Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021): Đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Kỳ họp thứ 19 (tổng kết nhiệm kỳ) HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) diễn ra trong 1 ngày đã tập trung đánh giá toàn diện những kết quả đạt được; chỉ ra những hạn chế còn tồn tại và phân tích làm rõ các vấn đề cần tiếp tục quan tâm đổi mới trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ cũng như ở nhiệm kỳ 2021-2026.
Những kết quả quan trọng
Theo đánh giá tại kỳ họp thứ 19, trong nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới, sáng tạo, phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Trước đó, HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 18 kỳ họp (gồm 10 kỳ họp thường lệ, 8 kỳ họp chuyên đề).
Các kỳ họp được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Hội đồng nhân dân tỉnh đã xem xét, thông qua 456 nghị quyết trên các lĩnh vực. Đa số nghị quyết đã phát huy hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển, quốc phòng-an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.
So với Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra, tỉnh đã có 15/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, kinh tế-xã hội của tỉnh trong các năm liên tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm giai đoạn 2016-2020 đạt 7,55%; quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 1,63 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,48%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân 13,95%/năm, đến cuối năm 2020 gấp 1,92 lần so với năm 2015; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; an sinh xã hội được đảm bảo.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nêu rõ: Trong nhiệm kỳ 2016-2021, dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; đặc biệt là đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 và xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội, sản xuất kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, kế thừa những thành quả và kinh nghiệm trong quản lý, chỉ đạo điều hành từ các nhiệm kỳ trước, bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực. Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, vừa phòng-chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Công tác giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,71% năm 2015 còn 5,38% vào cuối năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 40,1% năm 2015 còn 8,62% vào cuối năm 2020 (bình quân giảm 6,25%/năm).
Kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ 2016-2021 của ngành Tòa án nhân dân tỉnh đã được HĐND tỉnh đánh giá cao. Tòa án nhân dân tỉnh đã duy trì và thực hiện tốt mọi hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải quyết án theo thủ tục tố tụng hình sự, thủ tục tố tụng dân sự và thủ tục tố tụng hành chính đều đạt và vượt so với chỉ tiêu ngành đề ra; án hình sự được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan sai...
Chánh án Toàn án nhân dân tỉnh Phạm Duy Lam khẳng định: “Với với nỗ lực rất lớn của ngành, Tòa án nhân dân tỉnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tỷ lệ đạt chung giải quyết các loại án là trên 97%. Các vụ án trọng điểm, án được dư luận xã hội quan tâm đều được nghiên cứu kỹ, đưa ra xét xử, đáp ứng kịp thời yêu cầu chính trị tại địa phương. Các Tòa án đã lựa chọn, tổ chức xét xử lưu động một số vụ án điểm, qua đó góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật tại địa phương”.
Cùng với đó, nhiệm kỳ 2016-2021, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực, chủ động phát hiện nhiều sơ hở, thiếu sót, vi phạm trong hoạt động tư pháp cũng như trong lĩnh vực quản lý nhà nước về trật tự xã hội. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, truy tố các vụ án hình sự đều đạt và vượt chỉ tiêu ngành đề ra. Công tác tiếp công dân; giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm, giải quyết kịp thời.
Hoạt động giám sát theo hướng thiết thực, hiệu quả
Để có được kết quả trên, ngoài sự đóng góp tích cực và hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp, các ngành còn có một phần đóng góp quan trọng của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh. Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn cho rằng: “Với những kết quả đạt được, chúng ta có thể khẳng định rằng hoạt động của HĐND tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới. Hội đồng nhân dân tỉnh đã đề cao tinh thần trách nhiệm và trí tuệ tập thể quyết định nhiều vấn đề quan trọng hợp lòng dân, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh nhà. Các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành đã kịp thời cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, khơi dậy các tiềm năng của tỉnh, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng ghi nhận hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực, các ban HĐND tỉnh ngày càng hiệu quả, đi vào chiều sâu; nhiều kiến nghị sát, đúng, có tính thực thi cao đã giúp UBND tỉnh và các địa phương kịp thời phát hiện thiếu sót, chấn chỉnh trong hoạt động điều hành.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã tổ chức 105 đoàn giám sát, khảo sát trên các lĩnh vực. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm. Nhiều kiến nghị được “đeo bám”, yêu cầu các cơ quan quản lý cũng như các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện.
Song bên cạnh những kết quả đạt được, HĐND tỉnh cũng còn những hạn chế, tồn tại như: hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh còn lúng túng về phương pháp, nội dung, số lượng các cuộc giám sát còn ít; công tác giám sát thực hiện lời hứa sau chất vấn chưa được kiểm tra, đôn đốc; việc giám sát thực hiện kiến nghị sau giám sát có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt…
Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, tại kỳ họp, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đinh Ly An đã đề xuất một số giải pháp về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát chuyên đề. Theo đó, giám sát chuyên đề là một trong những hoạt động của các ban HĐND tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài giám sát thường xuyên, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành 8 cuộc giám sát chuyên đề tập trung vào một số lĩnh vực.
Để giám sát chuyên đề đạt chất lượng, hiệu quả, theo đại biểu Đinh Ly An, các ban phải lựa chọn nội dung giám sát đảm bảo phù hợp với thực tiễn lĩnh vực phụ trách; thực hiện hoạt động giám sát đảm bảo thống nhất, không chồng chéo về thời gian, địa bàn, đối tượng giám sát. Quy trình và cách thức giám sát thường xuyên được đổi mới, nâng cao chất lượng. Đề cương giám sát được xây dựng chi tiết, tạo điều kiện cho cơ quan chịu sự giám sát chuẩn bị báo cáo đúng nội dung, yêu cầu. Cách thức tiến hành các hoạt động giám sát đảm bảo tính khách quan, chính xác, đồng bộ giữa kiểm tra hồ sơ, xem xét nội dung báo cáo và tình hình thực tế của địa phương…
Bàn về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu Rah Lan H’Chiểu-Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chư Prông-nêu rõ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Chư Prông đã tổ chức 5 đợt giám sát và đã gửi 18 kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền giải quyết; đến nay, các cấp, các ngành đã xem xét và giải quyết xong 18 kiến nghị (đạt 100%). Hoạt động giám sát của tổ đã được chú trọng, thực hiện ngày càng hiệu quả; chất lượng giám sát của tổ đại biểu ngày càng được nâng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
“Nhận thấy việc đổi mới nhận thức về vai trò giám sát của đại biểu HĐND có ý nghĩa hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của tổ đại biểu HĐND, vì vậy, tổ đại biểu HĐND tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ để kịp thời nắm bắt các thông tin ở cơ sở. Mỗi đại biểu HĐND cần tự xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động trong năm. Chủ động khắc phục khó khăn trong hoạt động kiêm nhiệm, dành thời gian phù hợp để tham gia hoạt động của tổ, nhất là trong nhiệm vụ giám sát; mặt khác cần tự học, tự rèn, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”-đại biểu Rah Lan H’Chiểu nêu giải pháp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Châu Ngọc Tuấn khẳng định: Kết thúc nhiệm kỳ 2016-2021, mặc dù còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, song HĐND tỉnh khóa XI đã không ngừng đổi mới, triển khai thực hiện hoàn thành khối lượng công việc lớn, với nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đã khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương; có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.
Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau kỳ họp này, HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện một số công việc như: tích cực thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác của cơ quan, đơn vị trong nhiệm kỳ 2021-2026; tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; chuẩn bị tốt cho kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ được khai mạc chậm nhất 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu HĐND. Trong thời gian chuyển giao nhiệm vụ giữa 2 nhiệm kỳ, đại biểu HĐND tỉnh trên cương vị công tác cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm và tích cực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao…
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Nghị quyết về công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 31 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016-2021.