Hội Đông y tỉnh An Giang: Đẩy mạnh hoạt động phòng khám nhân đạo và bảo tồn các cây dược liệu quý hiếm

Với nhận thức phát triển nền Y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng, Hội Đông y tỉnh An Giang luôn xem khoa học công nghệ, giữ gìn, phát huy các giống cây thuốc nam quý hiếm là một trong những động lực phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động phòng khám nhân đạo điển hình các xã, huyện

Ghi nhận tại xã Phú Hữu huyện An phú tỉnh An Giang, Trạm Y tế xã được nâng cấp, phòng khám nhờ vậy được xây dựng khang trang hơn. Tuy nhiên, kinh tế người dân chủ yếu dựa vào làm nông, chăn nuôi và mua bán nhỏ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn nên điều kiện khám, chữa bệnh bị hạn chế. Do vậy, phòng khám nhân đạo tại địa phương mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh, khám sức khỏe cho người dân.

Phòng khám nhân đạo tại địa phương mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh, khám sức khỏe cho người dân.Ảnh: Minh họa

Phòng khám nhân đạo tại địa phương mở ra nhiều cơ hội chữa bệnh, khám sức khỏe cho người dân.Ảnh: Minh họa

Năm 2022, phòng khám tiếp nhận 17.545 lượt bệnh nhân, riêng 6 tháng đầu năm 2023 là 23.180 lượt; cấp gần 400.000 thang thuốc trị giá gần 4,8 tỷ đồng. Để tạo nguồn thuốc thường xuyên, phòng khám mở rộng diện tích trồng dược liệu lên đến 9.000m2, xây dựng sân phơi, kho chứa dược liệu, tủ thuốc…với kinh phí là 280 triệu đồng.

Tại thị trấn Chợ Vàm huyện Phú Tân, tuy phòng khám nhân đạo y học cổ truyền mới vào hoạt động từ tháng 11/2022 nhưng đã là địa chỉ tin cậy của bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ khám, chữa bệnh miễn phí, bác sĩ, lương y còn động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ nhanh chóng phục hồi, trở về cuộc sống đời thường. Ông Nguyễn Thành Út - Trưởng ban điều hành phòng khám cho biết thêm: Sau khi khám bệnh chẩn đoán, người bệnh được điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu, như: Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, sử dụng dòng điện sinh học tác động huyệt vị, bó thuốc, kê toa thuốc đông - tây y trong điều trị. Mọi người phục vụ với tinh thần tự nguyện, không đòi hỏi thù lao trợ cấp.

Còn tạiHội Đông y huyện Chợ Mới, Hội Đông y tỉnh An Giang đã rà soát hồ sơ chi hội trực thuộc, kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhân sự theo yêu cầu thực tế từng địa phương; tổ chức hội nghị, hội thảo luân phiên tại hội đông y cơ sở, thảo luận chuyên đề, chia sẻ bài thuốc hay, cây thuốc quý, giúp nâng cao vai trò quản lý điều hành đối với Chủ tịch Hội Đông y xã, thị trấn.

Kế thừa, ứng dụng, khai thác các cây dược liệu từ thiên nhiên vào khám chữa bệnh cho người dân

An Giang là một tỉnh có diện tích đồi núi nhiều nhất so với các tỉnh còn lại khác của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây dược liệu phát triển. Từ lâu, An Giang đã khai thác cây dược liệu tự nhiên để phòng và trị bệnh cho người dân. Đặc biệt, cây dược liệu vùng Bảy Núi An Giang rất phong phú và đa dạng, nhiều công dụng chữa bệnh.

Từ lâu, người dân chủ yếu khai thác dược liệu từ tự nhiên để khám chữa bệnh. Với mức độ khai thác như hiện nay, trong tương lai, nhiều cây thuốc trong vùng sẽ bị tuyệt chủng.ThS.BS Trần Quang Thảo, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh An Giang cho biết: Công tác kế thừa, ứng dụng đông y, như: Thu thập được nhiều bài thuốc có giá trị, đẩy mạnh sưu tầm, nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu, tham gia hướng dẫn trồng và bảo tồn một số cây thuốc quý hiếm có giá trị kinh tế cao được thực hiện hiệu quả tại hầu hết Hội Đông y các huyện.

Tổ chức dạy nghề, truyền nghề y học cổ truyền tạo lực lượng kế thừa có tâm, có tầm và có tài. Ảnh minh họa

Tổ chức dạy nghề, truyền nghề y học cổ truyền tạo lực lượng kế thừa có tâm, có tầm và có tài. Ảnh minh họa

Điển hình là huyện Châu Thành đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển nền đông y và Hội Đông y tỉnh trong tình hình mới. Những năm qua, Hội Đông y huyện Châu Thành đã phát triển mạng lưới tổ chức hội cơ sở ngày càng vững mạnh, phát triển các chi hội khóm, ấp đạt 100% khóm, ấp trong huyện. Có 91 hội viên tham gia viết bài thuốc tâm đắc, tham gia các hội thảo khoa học, nghiên cứu ứng dụng, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về đông y và kết hợp giữa đông y với y học hiện đại do Hội Đông y tỉnh tổ chức…

Hội Đông y huyện Châu Thành còn khuyến khích hội viên tham gia chương trình đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn sâu của các trường, viện có uy tín để đáp ứng nhu cầu xã hội về khám, chữa bệnh bằng y, dược cổ truyền. Tổ chức dạy nghề, truyền nghề y học cổ truyền tạo lực lượng kế thừa có tâm, có tầm và có tài.

Hay như Hội Đông y xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, phong trào trồng và bảo tồn dược liệu được quan tâm phát triển. Hằng năm, các hội viên và người cao tuổi trên địa bàn trồng và bảo tồn khoảng 8.000 -10.000m2 cây thuốc Nam, góp phần nâng cao giá trị sử dụng của cây thuốc, vị thuốc trong chữa bệnh phục vụ nhân dân. Bản sắc văn hóa Đông y được phát huy trong quá trình phát triển nền đông y và Hội Đông y.

Hằng năm, Thường trực Hội Đông y tỉnh tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp chữa bệnh hay, bài thuốc quý ngày càng thu hút đông đảo chuyên gia, bác sĩ, lương y, thầy thuốc tham gia. Nhiều đề tài nghiên cứu về dược liệu đặc hữu An Giang được nghiệm thu và tổ chức chuyển giao, đã kích thích phong trào mở rộng diện tích trồng và sử dụng thuốc nam trên địa bàn; vùng bảo tồn cây dược liệu ở núi Cấm, núi Dài, rừng Tràm Sư được quan tâm chăm sóc và bảo vệ.

Đã có một số sản phẩm từ cây dược liệu như trà Kim Ngân Hoa, trà Xạ đen, viên Nghệ Mật Ong được xã hội quan tâm và tạo thêm điều kiện nâng thu nhập của dân cư. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và trình độ chuyên môn cho hội viên, làm nòng cốt khám bệnh chữa bệnh, xây dựng phòng chẩn trị đông y và Hội Đông y cơ sở tiên tiến vững mạnh, đơn vị sự nghiệp tiên tiến và hội viên tiêu biểu đã thu được một số kết quả khiêm tốn bước đầu.

Ngọc Anh (t/h)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-dong-y-tinh-an-giang-day-manh-hoat-dong-phong-kham-nhan-dao-va-bao-ton-cac-cay-duoc-lieu-quy-hiem-169230920102607288.htm