Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH Việt Nam kiểm tra, giám sát tại tỉnh

BHG - Sáng 24.5, tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn công tác của Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam do đồng chí Nguyễn Mạnh Tú, Trưởng ban Kiểm soát làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, giám sát tình hình triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện (BĐD) HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp tỉnh...

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Mạnh Tú phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Mạnh Tú phát biểu tại buổi làm việc.

Năm 2023, BĐD HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Hoạt động TDCSXH đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, QP-AN và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 4.533,1 tỷ đồng, tăng 227,9 tỷ đồng so với 31.12.2022. Tổng doanh số cho vay từ năm 2022 đến nay đạt trên 2.100 tỷ đồng với gần 42.300 lượt khách hàng được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD), cải thiện đời sống. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 42,08% (năm 2021) xuống còn 37,08% (năm 2022).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh nhấn mạnh: Tỉnh Hà Giang đã có nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động TDCSXH. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh còn cao nên nhu cầu vay vốn là rất lớn. Do đó, tỉnh Hà Giang đề xuất Ngân hàng CSXH Việt Nam xem xét, áp dụng chính sách đặc thù đối với những địa phương khó khăn như Hà Giang để nâng cao chất lượng hoạt động TDCSXH. Điều chỉnh nâng mức cho vay từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ đối với chương trình hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn; kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ SXKD của các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài. Cùng với đó, kéo dài thời gian thụ hưởng TDCSXH đối với hộ mới thoát nghèo lên tối đa 5 năm để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn TDCSXH phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững...

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao đổi tại buổi làm việc.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trao đổi tại buổi làm việc.

Qua ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu, kết luận buổi làm việc, Trưởng ban Kiểm soát Nguyễn Mạnh Tú đề nghị: BĐD HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền tỉnh thực hiện tốt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCSXH. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tại cơ sở; kịp thời nắm bắt những khó khăn, hạn chế còn tồn tại để đưa ra các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch giao năm 2023. Riêng Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xác nhận đối tượng được vay, đảm bảo sự công bằng, chính xác, đúng quy định, phát huy hiệu quả vốn TDCSXH trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng TDCSXH...

Tin, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202305/hoi-dong-quan-tri-ngan-hang-csxh-viet-nam-kiem-tra-giam-sat-tai-tinh-6fa635c/