Hối hận hậu săn sale 11/11
Thức đến 3-4h sáng để lấp đầy giỏ hàng bằng sản phẩm giảm giá, giờ đây Ngân (26 tuổi) chỉ thấy hối hận vì đã 'đốt tiền' vào những thứ không cần cũng chẳng đáng.
"Giảm 50%", "Tiết kiệm 160.000 đồng", "Chỉ còn 1 sản phẩm" là tất cả những gì Ngân nhìn thấy khi thêm một chiếc loa bluetooth vào giỏ hàng của mình.
Trong ngày hội săn sale 11/11, cô mua được chiếc loa mini này với giá 135.000 đồng, chưa đến một nửa giá gốc, nhờ mã khuyến mãi và chương trình miễn phí giao hàng của ứng dụng mua sắm.
Ngân thừa nhận hơn một nửa sản phẩm trong số 17 món hàng cô "chốt đơn" trong đợt khuyến mãi không phải vì cần dùng mà bởi ham giá rẻ.
"Như chiếc loa Bluetooth, mình mua vì sợ sau này sẽ không giảm giá nữa. Ở nhà mình đã có một cái loa khác vẫn hoạt động tốt", cô nói với Zing.
Tuy nhiên, khi nhận được những món hàng đầu tiên của đợt săn sale trong vài ngày qua, Ngân bắt đầu hối hận. "Nhiều thứ mình nghĩ chắc sẽ không bao giờ sử dụng đến, trong khi vài món đồ không được như ý, chất lượng thực sự đáng thất vọng".
Mua sắm bốc đồng
Ngân không phải là người duy nhất hối hận vì quyết định mua sắm bốc đồng trong mùa sale. Không ít người cũng đang có những cảm xúc như vậy sau ngày 11/11.
Không còn cảm giác sung sướng khi săn được hàng giảm giá hay tâm trạng háo hức chờ nhận đồ, nhiều người giờ đây hụt hẫng, chưa biết phải làm gì với gói hàng được giao.
"Như những lần trước, hàng tặng kèm hiếm khi nào mình đem ra xài nhưng vẫn canh đến 1-2h sáng để săn. Mình từng cảm thấy rất tự hào khi giỏ hàng online đầy những đơn 0 đồng, 1 đồng, nhưng giờ nhìn lại chỉ thấy chật chội nhà cửa", Ngân nói.
Lễ hội mua sắm 11/11 (Single's Day) xuất phát từ Trung Quốc, được khởi xướng vào năm 2009 bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba.
Ngày Độc thân đã phát triển từ sự kiện kéo dài một ngày thành lễ hội mua sắm trị giá hàng tỷ USD kéo dài nhiều tuần, lan rộng ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong năm nay, khi 11/11 giảm sức hút tại chính quê hương của mình, ngày hội săn sale này vẫn rất được quan tâm tại Việt Nam. Các sàn thương mại điện tử liên tục công bố những kỷ lục doanh số mới trong lễ độc thân.
Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2021" do Google, Temasek và Bain & Co. công bố đầu tháng 11, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm nay tăng 53% so với năm 2020.
Cạn tiền vì săn sale
Nguyễn Ly (25 tuổi) chi gần 5 triệu đồng mua sắm online trong ngày 11/11. Cô chủ yếu mua mỹ phẩm, thiết bị điện tử và đồ gia dụng.
Sau 4 ngày chờ đợi, cô đã nhận được khoảng một nửa đơn hàng. 5 sản phẩm còn lại vẫn trên đường vận chuyển, dự kiến giao hết trong tuần này.
Tuy nhiên, thay vì cảm thấy vui mừng, Ly nói cô thấy lo lắng, áp lực khi hàng được giao ngày một nhiều. Mỗi gói hàng dường như là một lời nhắc nhở rằng Ly đã tiêu vượt quá hạn mức thẻ tín dụng.
"Còn nửa tháng nữa mới đến kỳ nhận lương tiếp theo nhưng mình đã tiêu gần hết số lương nhận được đầu tháng. Tất cả cũng vì tham săn sale", Ly chán nản nói.
Để không rơi vào tình cảnh chưa hết tháng đã hết tiền như đợt này, Ly quyết định khóa thẻ tín dụng sau khi trả hết nợ, đồng thời xóa toàn bộ các ứng dụng mua sắm online từ đây cho đến cuối năm.
"Những tháng tới sẽ có thêm vài đợt sale nữa và mình không chắc sẽ đủ lý trí, tỉnh táo để kiểm soát cơn nghiện mua sắm của bản thân", Ly nói.
Tuy có nhiều trải nghiệm không tốt với các đợt săn sale, Ngân không muốn làm theo cách của Ly. Bởi cô biết chắc dù có hối hận, dằn vặt đến bao nhiêu thì tới những kỳ khuyến mãi sau, cô vẫn sẽ lao vào mua sắm.
"Mình sẽ cố lập danh sách và cân nhắc nhiều hơn với mỗi quyết định mua hàng. Nhưng chắc chắn mình không thể từ bỏ việc mua sắm online vì đó là cách mình săn những món đồ với mức giá rẻ nhất và giải tỏa stress khi không có thời gian mua hàng trực tiếp".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hoi-han-hau-san-sale-1111-post1277587.html