Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn
Sáng nay (20/9), tại tỉnh Yên Bái, với chủ đề 'Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND cấp tỉnh', Ban Công tác đại biểu của UBTV Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ 7, nhiệm kỳ 2016-2021.
Dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy; các đại biểu Thường trực HĐND các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc và Thường trực HĐND tỉnh Ninh Thuận. Với vai trò khách mời, đoàn cán bộ Thường trực HĐND TP Hà Nội do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn đã tham dự hội nghị để chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động HĐND thời gian qua.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, giám sát việc tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri của đại biểu HĐND tỉnh; Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu HĐND tỉnh; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động thảo luận, chất vấn, giải trình tại kỳ họp và phiên họp Thường trực HĐND…
Tham luận về kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, đây là hình thức giám sát trực tiếp, hết sức quan trọng, được cử tri, nhân dân, các cơ quan, đơn vị quan tâm, chú trọng và thể hiện rõ nét nhất về vai trò, vị thế của HĐND các cấp. Đối với thành phố Hà Nội thời gian qua, từ thực tiễn hoạt động chất vấn, HĐND TP rút ra được 6 kinh nghiệm nổi bật. Thứ nhất đó là không đọc báo cáo mà chỉ đạo các Ban khảo sát, phối hợp xây dựng phóng sự truyền hình đảm bảo tính trực quan, sinh động, cụ thể địa chỉ, rõ vướng mắc, rõ đơn vị chịu trách nhiệm.
Thứ hai, thành phần tham dự chất vấn và giải trình phải mở rộng, ngoài các đại biểu HĐND, lãnh đạo các cơ quan Thành phố, các sở ngành, Chủ tịch UBND các quận huyện còn mời Bí thư, Chủ tịch HĐND các quận, huyện, thị xã để thể hiện sự vào cuộc của cấp ủy, HĐND các địa phương; đặc biệt còn mời một số Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn liên quan trực tiếp đến phiên chất vấn, giải trình tham dự.
Thứ ba là hết sức quan tâm đến truyền thông, phát huy vai trò của báo chí, đa dạng các hình thức phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên chất vấn, giải trình để thu hút sự quan tâm, tham gia, giám sát của đông đảo cử tri, nhân dân.
Thứ tư là tranh thủ sự chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố. Thứ năm là sau chất vấn giải trình phải có kết luận, giao các Ban giám sát, cụ thể hóa các công việc. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện nay 85% nội dung kết luận các cuộc chất vấn giải trình của HĐND TP Hà Nội được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Thứ sáu là chất lượng đại biểu, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh đây là kinh nghiệm có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả của công tác chất vấn và cho biết, chất lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội được quan tâm từ đầu vào, có đủ bản lĩnh chính trị, đạo đức và chuyên môn, có quá trình đào tạo liên tục. Trong khi cả nước tỷ lệ đại biểu chuyên trách chỉ từ 6,5-12% thì đại biểu chuyên trách Hà Nội đạt tỷ lệ 17%. Điều này đồng nghĩa với việc đại biểu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn, không né tránh va chạm. Thường trực HĐND Thành phố cũng luôn khuyến khích các đại biểu tham gia phát biểu, thể hiện bản lĩnh, đặc biệt là đại biểu không chuyên trách. Theo số liệu bình quân cả nước chỉ có khoảng trên 10% đại biểu không chuyên trách phát biểu tại các cuộc chất vấn giải trình, thì Hà Nội hiện nay đã có gần 70% đại biểu không chuyên trách đăng đàn, điều này khẳng định sự tìm tòi, trăn trở, tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu HĐND TP Hà Nội.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng đã đề nghị với lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, các vị đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến vào "Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị" thực hiện theo chủ trương Kết luận 46 của Bộ Chính trị và dự kiến nội dung này sẽ được trình kỳ họp Quốc hội cuối năm nay. Việc thông qua đề án sẽ tạo điều kiện tiếp tục có những bước phát triển mới, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, và cũng là tinh thần Hà Nội với cả nước và cả nước với Hà Nội.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hoan nghênh các ý kiến đóng góp tâm huyết tại hội nghị và khẳng định, đây chính là cơ hội để HĐND cấp tỉnh có thêm kinh nghiệm, chia sẻ thực tiễn. Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các địa phương phải thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phương thức hoạt động, cách thức hoạt động của Hội đồng nhân dân từ khâu nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến xem xét, thẩm tra, giám sát, đánh giá đến đưa ra nghị quyết. Đồng chí cũng lưu ý các địa phương cần quan tâm đến công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của đại biểu dân cử. Tiếp tục duy trì việc tổ chức các Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân ở các khu vực để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đại biểu HĐND từ đó nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm cho đại biểu HĐND tỉnh.
Trước đó vào chiều 19/9, Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng Đoàn đại biểu Thường trực HĐND 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Nghĩa Lộ, bày tỏ quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của đân, do dân và vì dân. Đoàn đại biểu cũng đã tham quan triển lãm Ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đất và người Yên Bái” nhân dịp tỉnh Yên Bái tổ chức Tuần văn hóa, du lịch Mường Lò - khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2019.