Hội họa là giấc mộng vàng...
26 năm định cư, lập nghiệp ở xứ người, với 5 cuộc triển lãm tranh cá nhân trong nước và 17 lần ở Tây Ban Nha chứng tỏ sức sáng tạo dồi dào không ngừng nghỉ của họa sĩ Nguyễn Phạm Thúy Hương (1969) - người phụ nữ Việt Nam quê gốc Đà Nẵng. Cô đã xác lập một kỷ lục khó ai bì kịp!
Chúng tôi quen biết họa sĩ Thúy Hương từ những ngày cô còn rất trẻ, lúc mới chập chững bước vào con đường "vẽ vời" ở tuổi đôi mươi. Hồi ấy, những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước, lần đầu tiên ở Đà Nẵng xuất hiện một quán rượu với tên gọi Tri Âm do một cô gái trẻ tóc xù, thân hình mảnh dẻ với làn da nâu đậm bóng rất lạ làm chủ. Gọi là quán cho sang chứ thật ra quán chỉ là "cái cớ" để anh em văn nghệ, báo chí có dịp gặp gỡ "trà dư tửu hậu", trao đổi về những sáng tác mới, là nơi tâm tình, chia sẻ về những suy tư, trăn trở về nhiều vấn đề cuộc sống xã hội bấy giờ, giống như kiểu sinh hoạt bỏ túi mini diễn ra theo cách rất tự nhiên.
Cái quán văn này có sức hút kỳ lạ! Các bậc cao niên, những đàn anh thành danh cũng thường đến góp mặt, thậm chí "đóng đô" thường trực! Những gương mặt thân quen thường lui tới nơi này như: họa sĩ Đỗ Toàn, Phạm Văn Hạng, Hà Dư Sinh, Hoàng Đặn, Vũ Dương, Thượng Hỷ, Nguyễn Văn Phúc; các dịch giả Vĩnh Khôi, Hoàng Văn Quang, Nguyễn Thanh Xuân; nhà nghiên cứu nghệ thuật Chămpa Trần Phương Kỳ; các nhà văn Thái Bá Lợi, Vĩnh Quyền… Đặc biệt nhất là cố nhà văn lão thành Nguyễn Văn Xuân - nhà Quảng học và là người thầy của nhiều thế hệ ở Đà thành. Nơi đây cũng chính là "xưởng vẽ" đầu tiên, "bà đỡ" cho những sáng tác đầu tay của Thúy Hương trong cuộc hành trình đầy thử thách sáng tạo; là nơi chắp cánh cho "giấc mộng vàng hội họa" và "người nghệ sĩ sáng tạo luôn khát khao vươn tới cái đẹp có thực trong đời, kể cả cái đẹp ảo tưởng đầy thơ mộng, hơn cả một trời thơ!" như lời bộc bạch của Thúy Hương về thế giới hội họa đa sắc màu - một thế giới nội tâm đầy suy tưởng, lãng mạn...
Không lâu sau thời điểm ấy, Thúy Hương đã lần đầu trình làng đến công chúng tại Đà Nẵng bằng cuộc triển lãm tranh sơn dầu đầy ấn tượng, để rồi bằng đôi cánh thiên thần, cô nhanh chóng vươn rộng, rong ruổi bay vào bầu trời nghệ thuật tự do, bao la…
Khác với những năm tháng tuổi trẻ, khởi đầu sự nghiệp bằng tranh sơn dầu, khi trưởng thành hơn, Thúy Hương trải nghiệm thêm tranh màu nước, bột màu, lụa... Đề tài tranh của Thúy Hương rất đa dạng, thể hiện thế giới nội tâm đầy cảm xúc cũng như vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người, là sự tổng hòa hình ảnh giữa con người và tạo vật. Có thể gặp gỡ điều này qua loạt tranh phong cảnh rất đẹp ở Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên...
Rồi định mệnh đưa đẩy Thúy Hương phiêu dạt đến Tây Ban Nha, như cuộc hội ngộ quê nhà trong tiền kiếp, Thúy Hương tiếp tục vẽ loạt tranh về đề tài phong cảnh, lịch sử, văn hóa, kiến trúc và đời sống của cư dân Canarias, nơi cô dừng bước và cảm thấy vô cùng gần gũi. "Sự im lặng trắng" là chủ đề về tranh trừu tượng, diễn tả sự chuyển biến nội tâm theo sự vận động tuần hoàn của trục không gian - thời gian. Màu vàng chủ đạo sang trọng nhất quán ở loạt tranh này đã khiến người xem liên tưởng đến một thế giới hạnh phúc, sự thăng hoa của trí tuệ và tình thương. Loạt tranh "Sáng thế" vẽ về Kinh Thánh, ngoài sự trình bày một bút pháp mới rất riêng và màu sắc lộng lẫy, Thúy Hương còn trình bày quan điểm riêng của mình và cô cho rằng nó đúng hơn sự trình bày về ý niệm trong tranh của các họa sĩ thời phục hưng. Ngoài ra, loạt tranh về các chủ đề: "Một thế giới hạnh phúc", "Thế giới mới và những rô- bốt", "Mười hai tháng" vẽ bằng bột màu, loạt tranh: "Huyền thoại Âu Cơ và văn hóa truyền thống Việt nam", được vẽ bằng màu nước trên lụa, loạt tranh: "Ý thức mới", "Cuộc hội ngộ" giữa tinh thần và thể xác, giữa vật chất và tâm linh...
Song song với các loạt tranh sáng tác, Thúy Hương còn vẽ rất nhiều tranh chân dung , vẽ trực tiếp với các người mẫu, phần lớn là vẽ theo đơn đặt hàng. Kể từ năm 2017, Thúy Hương hoàn toàn chuyển sang sáng tác tranh vẽ bằng màu nước...Vào mùa xuân 2021, trong 4 tháng liền Thúy Hương đã vẽ hơn 300 bức chân dung màu nước trong bộ sưu tập những người nổi tiếng trong và ngoài nước. Bộ sưu tập này đã được gởi về Đà Nẵng để làm phòng tranh tại 582/1 Hoàng Diệu, Đà Nẵng và ngày 26-3-2023 vừa qua gia đình đã tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 48 năm giải phóng thành phố. Bộ tranh bao gồm chân dung của những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ, chính trị gia, cầu thủ thể thao, nhà báo nổi tiếng Việt Nam và nước ngoài. Đó không chỉ là những con người vô cùng tài hoa, mà còn có thần thái rất đẹp như: thi sĩ - nhà dịch thuật Bùi Giáng, nhà văn - thi sĩ Oscar Wilde, nhà văn Hermann Hesse, giáo sư Trần Văn Khê, thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc sĩ Cung Tiến…
Hiện những ngày này, Thúy Hương tiếp tục vẽ loạt tranh "Tenerife, thành phố của những lâu đài đá đen" , để minh họa cho cuốn sách về kiến trúc sắp xuất bản.
Xem tranh Thúy Hương, ở bất cứ chủ đề nào, người ta dễ dàng nhận ra mỗi một tác phẩm nghệ thuật là sự tổng hòa của tư duy sáng tạo, tương tác, đối thoại giữa người nghệ sĩ với đối tượng sự vật trong một không gian vật lý hữu hình lẫn trừu tượng, siêu hình. Đó là thế giới của sự sống đầy màu sắc và hạnh phúc - một thế giới khôn cùng ...
Phạm Phúc - Trần Trung Sáng
Không chỉ vẽ tranh, Thúy Hương còn luôn gây "sốc" cho người quan tâm, bởi những suy nghĩ táo bạo, phá cách qua sáng tác thơ, văn, dịch sách, dạy vẽ…, đặc biệt công trình biên soạn bộ tự điển nổi tiếng Việt Nam - Tây Ban Nha đầu tiên dày hơn 800 trang và cuốn sách Văn phạm Tây Ban Nha do Nhà Xuất bản Aguere ấn hành tại Canarias (2019). Giám đốc Nhà xuất bản Aguere, Angel Morales đã nhận định về cuốn tự điển Việt Nam - Tây Ban Nha của Nguyễn Phạm Thúy Hương: "Nó có một giá trị khôn lường, ngay từ lúc chúng tôi thấy nó và đánh giá nó, chúng tôi đã không nghi ngờ và xuất bản nó. Nó là duy nhất ở trên thế giới".
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/hoi-hoa-la-giac-mong-vang-post285869.html