Sau khi Chủ tịch TP Cần Thơ 'treo thưởng', sáng kiến chống ngập liên tiếp gửi về
Nhà khoa học cho rằng giải quyết vấn đề ngập úng không thể chỉ dừng lại ở phạm vi của TP Cần Thơ mà cần có cách tiếp cận toàn diện trên quy mô đồng bằng.
Ngày 17-7, thông tin từ Sở Xây dựng TP Cần Thơ, sau khi Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Lâu tuyên bố treo thưởng 50 triệu đồng cho sáng kiến chống ngập hiệu quả thì đến nay có nhiều ý tưởng gửi đến thành phố.
Đề xuất về hố thu, cống sâu và bơm điện thông minh
Trong đó, ông P.T.Đ (ngụ phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau) đề xuất rà soát lại cống các tuyến đường chính thông ra sông rạch (chú ý kể cả không ngập). Đoạn thoát ra sông xây hố thu tối thiểu 100 m3. Nếu có thể thì mở cống hộp 1 đoạn dài 100 m (tất cả đáy hố thu và đáy cống hộp sâu hơn cống hiện trạng tối thiểu 1 m).


Nhiều tuyến đường trong trung tâm Cần Thơ ngập nặng khi mưa lớn
Nếu diện tích và vị trí không thuận lợi thì cách đơn giản là có thể xây hố thu lấn ra ngoài sông. Đặt trạm bơm điện bơm thoát nước (điện 1 pha hoặc 3 pha đều được), tổ máy bơm có thể áp dụng công nghệ tự động qua app điều khiển từ xa, giảm chi phí trực điều hành.
Đồng thời, định vị các hố ga cũ góc giao nhau ngã ba, ngã tư (các đường nhỏ nhánh thoát nước ra cống đường chính).
Ông Đ. đề xuất xây mới các hố ga sâu hơn và rộng hơn, đặc biệt phải thông thoáng nhằm tạo ôxy thông thoáng cống để thoát nước nhanh.
Ý tưởng hố ga bơm nước tự động tại điểm ngập nặng
Ngoài ra, một người dân ở Khu Dân cư Hưng Phú (phường Hưng Phú, TP Cần Thơ) đề xuất ý tưởng có thể đào một hố ga (rộng khoảng 1 m2, tùy theo lượng nước ngập trên đường) tại vị trí đường ngập sâu nhất, phía trên trải vỉ chịu tải để phương tiện giao thông qua lại.
Trong hố ga đặt máy bơm chìm (công suất phù hợp với lượng nước cần rút trong khu vực ngập), có gắn cảm biến tự động mở khi ngập, hụt nước sẽ tắt.

Dự án nâng cấp, cải tạo đường Trần Văn Hoài, phường Ninh Kiều, TP Cần Thơ đang thực hiện, trong đó có hạng mục cải tạo hệ thống thoát nước
Và cuối cùng là lắp đặt thêm ống nhựa PVC dẫn nước đến khu vực thoát nước (ao, hồ, kênh, rạch,...). Ống nhựa này cần đặt dưới lớp gạch vỉa hè nhằm giữ được thẩm mỹ đô thị.
Phương pháp cưỡng bức bơm nước ra ngoài nói trên tốn rất ít chi phí (khoảng vài chục triệu/hố ga và bộ bơm thoát nước), dễ dàng thực hiện. Người hiến kế cho rằng có thể triển khai làm thí điểm ở một đoạn đường ngập cụ thể do mưa lớn kéo dài. Nếu thấy hiệu quả mới nhân rộng.

Công trình âu thuyền Cái Khế (thuộc Dự án 3) với mục tiêu chống ngập cho vùng lõi thành phố đã đưa vào sử dụng
Sở Xây dựng TP Cần Thơ cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến, đề xuất chống ngập nêu trên, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đi khảo sát thực tế các tuyến đường, điểm hay ngập... để nghiên cứu các phương án, đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét.
Chống ngập quy mô vùng
Theo thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, nguyên Chánh Văn phòng Phòng Công tác biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, thành phố ngày càng dễ ngập là do đất lún trong khi nước biển dâng và mưa nhiều.
Công trình chống ngập ở Cần Thơ sử dụng số liệu đo đạc cũ, lại mời chuyên gia nơi khác đến nên không thấy được sự thay đổi thông số về khí tượng thủy văn. Những tính toán dựa vào các thông số không đúng nên công trình chống ngập không hiệu quả.
Về giải pháp chống ngập, ông Vinh nhấn mạnh cần tìm cách hạn chế tình trạng sụt lún đất. Trước khi triển khai các công trình, Cần Thơ phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo sát thực địa, đánh giá lại toàn diện hiện trạng thay vì sử dụng các số liệu cũ không còn phù hợp.
Trong khi đó, PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), cho rằng về nguyên tắc chống ngập chỗ này thì chỗ khác sẽ ngập. Nếu đóng cống ngăn triều lại thì vùng lõi của trung tâm thành phố không ngập mà gây ngập nhiều hơn ở những nơi khác.
"Giải quyết vấn đề này mà lòi ra vấn đề khác, như vậy càng tệ hại hơn. Xử lý câu chuyện ngập úng phải làm trên quy mô toàn đồng bằng, nếu chỉ làm cho Cần Thơ thôi thì không hiệu quả" – PGS-TS Lê Anh Tuấn phân tích.