Hội làng giữa đại dịch
Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 8.000 lễ hội. Trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).
Việt Nam là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng trăm năm đến nay vẫn được duy trì. Không chỉ có lễ hội lớn mà ngay cả tại các làng quê cũng có lễ hội làng như nét đẹp văn hóa của người Việt. Do dịch COVID-19 mà hầu hết các lễ hội đã phải bỏ đi phần hội, chỉ giữ lại phần lễ.
Lễ hội lớn được phục dựng năm 1996
Làng Phú Xá, (còn có tên là làng Xù) phường Phú Thượng, quận Tây Hồ nằm ở phía chân cầu Nhật Tân. Mồng 10 tháng 2 (âm lịch) là ngày hội của làng. Trong cuốn lịch sử của làng Phú Xá còn giữ tại đình làng thì cụ Nguyễn Kiều (được ghi danh trên bia đá ở Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội) làm quan triều Lê Trịnh. Năm 1749 cụ xin nhà vua một mẫu thiết kế làm sai quy cách khi dựng cung điện, lưu ở nhà kho về cho làng làm đình.
Năm 1750, ngôi đình được xây dựng xong, cụ Nguyễn Kiều xưng tôn 2 sĩ tử đi qua kè Phú Xá rồi hóa (mất) ở đó làm nhị vị đại vương, gọi là Huệ linh ứng và Báo linh ứng (người báo tin vui cho đình làng), phong hai vị làm thành hoàng làng. Cụ Nguyễn Kiều đặt tên cho đình làng Xù tên gọi “Lạc Đình” nghĩa là nơi hội tụ vui vẻ. Trải qua chiều dài lịch sử, ngôi đền thờ cụ Nguyễn Kiều và phu nhân là nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, cụ Thánh Tăng và quan Hà Bá.
Ông Nguyễn Quốc Thiện, Trưởng ban hành lễ của nhà đình cho biết: Hội đình làng có từ thời cụ Nguyễn Kiều lập ra, trải qua mưa nắng thời gian, thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giặc giã liên miên, bà con đi sơ tán. Sau ngày đất nước thống nhất, lễ hội của làng bị thất truyền. Cho đến năm 1996, ông Thiện và những người làm văn hóa quận Tây Hồ dựa vào lịch sử của ngôi đình, tìm lại nguồn tài liệu cũ đã phục dựng lại lễ hội đình và duy trì hằng năm từ đó đến nay không bị gián đoạn.
Ngày 5-2 âm lịch diễn ra lễ “Mặc cột đình”, treo cờ Tổ quốc, cờ thần thành hoàng khắp đầu làng cuối xóm để chuẩn bị đón lễ chính hội. Ngày mồng 8-2 âm lịch là lễ “Bao sái”, những vãi trong làng ra đình lau chùi ban bệ, sắp xếp đồ thờ và chuẩn bị kiệu để làm lễ rước. Ngày 9-2 âm lịch là lễ “Mộc dục” hay còn gọi là lễ rước nước, ra ngã ba sông Hồng lấy nước về để lau chùi đồ thờ của thánh. Ngày hôm sau là lễ “Kì Phúc” của đình làng, lễ hội chính cả làng, tri ân những người đã có công tôn tạo, lập ra ngôi đình.
Gần 25 năm nay, lễ hội diễn ra ngày 10-2 âm lịch hằng năm trở thành lễ hội chính của làng. Ông Thiện bảo: dù người của làng đi lấy vợ, gả chồng ở nơi xa nhớ ngày lễ của làng cũng dắt díu con cháu kéo về tề tựu đông đủ để dự hội dâng lễ xin phước. Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 8 tháng 2 (âm lịch) đến 12 giờ đêm ngày 10 tháng 2 (âm lịch).
Những người nhà đình cho biết, năm nay nhiều kỉ niệm lớn như: kỉ niệm 325 năm ngày sinh cụ Nguyễn Kiều, 270 năm thành lập đình Phú Xá và kỉ niệm 1 năm đình đón bằng di tích lịch sử cấp thành phố, nhà đình muốn tổ chức lớn nhưng do dịch nên lễ hội chỉ còn phần lễ, không có phần hội.
Lễ hội với nỗi buồn dịch bệnh
Hằng năm lễ hội cờ phướn rợp trời, trống dong cờ mở, người người nườm nượp nhưng năm nay do dịch bệnh xảy ra nên tịnh không có bóng dáng một chiếc cờ nào từ đầu làng đến cuối làng, chỉ treo một vài cờ ở trước cửa đình. Sân đình rộng, đội hành lễ do các bà, các chị xúng xính xiêm y áo đỏ, váy vàng, hòa với tiếng nhạc réo rắt, tiếng trống gọi mời đang cử hành làm lễ. Có dăm cụ ông ở đội lễ, chân đi guốc mộc, mặc áo dài đen, đầu đội khăn xếp.
Nhấp chén trà, một cụ ông bảo: “Năm nay người đến lễ vắng nhiều, giảm đến 80%, chứ mọi năm giờ này người đến xem hội, xem lễ còn không có chỗ đứng. Những năm trước, người đội lễ đến dâng nhà đình chật chỗ. Năm nay người đến làm lễ rải rác, không còn cái cảnh xếp hàng chờ đến lượt nữa rồi”.
Ở ngoài sân đình, đội lễ nữ vẫn đang hành lễ. Người đến dự thưa thớt, cả khoảng sân ở hai bên cánh gà lác đác vài người chụp ảnh. Bà Sơn, cháu 7 đời của dòng họ Nguyễn Kiều cầm tập giấy mời khách trong tay nói: “Năm nay do dịch nên có hơn chục người làm văn hóa ở các nơi được mời đến nhưng họ vẫn chưa tới. Người thì cáo ốm, người thì nói bận đi công tác, người thì bảo về quê. Mọi năm vào ngày này đông vui lắm, có đến hàng nghìn người ấy”.
Bà Sơn bảo hằng năm cứ đến lễ hội là có các hoạt động tưng bừng của hơn chục đội, như: Đội trống, đội cờ, đội cựu chiến binh, đội các vãi già, đội rước nước, đội hành lễ...
Làng Phú Xá cũng như bao làng quê Việt, nương vào dòng sông Hồng để phát triển trù phú. Trước đây, làng sống bằng nghề trồng trọt và giao thương buôn bán dưới sông, trên bến dưới thuyền. Khi xưa có một nhóm người quanh năm ngày tháng chỉ sinh sống dưới thuyền chứ không lên bờ bao giờ. Họ thờ quan Hà Bá ở trên thuyền, sau này do chủ trương của nhà nước tạo điều kiện đưa người dân định cư ở trên bờ nên người ta làm lễ rước quan Hà Bá về đình.
Ngày mồng 9-2 âm lịch, làng tổ chức lễ “Mộc dục” rước nước, lễ này có thể đông đến hàng nghìn người tham dự, gần như tất cả lớn bé, già trẻ trong làng đến các công dân sống ở các làng lân cận cũng cùng nhau đi rước nước. Thật là vô cùng đông vui nhộn nhịp. Lễ rước nước được cử hành với đội lễ đi trước và đội rước theo sau. Trai tráng trong làng khỏe mạnh đi khiêng 3 kiệu, kiệu anh, kiệu em và kiệu quan Hà Bá.
Ngoài ra còn khiêng chum ngô đựng nước mang về đình. Tương truyền trong sử ghi chép lại những nhân đinh trai trong làng chứ rể ở làng khác đến lấy con gái của làng cũng không được khiêng kiệu. Từ năm 1996, nhà đình đã cho tất cả thanh niên trai tráng, hễ cứ ai có tâm đều có thể tham gia rước kiệu, lấy nước.
Lễ rước nước được tổ chức vào 8 giờ sáng thì 7h30 mọi người đã tề tựu đông đủ, ai cũng hăm hở xăng xái như có một mùa xuân phơi phới ở trong lòng. Sau khi làm lễ báo cáo, công bố lí do rồi xếp các đội hình, đội cờ, đội quạt, đội xe đi dẫn đường, đội kiệu đi sau. Hàng nghìn người tham gia lễ rước nước. Mỗi kiệu có 15 người thay nhau khiêng. Đoàn rước đi từ đầu làng đến cuối làng, trước khi đi lấy nước thì đội rước kiệu đi vào nhà “Căm thù”.
Năm 1966, Mỹ bắn phá miền Bắc, thả bom vào làng Phú Xá, có 5 ngôi nhà ở cạnh nhau, tất cả 5 gia đình đó trúng bom chẳng còn ai. Sau này, để nhớ đến những người tử nạn vì bom Mỹ mà người dân trong làng đã xây nhà “Căm thù” để ngày rằm, mồng 1 khói hương. Sau đó đoàn rước tiếp tục rước các ngài vào nhà Hậu Bành làm lễ tế, xong rồi mới ra sông.
Khi rước các ngài xuống sông thì có những chiếc thuyền to nhỏ đợi sẵn, khoảng 50 người sẽ lên thuyền chạy dọc sông cho hết địa phận làng Phú Xá. Thuyền chạy đi chạy lại tất cả 3 vòng theo chiều kim đồng hồ dọc chiều dài của làng rồi thuyền mới chở các ngài ra giữa ngã ba sông Hồng, nơi có dòng nước thượng nguồn tốt nhất, múc nước đầy chum, rồi lại rước các ngài và chum nước về đình.
Ông Nguyễn Quốc Thiện, phó trưởng ban di tích đình Phú Xá, trưởng ban lễ hội cho biết: Nước này mang về để tắm cho các thánh và lau rửa đồ thờ, cũng dùng để cúng tế. Đến cuối năm nếu nước này còn trong chum sẽ mang ra để tưới cây. Năm nay, thay vì 2.000 người tham gia lễ rước nước như mọi năm thì chỉ còn có 20 người làm lễ rước.
Cùng với tiếng nhạc, tiếng trống, đội lễ nữ đang làm lễ ở sân đình, thỉnh thoảng lại thấy người đội mâm xôi gà, thủ lợn vào để lễ thánh. Bác phó nháy đeo máy ảnh trước ngực, lăng xăng đi lại một hồi rồi ngồi phệt xuống bảo: “Năm nay thất thu quá, mọi năm đông vui tấp nập, khách kéo đến ầm ầm, cũng có chút dư giả, còn từ sáng tới giờ đợi mãi mà vẫn chưa được cuốc nào, ế sưng người”.
Anh Trịnh Văn Lâm, phó trưởng tiểu ban đình làng Phú Xá thông báo: “Năm nay, để đề phòng dịch bệnh COVID-19 nên đình rút gọn hết, chỉ có lễ mà không có hội, không treo đèn kết hoa ở các tuyến ngõ. Nghi thức rước nước thì không tổ chức rước kiệu. Nhà đình cũng không tổ chức khai mạc, không tổ chức văn nghệ, thể thao, không tổ chức trò chơi... Ngay cả việc làm lễ công bố giải thưởng cho các cháu đỗ đại học mọi năm vẫn diễn ra thì năm nay lên danh sách gửi về các khu dân cư, rồi cán bộ đến tận nhà để trao quà chứ không tổ chức ở nhà đình như mọi năm”.
Bà Sơn nghe anh Lâm nói vậy cũng chia sẻ: “Mọi năm vui đáo để, nhất là phần văn nghệ, hết đội này đến đội kia tranh nhau hát, ai cũng muốn đến lượt mình. Năm nay chả hát hò, cũng không có ăn uống gì. Mọi năm mời khách ăn uống kín cả sân đình...”.
Không chỉ có lễ hội làng Phú Xá mà khắp các tỉnh thành cả nước, lễ hội tại thôn xóm, làng xã cũng chỉ duy trì phần lễ chứ không có phần hội. Cùng ngày mồng 10-2 âm lịch, tại thôn Yên Bình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội cũng là ngày tổ chức lễ hội của đình Yên Bình hằng năm.
Người đại diện nhà đình thôn Yên Bình cho biết: “Năm nay có dịch COVID-19 nên vắng lắm, chả có mấy ai ra đình, trong đình, ngoài ngõ vắng teo, khách khứa thưa thớt không bằng 1/10 mọi năm, trong đình chỉ có những người tham gia tổ chức phần lễ buộc phải có mặt”.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hoi-lang-giua-dai-dich-585812/