Hội Làm vườn và Trang trại hỗ trợ hội viên liên kết sản xuất
Để thúc đẩy hội viên phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội Làm vườn và Trang trại (LV&TT) tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mang lại thu nhập cho hội viên.
Chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị ở xã Hóa Quỳ (Như Xuân).
Thời gian qua, Hội LV&TT tỉnh đã trở thành cầu nối quan trọng giữa hội viên thuộc các chi hội LV&TT trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Theo đó, để giải bài toán “được mùa rớt giá”, hội đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tạo cơ hội để các hội viên liên kết hợp tác với các doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường vai trò trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ sản phẩm, tạo nguồn sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao. Bên cạnh đó, tổ chức tham quan, mở lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để hội viên mạnh dạn đưa các giống cây, con có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào nuôi trồng, từ đó thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Hội giao chỉ tiêu cụ thể cho các chi hội tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò của kinh tế tập thể, đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với hoạt động của các mô hình liên kết và hoạt động hỗ trợ nông dân... Theo thống kê của Hội LV&TT tỉnh, thời gian qua, hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức được 720 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 21 nghìn lượt hội viên nhằm nâng cao kỹ thuật sản xuất; 209 đợt tham quan tại các trang trại trong và ngoài tỉnh cho các hội viên tại các huyện. Từ đó, nhiều hộ hội viên đã tích cực đầu tư mở rộng quy mô, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang phát triển theo hướng trang trại, gia trại và thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm để phát triển kinh tế bền vững. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16 chi hội thành lập mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với Công ty Giống cây trồng Minh Đức, để tiến hành tập huấn kỹ thuật cải tạo, trồng cây ăn quả cho trên 1.000 hội viên ở các địa phương, như: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Tĩnh Gia, Đông Sơn, Thạch Thành... Hội đã liên kết với Công ty Gasavi để thực hiện mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Trong đó, có 6 hội huyện đã triển khai thực hiện với số lượng 50 trang trại. Điển hình như: Trang trại của ông Lê Sỹ Lâm, xã Hoằng Vinh (Hoằng Hóa), thu nhập từ 600-800 triệu đồng/năm; trang trại của bà Bùi Hoàng Diệu, xã Định Hòa (Yên Định), thu nhập 300-500 triệu đồng/năm; các trang trại chăn nuôi gà đồi ở huyện Như Xuân đã liên kết sản xuất với doanh nghiệp, số lượng từ 25-27 vạn con, thu nhập hàng tỷ đồng/năm... Bên cạnh đó, hội phát triển được 95 mô hình theo hình thức chuỗi giá trị, công nghệ cao, an toàn thực phẩm, như: Mô hình nuôi ếch thương phẩm, nuôi đông trùng hạ thảo, nuôi ong lấy mật, trồng rau an toàn...
Có thể nói, việc hỗ trợ của hội trong liên kết sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất truyền thống trước đây. Ông Lôi Xuân Len, Chủ tịch Hội LV&TT tỉnh, cho biết: “Tùy từng loại sản phẩm, có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và sản lượng tăng 20-25%. Qua việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã nâng giá trị gấp 1,5 đến 2 lần, hình thành mối liên kết giữa người sản xuất, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của các hội viên về liên kết trong sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm”.
Thời gian tới, Hội LV&TT tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên xây dựng và phát triển mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho hội viên.