Hội Khuyến học Việt Nam góp phần đào tạo bồi dưỡng người công dân tốt trong thời kỳ mới

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết của Đảng về đào tạo, phát huy nhân tố con người, Hội Khuyến học Việt Nam khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người dân thông qua việc tự học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành những con người tốt.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Văn

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Thành Văn

Giáo dục, đào tạo và rèn luyện con người mang tầm chiến lược cơ bản, lâu dài nhưng cũng rất cấp bách

Tham luận tại Hội thảo khoa học "Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất, Lãnh tụ thiên tài, Người Thầy vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, tuy đã đi xa 55 năm nhưng tư tưởng của Người về giáo dục, đào tạo, về xây dựng con người mới, cùng tấm gương tự học và đạo đức sáng ngời của Người mãi mãi soi đường cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sự nghiệp “trồng người” của đất nước ta.

Kế thừa truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc, truyền thống của quê hương, tiếp thu văn hóa nhân loại và hoạt động thực tiễn trên con đường tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; vì nước đã hình thành tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tài sản vô giá của dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết, tư tưởng của Người về giáo dục và đào tạo con người là giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong việc cải tạo phát triển con người mới.

Thông qua giáo dục để đào tạo con người mới vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa có đức, vừa có tài, những người công dân tốt nhờ đó làm chủ được bản thân, làm chủ vận mệnh đất nước. Giáo dục, đào tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển con người.

Trong tập “Nhật ký trong tù”, Người viết: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định bản chất con người là do giáo dục tạo nên chứ không phải được định sẵn.

Quan điểm này là kết quả sự tiếp thu quan điểm duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác - Lê nin và đúc rút từ chính thực tiễn cuộc đời hoạt động của Người.

Do vậy, giáo dục, đào tạo và rèn luyện con người mang tầm chiến lược cơ bản, lâu dài nhưng cũng rất cấp bách.

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” đó là tư tưởng, nhiệm vụ có tính quy luật được Đảng ta, nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Con người mới xã hội chủ nghĩa, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, là con người thấm nhuần đạo đức cách mạng, có lòng yêu quê hương, đất nước, có ý thức làm chủ đất nước, đồng thời phấn đấu nâng cao trình độ hiểu biết về văn hóa, khoa học kỹ thuật để đủ sức xây dựng và quản lý xã hội.

Phải đào tạo, bồi dưỡng được những lớp người vừa “hồng” vừa “chuyên” là công việc thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi cơ quan, đơn vị, của mỗi cộng đồng, của mỗi gia đình và từng người trong xã hội.

Ông Lê Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam

Chia sẻ về người công dân tốt trong thời kỳ mới, học tập và rèn luyện để trở thành công dân tốt, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh người công dân tốt là người thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Trong đó học tập và lao động là quyền và nghĩa vụ quan trọng và trước tiên của mỗi công dân; đồng thời mỗi người dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội; kiến nghị đóng góp vào vấn đề chung của đất nước và địa phương.

Một người công dân tốt phải có tinh thần yêu nước, trung thành với Tổ quốc, có bản lĩnh vững vàng trước khó khăn, thử thách, có tinh thần đoàn kết, yêu thương con người, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, chấp hành quy tắc sinh hoạt công cộng, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, có tinh thần tự học và học tập suốt đời để hoàn thiện bản thân mình và hiện nay học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh:

Phấn đấu rèn luyện để trở thành con người có đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vừa “hồng” vừa “chuyên”;

Người công dân tốt phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực xã hội, sống có trách nhiệm với bản thân mình và mọi người, có trách nhiệm với gia đình, tập thể, cộng đồng. Ủng hộ cái tốt đẹp, cái mới tiến bộ và phê phán cái xấu, lạc hậu, lối sống cá nhân chủ nghĩa;

Có bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe để đáp ứng yêu cầu của công việc để lao động, làm việc hiệu quả trong thời kỳ mới.

Đào tạo, bồi dưỡng người dân trở thành người công dân tốt là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của các cấp Hội Khuyến học

Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, Nghị quyết của Đảng về đào tạo, phát huy nhân tố con người. Hội Khuyến học Việt Nam khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ người dân thông qua việc tự học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời để trở thành những con người tốt.

Là một tổ chức xã hội, tập hợp các lực lượng xã hội và đông đảo công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước và nước ngoài tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập khu vực và quốc tế.

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới". Ảnh: Thành Văn

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học "Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới". Ảnh: Thành Văn

Hội Khuyến học Việt Nam liên kết, phối hợp các tổ chức, các lực lượng xã hội, các cơ sở giáo dục triển khai hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tập hợp đoàn kết hội viên đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục và đào tạo, cơ hội cho mọi công dân được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đào tạo, bồi dưỡng mọi người dân Việt Nam trở thành người công dân tốt là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của các cấp Hội Khuyến học trên địa bàn cả nước.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ và trách nhiệm vinh quang này, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời để trở thành công dân tốt có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển hoàn thiện nhân cách của con người và sự phát triển của đất nước.

Hội Khuyến học Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng của Người; góp phần đào tạo người công dân tốt có nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, tập trung một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, tập trung đổi mới, sáng tạo trong phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đào tạo, về bồi dưỡng phát huy nhân tố nguồn lực con người.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí, truyền thông xây dựng chương trình tuyên truyền, chuyên trang chuyên mục, nội dung khuyến học, khuyến tài trên nền tảng số một cách đồng bộ, sáng tạo, có sức hấp dẫn để truyền tải đến tầng lớp nhân dân, mang đến người đọc, người xem những sản phẩm thông tin có nội dung giáo dục, khuyến học sâu sắc, đến được đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh đó các cấp hội khuyến học phối hợp các ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, xây dựng được đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trực tiếp truyền đạt nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng người công dân tốt đến từng cấp hội nhất là ở cơ sở, từng thôn xóm, làng bản, khu phố trên địa bàn dân cư; từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi người dân học tập để trở thành con người tốt, có cuộc sống hạnh phúc.

Hai là, chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền ban hành chủ trương, quyết định, kế hoạch, chính sách và quan tâm lãnh đạo chỉ đạo thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời mà trọng tâm là thực hiện Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo ; Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư ngày 10/5/2019 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Quyết định 387/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030” và Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Xây dựng mô hình công dân học tập giai đoạn 2021-2030”. Thực hiện tốt nhiệm vụ đó nhằm tạo ra môi trường, cơ hội cho người dân học tập, hoàn thiện bản thân, trở thành người công dân tốt, đóng góp công sức của mình cho xây dựng đất nước và cộng đồng.

Ba là, đổi mới công tác tổ chức và phương thức hoạt động của hội. Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển tổ chức hội trong cơ quan Đảng, Nhà nước, các đơn vị hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các trường học, doanh nghiệp trong đó xác định vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, đảng viên là nòng cốt với tinh thần mỗi tổ chức Đảng là đơn vị học tập, mỗi đảng viên là công dân học tập theo Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư.

Đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến học có trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đổi mới sáng tạo trong tổ chức hoạt động. Phấn đấu nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình công dân học tập để sớm xây dựng nước ta trở thành xã hội học tập.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo, ngành văn hóa thông tin thể thao và du lịch triển khai tốt mô hình công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập, đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp các hoạt động học tập của người dân thông qua thiết chế văn hóa: thư viện, bản làng, trung tâm văn hóa; đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa trên địa bàn xã, phường, thị trấn thực sự là nơi sinh hoạt văn hóa, học tập của người dân. Gắn kết việc đánh giá tiêu chuẩn gia đình học tập là tiêu chí quan trọng công nhận gia đình văn hóa.

Năm là, tăng cường, chủ động phối hợp của Hội Khuyến học các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội tập trung triển khai Quyết định 1315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030” bằng chương trình cụ thể, thiết thực, sát thực tiễn nhằm tạo ra một phong trào thi đua học tập sôi nổi trong toàn dân; toàn xã hội nhằm chấn hưng nền giáo dục, góp phần bồi dưỡng nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Sáu là, đẩy mạnh công tác phát triển đa dạng loại hình quỹ khuyến học, của các cấp; vận động, huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn duy trì học tập, hỗ trợ khuyến khích tài năng các lĩnh vực và hỗ trợ học tập của người lớn tuổi, khen thưởng điển hình, nhân tố mới, tấm gương tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Xây dựng người công dân tốt ở nước ta hiện nay là yêu cầu đòi hỏi khách quan của quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức, yêu cầu bắt buộc phải đổi mới, sáng tạo bắt buộc phải đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Muốn thực hiện được điều đó tiếp tục học tập và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.

Quá trình đó phải xác định được nội dung, nhiệm vụ cụ thể, lộ trình cách làm đổi mới, sáng tạo với tinh thần kiên quyết, kiên trì và trách nhiệm cao; huy động được tất cả các cấp, các ngành, mọi lực lượng xã hội và mỗi người dân cùng tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội Khuyến học Việt Nam học tập và làm theo lời Bác: “Học không bao giờ cùng” “học tập suốt đời”, không ngừng cố gắng đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp trồng người, góp phần đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới, thành nước phát triển vào năm 2045.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/hoi-khuyen-hoc-viet-nam-gop-phan-dao-tao-boi-duong-nguoi-cong-dan-tot-trong-thoi-ky-moi-179240930154859937.htm