Hối hận vì 'nhẹ dạ cả tin'!

Sau giờ tan làm buổi chiều, tôi nhận được cuộc gọi từ chị H., khóc thút thít, nhờ tư vấn, gỡ rối. Bởi dù đã được cảnh báo rất nhiều, nhưng chỉ sau mấy phút nhẹ dạ, cả tin, thao tác trên điện thoại, chị H. đã bị lừa mất hơn 200 triệu đồng.

Đáng nói hơn nữa, là số tiền này không phải của chị, mà là tiền trong tài khoản của đồng nghiệp – người cho chị H. mượn máy để thao tác theo lời dẫn dụ làm thủ tục bảo hiểm xã hội. Sau cú lừa ấy, chị H. đã trình báo công an giải quyết. Nhưng lẽ dĩ nhiên, cũng phải vay mượn ngân hàng để trả lại số tiền đã làm mất của bạn. Gia đình phút chốc trở nên rối bời, xào xáo vì bỗng nhiên lại đội thêm số nợ không hề nhỏ…

Chia sẻ với tôi sau “cú sốc” này, chị H. cho biết: Khi đang làm việc, điện thoại chị nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, xưng là cán bộ cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), thông báo hồ sơ BHXH của chị cần phải đồng bộ dữ liệu, cập nhật lại thông tin liên quan trên ứng dụng VssID – BHXH số và yêu cầu chị đến cơ quan bảo hiểm tại địa phương để thực hiện. Nếu không có thời gian có thể thao tác trên điện thoại… Nhớ lại thời điểm đó, chị H. cho biết: Khi nghe điện thoại, chị như bị “thôi miên”, làm theo răm rắp. Do tính chất công việc bận rộn, không có thời gian đi trực tiếp đến cơ quan BHXH nên chị nghe theo hướng dẫn thực hiện trên máy điện thoại để đăng nhập. Tuy nhiên, do máy điện thoại không thao tác được nên chị H. đã mượn điện thoại đồng nghiệp để đăng nhập và nhờ chủ máy chuyển phí 11.000 đồng theo hướng dẫn. Sau đó mấy tiếng, chủ nhân điện thoại trên mới tá hỏa khi biết số tiền hơn 200 triệu đồng trong thẻ đã “không cánh mà bay”.

Với chị H. vốn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nợ nần chưa trả hết, nay lại thêm gánh nặng với hơn 200 triệu đồng, cái giá cho sự “nhẹ dạ cả tin” của mình. Sau sự việc ấy, cuộc sống gia đình chị trở nên nặng nề hơn, vợ chồng vì xót số tiền nợ “trên trời rơi xuống” nên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Mọi kế hoạch mua sắm, cho con vui chơi ngày hè cũng đành gác lại, phần vì kinh tế khó khăn, phần vì tâm trạng không tốt. Thay vào đó, chị H. phải lo chạy vay mượn khắp nơi để gánh số tiền đã bị lừa, làm thêm việc vào cuối tuần, buổi tối để thêm thu nhập. Sau sự việc lừa đảo ấy, chị H. chia sẻ, có lẽ đây là bài học nhớ đời nhất mà chị đã trải qua. Đồng thời mong rằng, mọi người hãy nâng cao cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng như chị đã mắc phải.

Trước những thủ đoạn tinh vi của kẻ lừa đảo trên không gian mạng, thời gian qua, trên các kênh thông tin đại chúng, mạng xã hội đã có rất nhiều thông điệp cảnh báo của cơ quan chức năng đến mọi người dân. Trong đó Công an tỉnh Bình Thuận khuyến cáo, đề nghị người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng tự xưng là công an, viện kiểm sát, tòa án. Không chuyển tiền theo yêu cầu của người quen qua mạng xã hội, phải xác thực qua điện thoại, nhưng tốt nhất là gặp trực tiếp. Cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân không cho mượn, cho thuê, mua bán trái phép các loại giấy tờ; không nhấp vào các đường link lạ, hoặc cài đặt các chương trình lạ, cung cấp mật khẩu ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được xử lý…

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hoi-han-vi-nhe-da-ca-tin-119286.html