Hội KHHGĐ Việt Nam là một trong những trụ cột của hệ thống IPPF toàn cầu

Trải qua chặng đường 30 năm xây dựng, hội nhập và phát triển, Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam được coi là một trong những trụ cột của Liên đoàn KHHGĐ Quốc tế (IPPF).

Để có được những kinh nghiệm và thành tựu đáng khích lệ như hiện nay, Hội luôn có sự hỗ trợ, đồng hành của Liên đoàn KHHGĐ Quốc tế (IPPF). Trong mỗi thời kỳ cụ thể, IPPF luôn định hướng cho Hội về chiến lược hành động cũng như xác định mục tiêu cho từng giai đoạn 5 năm.

Năm 2023, Hội bắt đầu xây dựng Kế hoạch chiến lược, giai đoạn 2023-2028, trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng với hững thách thức, khó khăn phải đối mặt như: Khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng giới, kỳ thị đồng tính, bạo lực gia đình, bạo lực tình dục ảnh hưởng rất nhiều đến chăm sóc SKSS/SKTD và Quyền.

Ngoài ra khủng hoảng khí hậu, tàn phá môi trường, dịch bệnh, sự dịch chuyển dân cư và hậu quả ngày càng gia tăng của các công nghệ mới cũng là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước đang có những thuận lợi nhất định: Việt Nam đang là một trong những Quốc gia được thế giới đánh giá cao vì có những thành tựu nổi bật trong công tác Dân số, Chăm sóc SKSS và KHHGĐ.

Một số mục tiêu thiên niên kỷ về y tế trong đó có chăm sóc SKSS- KHHGĐ đã đạt được trước thời hạn, mức sinh thay thế đã được xác lập từ năm 2006. Trong những thành tựu đó có đóng góp không nhỏ của Hội KHHGĐ Việt Nam, một tổ chức xã hội nghề nghiệp hàng đầu trong cung cấp các dịch vụ SKSS/ SKTD/ KHHGĐ.

Hội nghị tổng kết dự án JTF

Hội nghị tổng kết dự án JTF

Chiến lược của IPPF giai đoạn 2023 - 2028 với tên gọi là “Đến với nhau” (Come together) đã chỉ ra định hướng với 4 trụ cột cho hệ thống IPPF toàn cầu.

Trụ cột 1: Trung tâm chăm sóc là con người

IPPF đặt ra 3 ưu tiên chiến lược bao gồm: Mở rộng sự lựa chọn cho người dân; Tăng cường tiếp cận; Đẩy mạnh các phương thức chăm sóc sức khỏe điện tử, kỹ thuật số.

Trụ cột 2: Chuyển động chương trình nghị sự về tình dục

Vận động chính sách, thay đổi nhận thức về SKSS/SKTD thông qua việc tác động đến các chương trình nghị sự liên quan và đẩy mạnh mạng lưới thanh niên.

Trụ cột 3: Cùng nhau thay đổi

Mở rộng hợp tác và tăng cường đoàn kết với những ưu tiên chiến lược như: xây dựng quan hệ đối tác chiến lược; Đổi mới phương thức và hỗ trợ các phong trào.

Trụ cột 4: Phát triển liên đoàn và các Hội quốc gia thành viên

Bà Kate Gilmore, chủ tịch IPPF cho hay: “Để trở nên có tác động trong một thế giới thay đổi, IPPF cũng phải thay đổi. Đó là nội dung của Chiến lược 2028 thay đổi IPPF để IPPF được trang bị tốt, để duy trì việc chăm sóc SKSS / SKTD cho những người bị bỏ rơi, bị ruồng bỏ hoặc bị bỏ lại phía sau. Chiến lược 2028 của chúng ta đặt ra một con đường quen thuộc nhưng theo một hướng mới trên những địa hình khó khăn hơn nhiều để đến đích một cách rõ ràng. Chúng ta sẽ sánh vai cùng những người trẻ, cùng những cá nhân và cộng đồng gánh chịu đầy đủ sự kỳ thị và thành kiến trên con đường đó.

Ở mỗi bước, chúng ta sẽ chăm sóc, bảo vệ và tôn vinh sự an toàn, niềm vui và hạnh phúc trong quan hệ tình dục và sinh sản. Ở mọi ngả đường, chúng ta sẽ tố cáo các quyền lực và chính quyền, những người, thông qua chính sách, thực tiễn và luật pháp, làm suy yếu phẩm giá và quyền con người trong các lĩnh vực mà chúng ta hoạt động. Và, với tư cách là IPPF, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm về việc chúng ta là ai, chúng ta làm gì và chúng ta làm như thế nào”.

Bà Kate Gilmore, chủ tịch IPPF

Bà Kate Gilmore, chủ tịch IPPF

Với những định hướng chiến lược tầm cỡ quốc tế mà IPPF đặt ra, Hội KHHGĐ Việt Nam cùng với các chuyên gia cũng đang xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2023-2028. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đạt được từ việc thực hiện KHCL giai đoạn 2016-2022, Hội sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên trọng tâm như:

- Đầu tư cho các chương trình Thanh niên; Nâng cao vị thế và huy động thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông và chăm sóc SKSS/SKTD cho chính họ. Trong những năm tới, ưu tiên này sẽ được thực hiện theo phương thức hợp tác với các đối tác liên quan như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các tổ chức, nhóm hành động cộng đồng có thế mạnh trong việc tiếp cận và huy động thanh niên tham gia.

- Chú trọng việc tiếp cận và phát triển các phương thức cung cấp thông tin, tư vấn và dịch vụ SKSS/SKTD mới, hiện đại, thuận tiện cho người dân trên cơ sở những nền tảng kỹ thuật số và điện tử. Để phát triển các phương thức tiếp cận kỹ thuật số, Hội đã có những điều kiện cần thiết như Trang điện tử Gia đình Việt Nam với nhiều kênh điện tử như Youtube, Tiktok, Video hay Gia đình TV; Trung tâm tư vấn điện thoại nóng, các trang mạng xã hội, Fanpage của Tạp chí gia đình cũng như của Hội.

PGS.TS Phạm Bá Nhất – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam

PGS.TS Phạm Bá Nhất – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam

Về định hướng chiến lược giai đoạn tới, PGS.TS Phạm Bá Nhất – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam cho rằng: “Hội đang có vị thế là một trong những Hội quốc gia thành viên đứng đầu của IPPF trong khu vực về các mô hình và kết quả hoạt động. Giai đoạn tới, Hội đặt ra những ưu tiên chiến lược nhằm cụ thể hóa Mục tiêu chiến lược của IPPF đồng thời nhằm đẩy mạnh và mở rộng mô hình hoạt động Hội sang các lĩnh vực mà vừa qua Hội chưa có sự đầu tư thỏa đáng” .

“Áp dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp dịch vụ SKSS/SKTD là một việc không dễ trong bối cảnh các nền tảng kỹ thuật số đang phát triển nở rộ tại Việt Nam như hiện nay. Hội cần tạo ra những điểm nhấn khác biệt, hấp dẫn và hiệu quả hướng tới mục tiêu cung cấp “kiến thức thật” qua “thế giới ảo” mà xu hướng nhiều người dân đang lựa chọn để trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS/SKTD/KHHGĐ cho bản thân mình” – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam chia sẻ thêm.

Hoàng Linh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/hoi-khhgd-viet-nam-la-mot-trong-nhung-tru-cot-cua-he-thong-ippf-toan-cau-d191787.html