Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh: Nghĩa tình, trách nhiệm tri ân với liệt sĩ
Trong căn nhà khang trang, sạch đẹp do Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ban liên lạc truyền thống Trung đoàn 174 xây, sửa, trao tặng, bà Trần Thị Gọn, thân nhân liệt sĩ, ở xã Tân Lý Đông (Châu Thành, Tiền Giang) vui cười, trò chuyện cùng hàng xóm. Bà Gọn tâm sự: 'Căn nhà của gia đình tôi trước đây bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện sửa chữa. Nay căn nhà được tu sửa, nâng cấp, giúp mẹ con tôi vơi bớt khó khăn, ổn định cuộc sống'.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều gia đình thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... được Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh giúp đỡ trong những năm qua. Theo đó, từ khi thành lập (10-7-2020) đến nay, Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh đã tích cực vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ xây dựng gần 100 nhà tình nghĩa, sửa chữa 48 căn với tổng kinh phí gần 2,9 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí giám định ADN cho 3 trường hợp; giúp đỡ tài chính di dời 76 hài cốt liệt sĩ (HCLS) với mức 2 triệu đồng/trường hợp...
Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội đã phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Báo Công lý tổ chức các “Gian hàng 0 đồng” và trao quà tặng gần 3.000 gia đình liệt sĩ, thương binh, hộ chính sách; hỗ trợ hơn 10.000 suất ăn chia sẻ với các y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Kinh phí thực hiện do cán bộ, hội viên của Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh tự nguyện đóng góp và kêu gọi tài trợ, tổng số tiền và hàng hóa cho các hoạt động này trị giá gần 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội đã kết nối doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị LLVT Quân khu 7 tổ chức trao gần 30.000 phần quà tặng bà con nghèo gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, trong 3 năm qua, Hội chú trọng công tác tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định danh tính HCLS. Theo Đại tá Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh: "Xác định việc phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tìm kiếm HCLS và xác định danh tính liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, Hội đã thành lập Tổ tìm kiếm và phối hợp với các tổ chức thành viên là ban liên lạc truyền thống các đơn vị chiến đấu xác minh thông tin liệt sĩ và HCLS; tổ chức kết nối, tìm hiểu thông tin về liệt sĩ, gia đình liệt sĩ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ; tổ chức tọa đàm tìm kiếm thông tin liệt sĩ và HCLS"... Từ những việc làm đó, Hội đã phối hợp lập được danh sách 23.496 liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các đền thờ liệt sĩ, bia tưởng niệm liệt sĩ...
Danh sách 23.496 liệt sĩ được đóng thành tập và đang lưu giữ tại Văn phòng Hội để chuẩn bị cho việc thành lập Thư viện Thông tin liệt sĩ trên Trang tin điện tử linhkhiquocgia.vn của Hội. Ngoài ra, Hội còn tham gia thẩm định gần 15.000 danh sách liệt sĩ để ghi danh tại các đền thờ, bia tưởng niệm liệt sĩ; phối hợp cùng các đơn vị đưa gần 300 HCLS về quê. Nói về ý nghĩa của trang tin điện tử, Đại tá Lê Thanh Song, Phó chủ tịch Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh cho biết: "Để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách đãi ngộ đối với người có công; giải đáp thắc mắc và tư vấn pháp lý về chế độ, chính sách liên quan, tháng 3-2021, Hội thành lập Trang tin điện tử linhkhiquocgia.vn và thường xuyên cải tiến, nâng cao chất lượng tin, bài, thu hút ngày càng nhiều lượt bạn đọc truy cập để tìm hiểu thông tin cần thiết".
Nhằm tôn vinh, tri ân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh nặng và gia đình liệt sĩ, Hội phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, tết. Điển hình như: Gala giao lưu nghệ thuật “Mẹ trong trái tim người lính” (năm 2020); lễ giỗ liệt sĩ tại đền thờ liệt sĩ Long Khốt (Vĩnh Hưng, Long An) vào ngày 19-5 hằng năm; tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Mẹ liệt sĩ” (năm 2023)...; phối hợp vận động tài trợ hơn 100 tỷ đồng xây dựng mới đền thờ liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia Khu vực đồn Long Khốt và đền thờ liệt sĩ tại Phú Quốc (Kiên Giang); phối hợp xây dựng bia ghi danh liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 hy sinh năm 1967 tại chiến trường Đăk Tô-Tân Cảnh. Hiện tại, Hội đang tích cực phối hợp chuẩn bị xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), huyện Lộc Ninh (Bình Phước) và TP Tân An (Long An)...
Theo Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam, mặc dù mới ra đời được 3 năm, nhưng Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Thường trực Hội luôn linh hoạt, nhạy bén trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, gắn kết, thu hút được sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đặc biệt là sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh Quân khu 7 và các đơn vị trên địa bàn chung tay chăm lo cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công. Với kết quả ấn tượng và sức lan tỏa sâu rộng từ những việc làm ý nghĩa, Hội HTGĐLS TP Hồ Chí Minh thực sự là đầu tàu trong công tác tri ân liệt sĩ trên cả nước.
Bài và ảnh: YẾN LONG - NGUYỄN HOÀNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.