khối chính quyền có 745 người.
Không có việc thành lập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Về xử lý trụ sở, tài sản công: Số lượng trụ sở công hiện có: 2.976 trụ sở; số lượng trụ sở công tiếp tục sử dụng: 2.844 trụ sở; số lượng trụ sở công dôi dư: 132 trụ sở.
Chính quyền địa phương 2 cấp là mô hình mới nên bước đầu có những khó khăn, vướng mắc.
Điển hình như, Huế là địa bàn rộng, dân số đông nên việc đi lại của người dân đến giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã còn gặp khó khăn, quãng đường và thời gian di chuyển nhiều hơn so với trước đây khi đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp xã (133 điểm). Một bộ phận người dân và doanh nghiệp vẫn còn tâm lý bỡ ngỡ, chưa thích nghi với tên gọi, địa bàn mới và phương thức tổ chức hành chính mới khi thực hiện các thủ tục có liên quan.
Các phòng, ban, trung tâm của chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động nên tổ chức bộ máy, nhân sự còn lúng túng; việc sáp nhập dẫn đến thay đổi địa giới hành chính, trụ sở làm việc, cơ cấu tổ chức, chức danh lãnh đạo nên một số địa phương chưa kịp thích ứng;
Bên cạnh đó, với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, khối lượng công việc của cấp xã hiện tại lớn hơn rất nhiều so với cấp xã cũ; một số công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí công tác mới nên chưa thực sự nắm bắt, làm quen với công việc, dẫn đến phối hợp giải quyết công việc chưa nhịp nhàng, thông suốt theo yêu cầu.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân trên địa bàn thành phố nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về mô hình chính quyền 2 cấp mới và có những thông tin, kiến thức cần thiết để hòa nhập và thực hiện tốt với mô hình chính quyền 2 cấp mới.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức; bố trí, phân công nhiệm vụ, thực hiện luân chuyển, điều động phù hợp, trên cơ sở đánh giá đúng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn của từng cá nhân; đảm bảo ổn định tổ chức bộ máy và nhân sự, phát huy tối đa năng lực, sở trường và nâng cao trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao...
10h46
* Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND thành phố Lê Trường Lưu khẳng định: Phiên chất vấn đã tập trung vào nhiều vấn đề thiết thực, được cử tri và Nhân dân quan tâm. Các lãnh đạo sở, ngành đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, trả lời thẳng thắn, nêu rõ thực trạng và giải pháp. Tuy nhiên, nhiều giải pháp cần thêm thời gian kiểm chứng hiệu quả trên thực tế, do đó cần tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện trong thời gian tới.