Hội Đột quỵ thế giới trao giải thưởng Kim cương cho Bệnh viện Trung ương Huế

Kim cương là giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ. Các cơ sở y tế này phải thỏa mãn tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Sáng 3/12, ThS.BSCKII Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Đột quỵ của bệnh viện vừa được trao tặng giải thưởng Diamond (Kim cương) của Hội Đột quỵ thế giới.

Theo đó, Diamond là giải thưởng cao nhất của Hội Đột quỵ thế giới dành cho các đơn vị đột quỵ và trung tâm đột quỵ thỏa mãn các tiêu chí khắt khe về rút ngắn thời gian cấp cứu tái thông mạch máu não, đồng thời thực hiện tầm soát nguyên nhân và điều trị dự phòng đột quỵ phù hợp.

Để làm được điều này, các trung tâm cần phải có đầy đủ các yếu tố bao gồm nguồn nhân lực có trình độ cao, thiết bị chẩn đoán chuẩn xác và phối hợp nhuần nhuyễn với các khoa phòng có liên quan. Quy trình xét duyệt sẽ được thực hiện bởi một cơ quan kiểm định quốc gia và 2 cơ quan kiểm định quốc tế, Ủy ban về Đơn vị Đột quỵ sẽ ra quyết định cuối cùng.

Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) vừa được trao tặng giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ thế giới.

Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) vừa được trao tặng giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ thế giới.

ThS.BS Lê Vũ Huỳnh, Phó Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, hiện nay đơn vị thường xuyên tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân đột quỵ thể tắc mạch nặng, nguy kịch. Bằng liệu pháp tái thông (truyền thuốc tan cục máu đông và can thiệp nội mạch tái thông mạch máu não) một cách kịp thời, hầu hết những trường hợp nhập viện sớm đều được cấp cứu hiệu quả, vượt qua cơn nguy kịch và có thể hồi phục.

Bên cạnh đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây nên đột quỵ thể xuất huyết. Với những trường hợp nặng thường dẫn đến tỉ lệ tử vong và tàn tật cao dù được điều trị tối ưu. Để dự phòng các trường hợp đột quỵ thể xuất huyết, bệnh nhân tăng huyết áp cần đảm bảo huyết áp lúc nghỉ dưới 130/80 mmHg bằng việc tuân thủ điều trị và kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khen thưởng Trung tâm Đột quỵ và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phối kết hợp xây dựng và phát triển Trung tâm.

Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế khen thưởng Trung tâm Đột quỵ và các cá nhân có thành tích xuất sắc trong phối kết hợp xây dựng và phát triển Trung tâm.

GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, Trung tâm Đột quỵ đạt Giải thưởng Diamond của Hội Đột quỵ thế giới thể hiện tính chuyên nghiệp, tối ưu hóa trong cấp cứu và điều trị đột quỵ, sẽ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ, góp phần giảm tỉ lệ tử vong cũng như giảm thiểu các di chứng về vận động, nhận thức, ngôn ngữ... do bệnh lý này gây ra tại địa bàn và trong khu vực.

Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) được thành lập vào năm 2018. Đây là tuyến y tế cao nhất trong lĩnh vực Đột quỵ ở khu vực Miền Trung- Tây Nguyên. Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận trên 2.500 bệnh nhân. Số bệnh nhân điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp cấp cứu đột quỵ và bệnh lý mạch máu não khoảng trên 600 ca.

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hoi-dot-quy-the-gioi-trao-giai-thuong-kim-cuong-cho-benh-vien-trung-uong-hue-169231203094517288.htm