Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét nhiều nội dung quan trọng
Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa họp Kỳ họp quý II.2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng Quản lý chủ trì. Tại kỳ họp, Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam đã bàn thảo và cho ý kiến đánh giá, thẩm định về các nội dung phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến hết tháng 4.2022; công tác đầu tư công giai đoạn trước và giai đoạn 2022 - 2024 của BHXH Việt Nam...
Hoàn thành những nhiệm vụ trọng tâm
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam, đối với lĩnh vực đầu tư quỹ, cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả sinh lời tốt, nghiên cứu thí điểm hình thức đấu thầu tiền gửi để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ.
Theo BHXH Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, Hội đồng Quản lý BHXH đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định; hoàn thành tốt chương trình công tác theo kế hoạch năm đã đề ra và các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thành viên Hội đồng Quản lý và có những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT kịp thời, hiệu quả.
Hội đồng Quản lý BHXH đã chỉ đạo xây dựng và thông qua Chiến lược phát triển của ngành BHXH Việt Nam; kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm; thực hiện chế độ BHXH, BHYT; triển khai Đề án bảo toàn và tăng trưởng các quỹ BHXH, BHYT; kiện toàn hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT hiệu quả; kịp thời tháo gỡ những khó khăn để bảo đảm quyền lợi của người dân, doanh nghiệp...
Việc thực hiện giám sát, kiểm tra trong năm 2022 của Hội đồng Quản lý cũng được triển khai đúng chương trình, kế hoạch và bảo đảm nội dung theo yêu cầu đề ra. Cùng với đó, Hội đồng Quản lý đã tổ chức thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại tỉnh Lạng Sơn và Nam Định; qua đó, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thực hiện thu, chi, quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, BHYT tại địa phương.
Đối với Đề án “Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đến nay, BHXH Việt Nam đã thực hiện các bước theo quy định, tổ chức các hội thảo lấy ý kiến; gửi văn bản xin ý kiến của 18 bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã cơ bản đồng ý với định hướng của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian tới. BHXH Việt Nam sẽ tiếp thu và giải trình để sớm hoàn thiện Đề án trình Chính phủ.
Tăng cường truyền thông phát triển người tham gia
Thảo luận tại Kỳ họp, các thành viên Hội đồng Quản lý cơ bản nhất trí với Báo cáo của Hội đồng Quản lý và BHXH Việt Nam; đồng thời, đánh giá cao những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Đáng chú ý, BHXH Việt Nam đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều kết quả tích cực như công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Công tác thu, phát triển đối tượng; công tác đầu tư quỹ bảo đảm an toàn, hiệu quả theo quy định...
Nhận định những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ, Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng cho rằng, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại địa phương. Bên cạnh đó, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó có sự chung tay của các bộ, ngành và các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định, để hoàn thành kế hoạch năm 2022, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT. Trong đó, tăng cường phối hợp với các hội, đoàn thể để phát triển các hệ thống đại lý, cộng tác viên; từ đó lồng ghép các nội dung truyền thông chính sách BHXH, BHYT đến người dân...
Đánh giá cao những giải pháp ngành BHXH Việt Nam đã và đang thực hiện, các đại biểu cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng người lao động nhận BHXH một lần gia tăng. Mặc dù từ tháng 5.2022, tình trạng này có chiều hướng giảm, nhưng vẫn là vấn đề cần được lưu ý. Do đó, các thành viên Hội đồng Quản lý đề nghị BHXH Việt Nam cần tiếp tục có những đánh giá tổng thể, chi tiết về vấn đề này, đưa ra các giải pháp, tuyên truyền, vận động người dân, người lao động tham gia BHXH, BHYT một cách bền vững.
Kết luận Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chủ tịch Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam yêu cầu, trong thời gian tới, toàn ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ giao cũng như kế hoạch do Hội đồng Quản lý xây dựng.
Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó, tiếp tục truyền thông đến đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp cổ phần, hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp; tiếp tục nghiên cứu những giải pháp hết sức cụ thể để tuyên truyền, vận động người lao động hạn chế hưởng BHXH một lần, bảo đảm quyền lợi an sinh lâu dài cho người tham gia…
Từ đầu năm đến nay, vượt qua nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT đạt kế hoạch đề ra. Toàn quốc đã có gần 17 triệu người tham gia BHXH, đạt khoảng 33,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 15,3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và gần 1,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Toàn quốc có gần 86 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ gần 87% dân số.