Hồi hương cổ vật Việt - cần một chiến lược dài hơi

Lễ chuyển giao ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' từ Pháp về Việt Nam đã hoàn tất vào hôm 16-11 vừa qua với sự chứng kiến của nhiều cơ quan liên quan thuộc 2 quốc gia Pháp - Việt Nam. Có thể nói đây là tin vui đối với những người yêu di sản. Thông qua con đường ngoại giao văn hóa, chúng ta đã và đang thể hiện cho thế giới thấy Việt Nam có khả năng bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, cam kết duy trì sự tôn trọng, giữ gìn sự nguyên vẹn của di sản văn hóa dân tộc, đóng góp trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước 1970 của UNESCO. Tuy nhiên, ngoài ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' còn vô số những cổ vật quý giá khác có nguồn gốc từ Việt Nam đang lưu lạc ở nước ngoài. Và để có thể đưa được những cổ vật quý giá đó trở về, rất cần có một chiến lược dài hơi và thông qua nhiều con đường khác nhau.

Sự trở về của bảo vật

Để ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có thể hồi hương là kết quả của hơn 1 năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai tại Paris tháng 11-2022 và cùng thỏa thuận, thống nhất các yêu cầu chuyển giao cho phía Việt Nam theo đề nghị của Đoàn công tác liên ngành do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cùng các Bộ Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và sự hỗ trợ đặc biệt của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Theo đó, Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Cộng hòa Pháp; đồng thời sẽ lưu giữ, trưng bày và phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia để bảo vệ, phát huy giá trị của ấn tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Có thể nói, đây là lần thứ 2 một cổ vật Việt Nam dù được niêm yết, chuẩn bị đưa ra đấu giá công khai, nhưng được sự can thiệp kịp thời bằng con đường ngoại giao và đàm phán… Chiếc ấn vàng quý giá và có nhiều ý nghĩa trong một chặng đường lịch sử dân tộc đã chính thức được trở về với cố hương.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”

Trước đó, vào năm 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ủy quyền để tham gia đấu giá cổ vật là chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh (mẹ vua Thành Thái) tại Pháp. Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng người Việt Nam ở Pháp, Cộng hòa Séc và nhiều gia đình trong nước, chiếc xe đã được đấu giá thành công. Đến năm 2015, chiếc xe kéo tay này đã được đưa về trưng bày tại cung Diên Thọ thuộc Đại nội Huế.

Những con đường khác…

Năm 2021, giới sử học và sưu tầm cổ vật Việt Nam thêm một lần xôn xao khi thông tin chiếc mũ quan triều Nguyễn của Việt Nam (kèm hộp đựng) đã được công bố đấu giá trên trang https://www.invaluable.com, bởi nhà đấu giá Balclis hàng đầu của Tây Ban Nha. Ban đầu, mức giá là 500 - 600 Euro, nhưng đến chiều 27-10-2021 (theo giờ Việt Nam) đã có 32 lượt đặt giá và mức giá lên đến 42.500 Euro, tức là gấp 80 lần giá khởi điểm. Phiên đấu giá chiếc mũ quan triều Nguyễn được giới săn lùng cổ vật quan tâm đã chính thức khép lại vào chiều 28-10 tại Tây Ban Nha. Cổ vật đã được mua với giá 600.000 Euro (tương đương 16 tỷ đồng), gấp 1.200 lần so với giá khởi điểm.

Trước khi phiên đấu giá diễn ra, có 44 cú “gõ nháp” với mức giá đẩy lên là 80.000 Euro. Tuy nhiên, nhà sưu tầm cuối cùng đã trả 600.000 Euro để có cổ vật này và là mức giá chưa bao gồm 25% thuế phí. Nếu tính đủ cả khoản thuế, giá của cổ vật sẽ là 750.000 Euro (tương đương với gần 20 tỷ đồng). Nhiều nhà sưu tập trong nước đã bày tỏ sự tiếc nuối khi cổ vật này đã không thể trở về cố quốc bằng con đường chính ngạch. Nhưng bất ngờ ở chỗ, mũ quan triều Nguyễn - cổ vật Việt vừa đấu giá thành công - được một doanh nhân người Việt (danh tính được giấu kín) mua với mục đích hiến tặng cho thành phố Huế. Và thế là, dù cổ vật không được trở về cố quốc theo con đường chính thống như ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, nhưng vẫn “hồi hương” đúng như nguyện vọng của người Việt yêu và tôn trọng văn hóa, giá trị lịch sử.

Chiếc áo Nhật Bình và mũ quan triều Nguyễn sau khi thắng đấu giá tại Tây Ban Nha đã được một người Việt (giấu tên) tặng lại cho Bảo tàng Cung đình Huế

Chiếc áo Nhật Bình và mũ quan triều Nguyễn sau khi thắng đấu giá tại Tây Ban Nha đã được một người Việt (giấu tên) tặng lại cho Bảo tàng Cung đình Huế

Ngày 17-4-2022, tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chính thức tổ chức lễ tiếp nhận trưng bày 2 cổ vật triều Nguyễn gồm mũ quan và áo dài Nhật Bình đã thắng đấu giá ở nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong lễ tiếp nhận đã nhấn mạnh đến những di sản vừa vô giá, đồng thời cũng là nguồn sử liệu ghi lại dấu tích sống động của triều Nguyễn. Trải qua bao thăng trầm, nguồn cổ vật trong các đền vàng, điện ngọc của Huế hiện không còn đầy đủ như ngày trước, nhiều cổ vật bị thất tán ra nước ngoài. Trong điều kiện nguồn lực ngân sách còn hạn chế thì việc tham gia đấu giá và hiến tặng cổ vật cho bảo tàng của các đơn vị, cá nhân là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, hướng đến lợi ích cộng đồng và vẫn là nguồn chính để hy vọng cổ vật trở về ngày một nhiều hơn.

Trở lại chuyện hồi hương của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, sau khi Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng hoàn tất các thủ tục tài chính liên quan theo pháp luật của Cộng hòa Pháp, Cục Di sản văn hóa và Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng đã ký kết thỏa thuận về việc đàm phán mua ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ Pháp đưa về Việt Nam và chuyển nhượng lại cho Nhà nước, trong đó nhấn mạnh: “Bên A và cá nhân ông Nguyễn Thế Hồng cam kết và bảo đảm ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” sẽ chỉ chuyển giao cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở phù hợp với quy định của Điều 43 Luật Di sản văn hóa, sau một thời gian phù hợp khi Bên A không còn nhu cầu sở hữu, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh, Việt Nam. Chi phí chuyển giao bao gồm chi phí trả cho việc thuê luật sư đàm phán; chi phí mua ấn vàng từ nhà đấu giá Millon, Pháp (bao gồm các loại thuế, phí liên quan); chi phí đưa ấn vàng về nước (chi phí hải quan, vận chuyển quốc tế)”.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đánh giá hiện trạng, tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” lưu giữ tại văn phòng hãng đấu giá Millon, tháng 11-2022

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia và Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đánh giá hiện trạng, tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” lưu giữ tại văn phòng hãng đấu giá Millon, tháng 11-2022

Muôn nẻo lưu lạc của cổ vật

Ngày 30-8-1945, khi tuyên bố thoái vị, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại cho ông, để bàn giao cho chính quyền cách mạng. Ông Trần Huy Liệu, đại diện cho chính quyền cách mạng, đã tiếp nhận bộ ấn kiếm mang tính biểu tượng này rồi cho chuyển về Hà Nội ngay trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình vào ngày 2-9-1945.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946) không rõ thông tin về nơi lưu giữ, đến năm 1952, hai cổ vật này đã rơi vào tay người Pháp. Và đến ngày 8-3-1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại với vai trò là Quốc trưởng, sau đó được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được giao bán đấu giá tháng 11-2022.

Không kể quá trình giao lưu thương mại đã đưa một số lượng không nhỏ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam ra nước ngoài như gốm Chu Đậu, Bát Tràng… từ nhiều thế kỷ trước, phần lớn các cổ vật và tư liệu của chúng ta đều bị cướp bóc hoặc thất thoát do chiến tranh hay các biến động lịch sử. Cuối tháng 9-2017, Bảo tàng Monnaie de Paris đã khai mạc gian trưng bày Trésor de Huế (Kho báu triều đình Huế) gây ngỡ ngàng cho công chúng lẫn du khách trên đất Pháp. Các thỏi vàng, tiền vàng, cùng 4 thỏi bạc may mắn không bị nấu chảy trong lô tài sản khổng lồ được người Pháp lấy đi từ Huế lần đầu trình làng sau hơn 130 năm giữ kín trong kho. Những thông tin về “kho báu” này đã từng được tác giả François Thierry (một chuyên gia nghiên cứu về đồng tiền cổ của châu Á) viết khá cụ thể trong cuốn “Le trésor de Huê”, sách được dịch và xuất bản tại Việt Nam vào năm 2022 với tên gọi “Kho báu Kinh thành Huế sau ngày thất thủ kinh đô".

Cuốn sách viết khá chi tiết và đầy đủ về kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ được dịch và in tại Việt Nam bởi Thaiha Books

Cuốn sách viết khá chi tiết và đầy đủ về kho báu kinh thành Huế sau ngày thất thủ được dịch và in tại Việt Nam bởi Thaiha Books

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã trải qua biết bao cuộc chiến tranh, áp bức và đô hộ. Phần lớn các cổ vật, tư liệu lịch sử của người Việt Nam đã bị tiêu hủy, cướp bóc và vơ vét. Chính vì thế, các cổ vật quý giá có nguồn gốc cung đình của các triều đại trở nên vô cùng hiếm hoi. Hiện tại, trong hệ thống các thư viện, bảo tàng công lập, bảo tàng tư nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Mỹ, Úc... các cổ vật, sưu tập cổ vật có nguồn gốc từ Việt Nam được công bố và trưng bày công khai.

Đó là còn chưa kể đến một số lượng lớn các cổ vật khác nằm trong những bảo tàng tư nhân, hoặc bộ sưu tập tư nhân của những gia đình gốc Việt (hoặc có liên quan ít nhiều đến Việt Nam). Những cổ vật đó chỉ được biết đến khi mang ra đấu giá công khai trong thời gian gần đây, ví dụ cụ thể nhất là vụ đấu giá chiếc Long sàng và Xe kéo hoàng gia thời Nguyễn năm 2014 tại Pháp; vụ đấu giá chiếc mũ quan đại thần và áo Nhật Bình tại Tây Ban Nha cuối năm 2021; gần đây nhất là vụ đấu giá lô cổ vật thời Nguyễn, trong đó có chiếc bát vàng thời Khải Định và ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà đấu giá Millon (Pháp)...

Con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, khoảng mấy chục năm trở lại đây, trên những sàn đấu giá quốc tế được thực hiện từ những công ty đấu giá tầm cỡ, uy tín như Sotheby’s, Christie’s, Butterfield… cổ vật Việt Nam và những tác phẩm thời Mỹ thuật Đông Dương có giá tăng lên chóng mặt. Cách đây hơn 20 năm, một chiếc bình vẽ nhiều màu trên men cánh sen và hoa cúc dây, niên đại thuộc thời Lê sơ, thế kỷ XV, được sản xuất từ lò gốm Chu Đậu (lò gốm nổi tiếng của tỉnh Hải Dương ngày nay), có giá lên tới 300.000 bảng Anh tại London, đã được coi là đắt khủng khiếp.

Hoặc như cuộc đấu giá của một chiếc mũ quan triều Nguyễn từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bán tại Barcelona (Tây Ban Nha) có giá lên tới 600.000 Euro. Việc ngày càng tăng giá của những cổ vật có nguồn gốc Việt Nam tại thị trường cổ vật thế giới đã nói lên nhiều điều về giá trị, vị thế, uy tín của nền văn hóa - văn hiến Việt Nam, được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao. Thế nhưng, giá bị đẩy lên chóng mặt lại chính là thách thức lớn cho mong ước hồi hương cổ vật Việt thông qua các cuộc đấu giá. Làm sao để người Việt có thể đối đầu với những đại gia tầm cỡ thế giới của những quốc gia phát triển?

Cũng theo ông Phạm Quốc Quân, hiện tất cả những điều luật, công ước, đã được ngành Di sản văn hóa nói riêng và cộng đồng Việt Nam nói chung thực hiện ngày càng nghiêm túc. Tuy nhiên, bằng những con đường khác nhau, cổ vật Việt Nam đã ra đi từ lâu (không ngoại trừ thời gian đất nước còn chìm trong chiến tranh) giờ đây nằm trong quyền sở hữu của các cá nhân, tổ chức nước ngoài, phù hợp với luật pháp sở tại.

Thêm nữa, những tập quán quốc tế và những quy định của điều ước quốc tế, không phải quốc gia nào cũng thực hiện như cam kết. Hơn thế, nó còn phụ thuộc và ràng buộc bởi những điều luật từ mỗi quốc gia. Theo đó, những nỗ lực hồi hương cổ vật Việt Nam từ nước ngoài, qua con đường luật pháp và công ước cũng còn nhiều khó khăn. Vậy nên, hồi hương cổ vật bằng hình thức mua đấu giá vẫn là thông lệ quốc tế, là một trong những con đường ngắn nhất để di sản trở về với quê hương.

Tiến sĩ Phạm Quốc Quân nói thêm, ông đã có dịp làm việc với những nhà nghiên cứu nước ngoài, Á cũng như Âu, họ đều nói rằng bất cứ quốc gia nào, dù giàu có đến mấy cũng không đủ khả năng sưu tầm bằng mua đấu giá như mong muốn. Định hướng xã hội hóa của Đảng và Nhà nước ở lĩnh vực này đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực qua sự ra đời những sưu tập tư nhân, những bảo tàng ngoài công lập, để rồi họ trở thành một lực lượng góp sức cho cổ vật hồi hương. Hồi hương, cần phải có một chiến lược toàn diện và bao quát, mà trước hết nên được xây dựng trên cơ sở của những tập đoàn kinh tế lớn, bên trong họ có thiết chế bảo tàng. “Đấu giá trực tiếp hay trực tuyến vẫn là phương cách hữu hiệu và đơn giản nhất để hồi hương cổ vật” - Tiến sĩ Phạm Quốc Quân khẳng định.

Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước sẽ được đưa vào Luật Di sản Văn hóa

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, từ năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Theo đó, Chương IV: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 48 điều. Từ Điều 37 đến Điều 84 được chia thành 2 mục:

Mục 1: “Di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” gồm 27 điều, từ Điều 37 đến Điều 63, trong đó quy định những nội dung chủ yếu là: Phân loại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; Kiểm kê di tích; Quản lý, bảo vệ địa điểm khảo cổ, di vật khảo cổ và Quản lý di vật, cổ vật thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ; Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Tu sửa cấp thiết, bảo quản định kỳ di tích, di tích kiểm kê.

Mục 2: “Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” gồm 21 điều, từ Điều 64 đến Điều 84, trong đó quy định những nội dung chủ yếu là: Tiếp nhận, quản lý, giám định di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; Giám định di vật, cổ vật; Bảo vật quốc gia; Đăng ký di vật, cổ vật; Quản lý di vật, cổ vật; Bán đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; Bảo quản di vật, cổ vật; Đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia đi trưng bày, nghiên cứu hoặc bảo quản có thời hạn ở trong nước và nước ngoài; Mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước; Xử lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tịch thu được do tìm kiếm, mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép; Chuyển giao, thanh lý, hủy di vật, cổ vật; Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Bỏ quy định về đăng ký Bảo vật quốc gia và bổ sung quy định về thẩm quyền cấp Bằng chứng nhận Bảo vật quốc gia, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hồ sơ hủy bỏ quyết định công nhận Bảo vật quốc gia. Bổ sung quy định khuyến khích đăng ký di vật, cổ vật và sửa đổi quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh giám định cổ vật. Bổ sung quy định về bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Bổ sung quy định về mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Những kinh nghiệm của các nước

Trung Quốc:

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Trung Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc hồi hương các báu vật, cổ vật từ nước ngoài nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của Hoa kiều, và đặc biệt là nhờ có những chính sách linh hoạt, phù hợp.

Theo Học viện Di tích văn hóa Trung Quốc, tính từ mốc Chiến tranh Nha phiến 1840 đến nay, có khoảng 10 triệu cổ vật Trung Quốc đã bị cướp bóc, chuyển ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau. Chính phủ Trung Quốc đã xem việc hồi hương các cổ vật là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, từ đó họ có sự đầu tư xứng đáng để nghiên cứu, ban hành những chính sách phù hợp. Đến nay Trung Quốc đã ký kết 23 thỏa thuận song phương với các quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Australia, là những quốc gia hiện đang nắm giữ nhiều nhất các cổ vật có nguồn gốc Trung Quốc để tạo hành lang pháp lý cho việc hồi hương các cổ vật và di sản văn hóa của họ. Tích cực vận động Hoa kiều ở các nước chung tay tìm kiếm, phát hiện, cung cấp danh sách các cổ vật Trung Quốc đang ở nước ngoài, vận động Hoa kiều tham gia quyên góp, đấu giá, hiến tặng cổ vật cho đất nước.

Ai Cập

Ai Cập là một trong những quốc gia có lượng cổ vật quý giá bị cướp đoạt nhiều nhất trong quá khứ, nhưng gần đây Chính phủ Ai Cập đã tỏ rõ nỗ lực hồi hương các cổ vật của đất nước mình. Chính phủ Ai Cập đã phát động một chiến dịch toàn cầu chủ yếu thông qua con đường đàm phán ngoại giao để đòi lại các cổ vật, và họ đã đạt được nhiều thành công rất đáng kể. Tháng 2-2021, Chính phủ Mỹ đã trả lại khoảng 5.000 cổ vật cho Ai Cập và đây là kết quả của những nỗ lực đàm phán từ năm 2016. Cuối năm 2021, Ai Cập lại thông báo họ thu hồi được 36 cổ vật từ Tây Ban Nha, là các cổ vật bị đánh cắp và buôn lậu từ Ai Cập qua quốc gia châu Âu này. Bên cạnh việc đàm phán ngoại giao với các quốc gia, Ai Cập cũng quyết liệt kiểm soát nạn buôn lậu cổ vật từ trong nước.

Ấn Độ

Ấn Độ đã xem ngoại giao cổ vật là một trong những chính sách ngoại giao văn hóa - chính trị quan trọng đối với các nước phương Tây. Và Thủ tướng Modi đã thành công không chỉ một lần với Chính phủ Mỹ, mà ông đã thuyết phục thành công chính phủ các nước Đức, Canada, Singapore… trả lại cổ vật cho Ấn Độ. Sau khi lên nắm quyền năm 2014, ông Modi đã có công trực tiếp thuyết phục và hồi hương hàng chục cổ vật sau những chuyến công du ngoại giao. Để hỗ trợ cho việc này, ông Modi đã cho thành lập một cơ quan đặc biệt (STF) tập hợp một số quan chức ngoại giao và văn hóa có năng lực để thường xuyên liên lạc với các quốc gia nhằm xác minh rõ các cổ vật Ấn Độ đang được lưu giữ tại chính nước đó. Chính phủ Ấn Độ còn tích cực ký kết biên bản ghi nhớ với một số nước về vấn đề trao đổi, hồi hương cổ vật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hoi-huong-co-vat-viet-can-mot-chien-luoc-dai-hoi-post559875.antd