Hối hả đón đầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Không chỉ ở Bình Thuận, những ngày này, phía Đồng Nai cũng hối hả lên kế hoạch đón đầu cơ hội khai thác tiềm năng, lợi thế khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng
Ông Phạm Hùng Thái, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, khẳng định tuyến chính và toàn bộ nút giao, đường ngang có đường dân sinh hiện hữu của dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ đưa vào khai thác trước ngày 30-4. Như vậy, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là phương tiện có thể bon bon trên đường cao tốc có chiều dài 99 km (trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 51 km) này.
Cơ hội lớn
Là địa phương có tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua ở hướng Nam, ông Đỗ Chánh Quang, Chủ tịch UBND TP Long Khánh (Đồng Nai), nhấn mạnh tuyến đường cao tốc cùng với đường tỉnh 769, 773 và 770B mà tỉnh đã phê duyệt đầu tư sẽ tạo thêm sức bật mới cho Long Khánh. "Giao thông thuận lợi sẽ kéo theo nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Qua đó, chắc chắn tạo thêm động lực phát triển cho TP Long Khánh và các đô thị nằm trên tuyến hành lang kinh tế quan trọng này" - ông Quang đánh giá.
Là hộ dân trồng thanh long ở TP Long Khánh, ông Nguyễn Hai nói đường cao tốc sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho nông dân như ông. "Xưa nay, người dân bị thương lái ép giá thanh long bởi địa phương thiếu kho lạnh, thương lái phải đưa về tỉnh Bình Thuận bảo quản, sau đó chở đến cảng biển. Có đường cao tốc, quãng đường ngắn hơn, di chuyển nhanh hơn chắc chắn chi phí vận chuyển sẽ giảm nên thương lái không thể nại lý do này để ép giá" - ông Hai phân tích. Theo ông Hai, gia đình ông đang cải tạo lại khoảnh đất khoảng 500 m2 vốn là vườn tạp để trồng thêm thanh long. "Đặc biệt, tôi sẽ đầu tư thêm 2 xe tải để chở thanh long từ Long Khánh về Bình Thuận. Việc này cũng nhằm tạo thêm công ăn việc làm ổn định cho đứa con rể và con ruột vừa ra ở riêng" - ông Hai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cũng khẳng định: Khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi vào vận hành sẽ góp phần tạo đột phá cho địa phương. Theo đó, huyện Xuân Lộc sẽ không chỉ có nông nghiệp và nông thôn mới kiểu mẫu mà còn có công nghiệp, thương mại, du lịch phát triển sau thời gian dài trầm lắng. Minh chứng cho lời bà Tiên, ông Huỳnh Ngọc Tùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc), thông tin sau thời gian khó kêu gọi đầu tư, gần đây, không ít nhà đầu tư đến tìm hiểu về khu công nghiệp hơn 1.100 ha được quy hoạch ở địa phương này. "Đúng là sắp có đường cao tốc mọi việc sẽ khác. Thời gian tới, hiệu quả sử dụng đất được cải thiện, nhiều việc làm mới được tạo ra khi khu công nghiệp có nhà đầu tư" - ông Tùng tự tin.
Những kế hoạch cụ thể
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cũng nhấn mạnh cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là cao tốc hiện đại, kết nối giao thông với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với sân bay Long Thành trong tương lai nên sẽ tạo cơ hội phát triển lớn cho Đồng Nai, nhất là các địa phương phía Bắc của tỉnh này, như huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, TP Long Khánh. Trên thực tế, các địa phương này đã và đang có những kế hoạch cụ thể để khai thác lợi thế từ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Chủ tịch UBND TP Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay địa phương đang tập trung đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối với đường cao tốc; tập trung đầu tư các công trình trọng điểm mang tính đột phá gắn với kết nối, liên kết vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa. Trong đó, tập trung phát triển du lịch nhất là mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm, du lịch xanh... Kế đến, Long Khánh đã có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị; khu, cụm công nghiệp; khu đô thị đại học; các khu thương mại dịch vụ… đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; đặc biệt đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics.
Bà Nguyễn Thị Cát Tiên thông tin huyện Xuân Lộc đã đưa vào quy hoạch sử dụng đất các khu vực hồ, núi (hồ Núi Le và hồ Gia Ui) để mời gọi đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái. Đồng thời, huyện đề xuất UBND tỉnh cho cập nhật vào quy hoạch vùng tỉnh Đồng Nai dự án khu phức hợp du lịch sinh thái nghỉ dưỡng khu vực núi Chứa Chan. Ngoài ra, phát huy lợi thế từ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, phía UBND huyện Xuân Lộc đang phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh mời gọi đầu tư hạ tầng các dự án công nghiệp, trong đó có KCN Xuân Lộc (mở rộng 166 ha), Cụm Công nghiệp Xuân Hưng (mở rộng 63 ha)… "Thêm lợi thế cao tốc cùng với cam kết hỗ trợ tối đa nhà đầu tư trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tiếp cận các chính sách và nguồn vốn ưu đãi, tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ thấy rõ ưu điểm khi đầu tư vào Xuân Lộc" - bà Tiên nói.
Không chỉ có nội lực, để tiếp thêm sức mạnh cho những địa phương trên, UBND tỉnh Đồng Nai khẳng định để khai thác hiệu quả lợi thế từ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mang lại, tỉnh này sẽ ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…
Nhiều chủ resort háo hức
Ở Bình Thuận, không khí đón chờ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đang nhộn nhịp, nhất là các khu nghỉ dưỡng, resort ở TP Phan Thiết.
Bởi đa phần chủ các khu nghỉ dưỡng, resort cho rằng hiện nay du khách di chuyển từ TP HCM đến Phan Thiết phải mất khoảng 4 - 5 giờ, do đoạn Quốc lộ 1 qua Xuân Lộc (Đồng Nai) nhỏ hẹp, thường xuyên ùn tắc nhưng khi có đường cao tốc thì du khách chỉ mất khoảng 2 giờ; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây còn được kết nối với sân bay Long Thành... Đây là những điều kiện lý tưởng để các khu nghỉ dưỡng, resort có thể đón thêm nhiều du khách quốc tế cũng như du khách từ Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, TP HCM đến với Phan Thiết.