Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam, lá cờ đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài Việt Nam

Khuyến học, khuyến tài (KHKT) là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã tổng kết 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn'. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho việc học tập của người dân, Bác mong muốn 'đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành'… Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nỗ lực làm tốt công tác KHKT và xây dựng xã hội học tập (XHHT).

Khuyến học, khuyến tài (KHKT) là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta đã tổng kết “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp hèn”. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt chăm lo cho việc học tập của người dân, Bác mong muốn “đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”… Thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nỗ lực làm tốt công tác KHKT và xây dựng xã hội học tập (XHHT).

Quán triệt sâu sắc tinh thần các chỉ thị, quyết định, kết luận, kế hoạch của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và thông tri của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác KHKT, xây dựng XHHT, những năm qua, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc góp sức duy trì và đẩy mạnh phong trào học tập rộng khắp từ gia đình, dòng họ cho tới cộng đồng. Với mục tiêu xây dựng một xã hội phát triển, Hà Nam xác định không có con đường nào khác ngoài việc phải xây dựng được một xã hội mà ở đó học tập được đề cao, tri thức được coi là nền tảng của sự phát triển. Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta dự báo về xu thế phát triển của đất nước theo hướng hội nhập và toàn cầu hóa, trong đó quan tâm 3 vấn đề: phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số và công nghệ sinh học, tạo cho người dân nhiều hơn các cơ hội cũng như động lực được học tập; với sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức, ở mỗi quốc gia, tri thức trở thành lực lượng quan trọng của sản xuất hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế.

Để các mục tiêu về xây dựng XHHT đi vào thực tiễn, Hội Khuyến học tỉnh đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể; phối hợp tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, học tập, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về xây dựng XHHT tới tất cả các đối tượng; triển khai có hiệu quả các mô hình học tập.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho các học sinh đạt giải cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022- 2023.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao thưởng cho các học sinh đạt giải cao trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2022- 2023.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, giai đoạn 2021- 2030”; Quyết định số 677/QĐ-TTg, ngày 3/6/2022 phê duyệt Chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập, giai đoạn 2021- 2030”, UBND tỉnh Hà Nam đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 2810 và Kế hoạch số 2917 triển khai thực hiện các chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, giai đoạn 2021- 2030” và “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021- 2030” trên địa bàn tỉnh, bảo đảm phù hợp với thực tế. Đây là những động thái thể hiện sự quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, của tỉnh trong việc tạo điều kiện để hiện thực hóa chủ trương xây dựng XHHT.

Đồng hành cùng sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh đã từng bước lớn mạnh, hoạt động ngày càng hiệu quả và đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. Sau 27 năm xây dựng và phát triển hội (2/10/1996 - 2/10/2023) và 15 năm triển khai thực hiện Ngày Khuyến học Việt Nam (2/10/2008 - 2/10/2023), đến nay tổ chức hội đã phủ khắp 100% các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị, trường học với hàng nghìn chi hội, ban khuyến học và trên 30 vạn hội viên (chiếm tới 36,37% dân số toàn tỉnh). Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát động phong trào thi đua “Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài”, Hội Khuyến học tỉnh đã động viên, hướng dẫn các gia đình đăng ký phấn đấu trở thành “gia đình hiếu học”, các dòng họ phấn đấu trở thành “dòng họ khuyến học”, các thôn làng, khu phố, nhà chùa, xứ đạo phấn đấu trở thành “đơn vị khuyến học tiên tiến”…

Với nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động và tổ chức thực hiện, toàn tỉnh hiện có trên 89% gia đình được công nhận là “Gia đình học tập”; gần 85,5% dòng họ được công nhận “Dòng họ học tập”; 100% xã, phường, thị trấn được công nhận “Cộng đồng học tập”, gần 33% công dân là “Công dân học tập”, giúp khích lệ, động viên và khơi dậy tinh thần hiếu học của mọi tầng lớp nhân dân.

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào KHKT và xây dựng XHHT, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, vào cuộc của các tầng lớp nhân dân, các cấp hội khuyến học trong tỉnh đã tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường, lớp học, hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập với tổng số tiền hàng chục tỉ đồng và nhiều vật chất khác. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân luôn đồng hành, liên tục đóng góp công sức, tài trợ kinh phí cho khuyến học; nhiều người ở xa quê hương sẵn lòng, tự nguyện ủng hộ cho KHKT, như: ông Lê Huy Côn, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Đình Trường, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Việt Tiến (Thành phố Hồ Chí Minh); Hội đồng hương Hà Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh…, cùng nhiều tập thể, cá nhân khác. Qua đó, không chỉ phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, nối dài truyền thống hiếu học, mà còn có giá trị tích cực xây dựng XHHT sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Với sự hỗ trợ, đồng hành đó, nhiều gia đình đã bảo đảm được việc học tập cho con, cháu; việc học tập của nhiều học sinh, sinh viên không bị gián đoạn, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội; nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất hiện trong phong trào thi đua khuyến học.

Với những kết quả đã đạt được qua 27 năm hoạt động, Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam đã hai lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động: năm 2010 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2014 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được các cấp, ngành khen thưởng. Kể từ khi được thành lập cho đến nay, Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam luôn là một trong những đơn vị lá cờ đầu của phong trào KHKT Việt Nam. Đây là những thành tích đáng trân trọng, tự hào để các cấp hội tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục - đào tạo của tỉnh, trọng tâm là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển giáo dục - đào tạo được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh..., công tác KHKT có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh và toàn xã hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác KHKT, xây dựng XHHT; nhất là các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và của tỉnh về đẩy mạnh công tác KHKT, xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia công tác KHKT, xây dựng XHHT.

Hội Khuyến học chủ động củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp theo hướng mạnh về chất, đủ về lượng; phát triển hơn nữa đội ngũ cán bộ hội; thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức hội, bảo đảm vai trò nòng cốt trong cuộc vận động toàn dân tham gia KHKT, xây dựng XHHT; tích cực thực hiện xã hội hóa, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong các hoạt động hỗ trợ trường, lớp học và duy trì, thực hiện tốt công tác khen thưởng học sinh giỏi, trao học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Đồng thời, đánh giá và nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong công tác KHKT, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội; gắn phong trào thi đua KHKT với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua khác ở địa phương; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp học tập, cộng đồng học tập và công dân học tập. Hơn thế, Hội Khuyến học tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác KHKT, xây dựng XHHT, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ về nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh và tiếp nối truyền thống hiếu học của quê hương Hà Nam Anh hùng.

Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam

.

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/hoi-khuyen-hoc-tinh-ha-nam-la-co-dau-trong-phong-trao-khuyen-hoc-khuyen-tai-viet-nam-105045.html